Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chuyên ngành Sản phụ khoa.
Đối với nhiều phụ nữ, tình trạng đau ở giữa chu kỳ là một trong những dấu hiệu của rụng trứng. Vị trí gây đau phổ biến là hai bên hố chậu và có thể gây đau bụng dưới. Ngoài ra, ở một số phụ nữ còn có thêm các cơn đau khác như: đau ngực, đau đầu hoặc đau nửa đầu.
1. Hiện tượng rụng trứng ở phụ nữ
Rụng trứng xảy ra vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Một quả trứng trưởng thành sẽ vỡ qua nang trứng và đi vào ống dẫn trứng liền kề. Đây là một quá trình quan trọng của sinh sản. Không phải phụ nữ nào cũng sẽ cảm thấy được quá trình rụng trứng hàng tháng diễn ra trong cơ thể mình. Tuy nhiên, với những phụ nữ có các cơn đau khi rụng trứng cần được khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
2. Đau trong quá trình rụng trứng
Đau khi rụng trứng còn được gọi gọi là mittelschmerz. Mittelschmerz là đau vùng chậu và bụng dưới mà một số phụ nữ gặp phải trong quá trình rụng trứng. Rụng trứng thường xảy ra khoảng giữa các chu kỳ kinh nguyệt, cho nên thuật ngữ mittelschmerz được xuất phát từ các từ tiếng Đức có nghĩa là "giữa" và "cơn đau".
Cơn đau của rụng trứng có thể từ một cơn co thắt nhẹ đến khó chịu nghiêm trọng và thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Nó thường được cảm nhận ở một bên bụng hoặc xương chậu và có thể thay đổi mỗi tháng của chu kỳ. Hơn nữa, cơn đau cũng còn tùy thuộc vào việc buồng trứng sẽ giải phóng trứng trong chu kỳ đó. Trong một số trường hợp, sẽ có một lượng nhỏ chảy máu âm đạo hoặc xuất tiết xảy ra. Một số phụ nữ bị buồn nôn, đặc biệt là nếu cơn đau nghiêm trọng.
Ngoài ra, sau chu kỳ rụng trứng, hàm lượng hormone progesterone trong cơ thể người phụ nữ sẽ tăng lên. Sự thay đổi này có thể là nguyên nhân khiến cho ngực đau nhức trong quá trình rụng trứng. Hay với một số phụ nữ khác lại có hiện tượng đau đầu hoặc đau nửa đầu. Có khoảng 20% phụ nữ gặp tình trạng này khi quá trình rụng trứng diễn ra.
3. Nguyên nhân gây đau khi rụng trứng
Khi trứng phát triển trong buồng trứng, nó được bao quanh bởi dịch nang trứng. Trong quá trình rụng trứng, trứng và chất lỏng, cũng như máu sẽ được giải phóng khỏi buồng trứng.
Trong khi nguyên nhân chính xác của mittelschmerz vẫn chưa được biết rõ ràng thì người ta tin rằng các chất lỏng hoặc máu có thể là nguyên nhân gây kích ứng niêm mạc khoang bụng gây ra tình trạng rụng trứng có đau bụng dưới. Những cơn đau này có thể sẽ biến mất ngay sau khi trứng được giải phóng hoặc khi cơ thể hấp thụ chất lỏng hoặc máu.
Một số nguyên nhân khác gây đau do rụng trứng:
- U nang
U nang buồng trứng có thể gây ra một số triệu chứng từ chuột rút và buồn nôn đến đầy hơi. Tuy nhiên, một số u nang khác lại không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
U nang đặc, u lạc nội mạc tử cung là những loại u nang ít phổ biến nhưng lại có thể gây ra các triệu chứng đau. Hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) bao gồm nhiều u nang nhỏ trên buồng trứng. Nếu mắc PCOS và không được điều trị có thể gây vô sinh ở nữ giới.
- Lạc nội mạc tử cung hoặc dính
Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng gây ra đau cho phụ nữ khi mô từ niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài khoang tử cung. Các khu vực bị ảnh hưởng sẽ bị kích thích khi các mô lót phản ứng với hormone trong chu kỳ, gây chảy máu và viêm bên ngoài tử cung. Hơn nữa, nó còn có thể phát triển mô sẹo hoặc dính lạc nội mạc tử cung đặc biệt đau đớn trong chu kỳ kinh nguyệt.
Sự kết dính trong tử cung, còn được gọi là hội chứng Asherman. Hội chứng này có thể phát triển nếu người bệnh đã từng phẫu thuật trước đó. Đó là nạo vét hoặc sinh mổ. Nhiễm trùng trước trong tử cung cũng có thể gây ra những kết dính này. Người bệnh có thể phát triển hội chứng Asherman mà không hề hay biết nguyên nhân.
- Nhiễm trùng hoặc lây truyền qua đường tình dục
Những cơn đau được gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc bệnh lây qua đường tình dục, cùng với dịch bất thường hoặc có mùi hôi. Vì vậy, người bệnh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp để tránh những rủi ro nghiêm trọng xảy ra.
Ngoài ra, các thủ thuật y tế hoặc thậm chí là quá trình sinh nở cũng có thể bị nhiễm trùng. Đôi khi, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể gây đau vùng hố chậu nói chung.
- Thai ngoài tử cung
Đau vùng chậu một bên có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Điều này thường xảy ra khi phôi làm tổ ở ống dẫn trứng hoặc vị trí khác bên ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung có khả năng đe dọa tính mạng của người bệnh
4. Cách nhận biết con đau do rụng trứng
Sự rụng trứng thường xảy ra khoảng hai tuần trước chu kỳ tiếp theo, vì vậy thời gian của cơn đau mittelschmerz dễ dàng nhận ra.
Để xác định xem cơn đau có liên quan đến rụng trứng hay không, bác sĩ có thể yêu cầu bạn lập biểu đồ chu kỳ kinh nguyệt. Trong quá trình theo dõi, bạn cần lưu ý bất kỳ cơn đau nào, cũng như vị trí của cơn đau (cơn đau rụng trứng thường xảy ra ở một bên bụng dưới).
Bác sĩ cũng có thể khám kiểm tra bụng và vùng chậu để giúp loại trừ các nguyên nhân gây đau khác, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung hoặc u nang buồng trứng.
Nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng hoặc nếu bác sĩ nhận thấy có bất kỳ sự bất thường nào trong quá trình kiểm tra, thì có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc siêu âm hoặc chụp X-quang để giúp chẩn đoán xác định nguyên nhân cơn đau.
5. Điều trị đau do rụng trứng
Cơn đau rụng trứng thường hết trong khoảng 24 giờ. Vì vậy, không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài thì có thể sử dụng một số thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như: Aleve (naproxen) hoặc Motrin (ibuprofen). Đây là loại thuốc thường có hiệu quả trong việc làm giảm tình trạng mittelschmerz.
Ngoài ra, có thể sử dụng túi chườm ấm cho bụng dưới hoặc tắm nước ấm cũng có thể giúp giảm bớt sự khó chịu. Phụ nữ bị rụng trứng cùng với cơn đau có thể thử giảm đau bằng cách uống thuốc tránh thai kết hợp estrogen và progesterone, ngăn ngừa rụng trứng.
6. Cách ngăn ngừa đau do rụng trứng
Ngăn ngừa rụng trứng, có thể được thực hiện với thuốc tránh thai estrogen-progesterone, đây là cách duy nhất để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng mittelschmerz.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com