Rối loạn thông khí trong suy hô hấp cấp

Rối loạn thông khí là một trong những cơ chế phổ biến gây ra chứng suy hô hấp cấp, thường có nguyên nhân đa dạng và đa số đến từ các bệnh lý liên quan đến thần kinh – cơ. Để xử trí chứng suy hô hấp cấp, bên cạnh việc khắc phục các rối loạn thông khí hiện có, các bác sĩ cũng cần thực hiện theo phác đồ chung bao gồm dẫn lưu màng phổi, khai thông ống dẫn khí, mở khí quản, đặt nội khí quản, ...

1. Rối loạn thông khí là gì?

Thông khí là một giai đoạn của quá trình hô hấp với định nghĩa là sự trao đổi luồng khí giữa môi trường bên ngoài và phổi, mục đích là làm mới nguồn oxy trong cơ thể.

Rối loạn thông khí xảy ra khi có những rối loạn, bất thường... làm giảm sự trao đổi khí này. Về phân loại, rối loạn thông khí được chia làm 2 loại chính:

  • Rối loạn thông khí hạn chế
  • Rối loạn thông khí tắc nghẽn

Trong các xét nghiệm – chẩn đoán y tế, tình trạng rối loạn thông khí sẽ được kiểm tra thông qua bất thường về PaCO2, bao gồm: thay đổi về sản xuất CO2 trong cơ thể, khoang chết của hệ hô hấp hoặc thời lượng thông khí. Trong đó, tình trạng suy hô hấp cấp thường có liên quan đến rối loạn thông khí do tăng nồng độ CO2 cấp tính.

2. Rối loạn thông khí tăng giảm trong suy hô hấp cấp

Rối loạn thông khí là một trong những cơ chế thường gặp nhất ở bệnh nhân suy hô hấp cấp.

Tình trạng giảm thông khí

Giảm thông khí mãn tính có thể đến từ nguyên nhân là bệnh lý về nhu mô phổi hoặc bất thường ở thành ngực, rối loạn nhịp thở, bệnh về thần kinh – cơ cũng như các bất thường trong đường hô hấp. Đặc biệt, hội chứng giảm thông khí cũng có khả năng do bệnh béo phì với chỉ số BMI cao hơn 30kg/m2.


Người mắc bệnh béo phì có khả năng gây hội chứng giảm thông khí
Người mắc bệnh béo phì có khả năng gây hội chứng giảm thông khí

Rối loạn giảm thông khí được chẩn đoán khi nồng độ PaCO2 > 45mmHg và nồng độ PaO2 < 70 mmHg.

Khi bị rối loạn giảm thông khí, bệnh nhân có thể có một số biểu hiện như:

  • Tình trạng khó thở, ngộp thở khi gắng sức hoặc khi nằm.
  • Ngủ gà vào ban ngày.
  • Buổi sáng sau khi thức dậy thường đau đầu.
  • Khó thở và ho thường xuyên: do nguyên nhân là các bệnh lý nhu mô phổi, đặc biệt là tắc nghẽn phổi mãn tính.

Rối loạn giảm thông khí có thể chia thành 2 loại chính:

  • Giảm thông khí phế nang toàn bộ:

Do các tổn thương tại cơ hoặc tại trung ương, còn gọi là giảm thông khí phê nang trung tâm, khá hiếm gặp. Bệnh nhân khi bị giảm thông khí phế nang toàn bộ sẽ có dấu hiệu xanh tím người, nhịp thở tăng hoặc giảm bất thường, vã mồ hôi, ...

Tình trạng giảm thông khí phế nang trung tâm này có thể xảy ra ở các bệnh nhân bị tắc đường thở cấp tính, tràn khí màng phổi 2 bên, tràn dịch, gãy nhiều xương sườn cùng một lúc...

  • Giảm thông khí phế nang khu trú: nguyên nhân gây ra tình trạng giảm thông khí này khá đa dạng, bao gồm viêm phổi, xẹp phổi, giãn phế nang...

Tình trạng tăng thông khí

Rối loạn tăng thông khí có thể gây ra bởi nguyên nhân quá trình thông khí diễn ra quá mạnh mẽ, gây giảm PaCO2. Thông thường, tăng thông khí có nguyên nhân đến từ căng thẳng, lo lắng của bệnh nhân.

Khi bị tăng thông khí, bệnh nhân sẽ có một số biểu hiện như khó thở, đau đầu, đau ngực,...


Người bệnh tăng thông khí có thể xuất hiện tình trạng khó thở kèm theo đau ngực
Người bệnh tăng thông khí có thể xuất hiện tình trạng khó thở kèm theo đau ngực

3. Chẩn đoán – điều trị các rối loạn thông khí tăng giảm trong suy hô hấp cấp

Chẩn đoán rối loạn thông khí như thế nào?

  • Tăng thông khí: dựa trên nồng độ bicarbonate huyết thanh và độ pH khi tiến hành phân tích khí máu động mạch.
  • Giảm thông khí: khám thực thể và thực hiện một số kĩ thuật hình ảnh như X Quang, chụp CT ngực... nhằm thăm dò chức năng phổi. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đo áp lực khi thở của bệnh nhân để đánh giá sức của hệ cơ đường hô hấp. Một số chỉ số cũng sẽ được xét nghiệm để xác định tình trạng này bao gồm: nồng độ PaCO2, PaO2, nồng độ bicarbonate huyết thanh (tăng) và độ pH (giảm),...

Khắc phục tình trạng rối loạn thông khí tăng giảm

  • Tăng thông khí: cho đến nay, việc điều trị tăng thông khí mãn tính vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Để khắc phục hiện tượng này, các bác sĩ cần phải xác định rõ yếu tố khởi phát cũng như thực hiện một số chẩn đoán phù hợp.
  • Giảm thông khí: bổ sung Oxy là một phương pháp tốt để khắc phục tình trạng giảm oxy máu. Ngoài ra, giảm thông khí cũng có thể đến từ các bệnh lý, vì vậy bác sĩ cũng sẽ tập trung điều trị ngưng thở khi ngủ cho bệnh nhân có vấn đề thần kinh cơ hoặc đối với trường hợp giảm thông khí trung tâm. Đối với bệnh nhân bị rối loạn thông khí trung tâm, bệnh nhân có thể được kích thích bằng thiết bị điện.

4. Phương pháp xử trí chứng suy hô hấp cấp

Dẫn lưu màng phổi: chỉ định đối với hội chứng tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí trung thất...

  • Khai thông ống dẫn khí: thao tác đầu tiên cần thực hiện để cấp cứu bệnh nhân bị suy hô hấp cấp. Tùy theo nguyên nhân cũng như mức độ của vấn đề, các bác sĩ có thể thực hiện nhiều thủ thuật khác nhau.
  • Mở khí quản: được chỉ định phổ biến ở bệnh nhân thở máy dài ngày hoặc có vấn đề ở đường hô hấp trên như phù nề thanh quản, co thắt thanh quản,...
  • Đặt nội khí quản: có chỉ định tương tự như mở khí quản. Hiện nay, có 2 phương pháp đặt nội khí quản chính là qua miệng hoặc qua mũi.

Phương pháp đặt ống nội khí quản giúp xử trí chứng suy hô hấp cấp
Phương pháp đặt ống nội khí quản giúp xử trí chứng suy hô hấp cấp

Nhìn chung, suy hô hấp cấp là vấn đề kinh điển với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, tình trạng rối loạn thông khí là phổ biến nhất và cũng là mục tiêu điều trị của nhiều bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe