Bài được viết bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thực quản có chức năng đưa thức ăn từ miệng đến dạ dày, nơi bắt đầu quá trình tiêu hóa. Sự vận chuyển hiệu quả của thực quản đòi hỏi mô hình nhu động phối hợp, tuần tự nhằm đẩy thức ăn từ bên trên xuống, loại bỏ axit và dịch mật trào ngược từ bên dưới. Sự gián đoạn của quá trình chuyển động cơ gắn kết cao này gọi là rối loạn nhu động thực quản. Nó hạn chế việc cung cấp thức ăn và chất lỏng, cũng như gây ra cảm giác khó nuốt và đau ngực.
1. Thế nào là đau ngực không do tim?
Đau ngực không do tim được định nghĩa là đau ngực tái phát không phân biệt được với đau tim do thiếu máu cục bộ sau khi đã loại trừ nguyên nhân tim.
Bệnh nhân bị đau ngực không do tim có thể cảm thấy ngực bị bóp chặt, thắt chặt, hoặc bỏng rát; có thể lan ra lưng, cổ, cánh tay, hàm và không thể phân biệt được với đau ngực liên quan đến tim. Thực tế là những bệnh nhân có tiền sử bệnh mạch vành (CAD) cũng có thể gặp đau ngực không do tim. Do đó, tất cả bệnh nhân đau ngực không do tim trước tiên phải được bác sĩ tim mạch đánh giá để loại trừ chứng đau thắt ngực do tim. Trên cơ sở lâm sàng, rất khó để phân biệt giữa đau thắt ngực do tim và đau ngực không do tim. Hơn nữa, bệnh nhân đau ngực không do tim có xu hướng báo cáo tỷ lệ xuất hiện đau ngực cao hơn và cường độ đau lớn hơn. Họ cũng sử dụng những mô tả cảm tính hơn so với những bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim.
2. Chẩn đoán bệnh lý đau ngực không do tim
Đau ngực không do tim (NCCP) rất phổ biến trong dân số nói chung. Tuy nhiên, chỉ dựa vào tiền sử và đặc điểm của bệnh nhân thì rất khó để phân biệt được rõ ràng đau ngực do tim và do thực quản. Khi nói đến đau ngực, ưu tiên hàng đầu của bác sĩ tim mạch là loại trừ bất kỳ tình trạng tim mạch cấp tính nào đe dọa tính mạng; bao gồm hội chứng vành cấp, bóc tách động mạch chủ, huyết khối tắc mạch phổi và chèn ép màng ngoài tim.
Nếu các tình trạng cấp tính này đã được loại trừ, phải đánh giá bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc bệnh màng ngoài tim. Các xét nghiệm khác nhau có thể giúp xác định sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của thiếu máu cục bộ, chức năng thất trái, hình dạng của động mạch vành và khả năng hoạt động. Các xét nghiệm này bao gồm điện tâm đồ, siêu âm tim hoặc chụp cắt lớp vi tính phát xạ photon đơn hạt nhân (SPECT). Nếu bệnh nhân không thể chạy hoặc đi bộ được, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm tim bằng thuốc, SPECT hạt nhân hoặc MRI tim.
3. Rối loạn vận động thực quản là gì?
Rối loạn vận động là một loại tổn thương bệnh lý mới được phát hiện, chiếm một tỷ lệ cao, có đến hơn 30% dân chúng bị rối loạn này. Hiện tại, việc chẩn đoán và điều trị còn gặp ít nhiều khó khăn.
Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa, cấu tạo bởi hệ thống cơ vòng - cơ dọc hết sức phức tạp, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố đan xen; bao gồm hệ thống thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại vi, nồng độ các loại hormon,... Chính vì vậy, rối loạn vận động thực quản là một vấn đề rất phức tạp trong khi sự hiểu biết về chức năng sinh lý còn nghèo nàn.
4. Các dạng rối loạn vận động thực quản thường gặp
Ba loại rối loạn vận động thực quản thường gặp nhất là co thắt thực quản lan tỏa, co thắt tâm vị và trào ngược dạ dày thực quản.
- Co thắt thực quản lan tỏa: Co thắt thực quản lan tỏa gây đau ngực nhưng ít hơn co thắt tâm vị. Nguyên nhân là do mất sự phối hợp vận động của cơ, do đó, chỉ có vận động của lớp cơ đoạn dưới thực quản. Loại rối loạn này có thể điều trị bằng các thuốc làm giảm cơ vòng thực quản.
- Co thắt tâm vị: Nguyên nhân là do cơ thực quản không giãn ra được. Giai đoạn đầu có thể đau nhiều khi nuốt thức ăn hoặc có biểu hiện khó nuốt. Khi bệnh đã tiến triển nặng, thực quản dần dần nở ra sẽ giảm đau nhưng biểu hiện khó nuốt lại gia tăng. Loại rối loạn này được điều trị chủ yếu bằng sử dụng các ống nong hoặc phẫu thuật cắt cơ vòng thực quản. Những thuốc có tác dụng làm giãn đoạn dưới cơ thực quản chỉ được sử dụng trong giai đoạn đầu.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Nguyên nhân gây bệnh này vẫn còn chưa rõ, tuy vậy, vai trò của cơ thắt thực quản dưới được nhắc đến nhiều. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: Uống rượu, hút thuốc; ăn thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, sôcôla; các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường ở phụ nữ có thai, thoát vị hoành,...
Biểu hiện là bệnh nhân cảm thấy nóng rát từ vùng thượng vị lan ngược lên phía sau xương ức, có khi lên tận cổ họng; triệu chứng gia tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước. Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng như nuốt đau, nôn, ợ hơi; khàn tiếng, đau họng, ho; tăng tiết nước bọt; hen phế quản,... Hiện nay, việc điều trị với thuốc ức chế bơm proton khá hiệu quả. Bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
5. Rối loạn vận động thực quản và bệnh lý đau ngực không do tim
Chỉ một số ít bệnh nhân bị đau ngực không do tim có bất thường về vận động thực quản. Một số nghiên cứu lớn đã chứng minh rằng, khoảng 30% bệnh nhân đau ngực không do tim có áp suất thực quản bất thường. Trong một nghiên cứu ở 910 bệnh nhân đau ngực không do tim, các tác giả nhận thấy rằng, 70% có vận động thực quản bình thường. Thực quản Nutcracker (thực quản dạng nút chai) (chiếm 14,4%) là bất thường về vận động thực quản được ghi nhận nhiều nhất, tiếp theo là rối loạn vận động thực quản không đặc hiệu (chiếm 10,8%). Co thắt thực quản lan tỏa, đau thắt ngực và tăng áp cơ thắt thực quản dưới rất hiếm gặp ở nhóm đau ngực không do tim.
Trong một nghiên cứu, Dekel và cộng sự đã đánh giá 140 bệnh nhân đau ngực không do tim bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu Nghiên cứu Kết quả Lâm sàng. Không giống như nghiên cứu trước đó gồm bệnh nhân đến từ một trung tâm lớn liên quan đến vận động thực quản, nghiên cứu của Dekel và cộng sự bao gồm bệnh nhân từ hơn 60 trung tâm học thuật và tư nhân trên khắp Hoa Kỳ.
Trong nghiên cứu này, các tác tác giả cũng nhận thấy 70% đối tượng có xét nghiệm vận động thực quản bình thường. Áp lực cơ thắt thực quản dưới thấp (61%) là bất thường về vận động phổ biến nhất được chẩn đoán, tiếp theo là tăng áp cơ thắt thực quản dưới, rối loạn vận động thực quản không đặc hiệu và thực quản dạng nút chai (10% mỗi loại). Trong nghiên cứu này, chứng đau thắt ngực và co thắt thực quản lan tỏa cũng rất hiếm gặp.
6. Chưa có sự thống nhất về mối quan hệ giữa đau ngực không do tim và rối loạn chức năng thực quản
Mối quan hệ giữa đau ngực không do tim và rối loạn chức năng thực quản vẫn còn là một chủ đề tranh cãi gay gắt vì tài liệu về rối loạn chức năng thực quản trong quá trình đo manomet hiếm khi liên quan đến các báo cáo về các triệu chứng đau ngực. Hơn nữa, những bệnh nhân đau ngực không do tim đã trải qua đồng thời đo áp suất thực quản và kiểm tra độ pH, đau ngực thường liên quan đến trào ngược axit hơn là bất thường về vận động.
Ngay cả việc sử dụng áp kế thực quản 24 giờ lưu động trước đây cũng không thể cải thiện độ nhạy của xét nghiệm trong đau ngực không do tim. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chứng minh rằng, 27% - 43% bệnh nhân không báo cáo bất kỳ triệu chứng đau ngực nào trong quá trình thử nghiệm. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu có thể liên hệ các cơn đau với chứng rối loạn chức năng thực quản chỉ ở 13% - 24% bệnh nhân. Do đó, việc sử dụng thường quy máy đo pH thực quản lưu động 24 giờ đã bị nghi ngờ và kỹ thuật này hiếm khi được thực hiện trong thực hành lâm sàng. Trong một nghiên cứu, các tác giả đã có thể chứng minh sự cải thiện các triệu chứng đau ngực không do tim ở bệnh nhân thực quản dạng nút chai được điều trị bằng thuốc chống trào ngược nhưng không ảnh hưởng đến vận động thực quản.
Một số bác sĩ lâm sàng đã đề xuất sử dụng các bất thường về vận động thực quản ở bệnh nhân đau ngực không do tim như một dấu hiệu cho một rối loạn vận động cơ bản. Tuy nhiên, điều hợp lý là các kỹ thuật đánh giá hiện tại của các tác giả về thực quản chỉ cung cấp thông tin sơ bộ về chức năng vận động của thực quản. Các thử nghiệm trong tương lai sẽ yêu cầu cung cấp một đánh giá toàn diện hơn về cấu trúc giải phẫu, cơ sinh học của thực quản và mối liên hệ của chúng với cơn đau ngực không do tim.
7. Kết luận
Sự hiểu biết của chúng ta về dịch tễ học và diễn biến tự nhiên của đau ngực không do tim vẫn còn tương đối hạn chế. Nhìn chung, căn bệnh này rất phổ biến, không có bất kỳ khuynh hướng giới tính nào và có tiên lượng tốt. Người ta đã học được nhiều điều hơn trong những năm qua về GERD, rối loạn chức năng thực quản, quá mẫn thực quản và bệnh tâm lý kèm theo là những cơ chế cơ bản quan trọng của đau ngực không do tim.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.