Nhồi máu cơ tim đang trở nên ngày càng phổ biến là và là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân. Việc ra đời của các phương pháp tái tưới máu sớm đã giúp giảm tỉ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, bệnh nhân nhồi máu cơ tim vẫn có thể diễn tiến bất lợi, thường gặp là rối loạn nhịp tim, đặc biệt là loạn nhịp thất. Hãy cùng tìm hiểu rối loạn nhịp tim trong nhồi máu cơ tim là gì trong bài viết dưới đây.
1. Rối loạn nhịp tim trong nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là tình trạng rối loạn chức năng tự động toàn bộ, làm tăng tính tự động của cơ tim và hệ thống dẫn truyền. Cùng với đó, sự rối loạn điện giải và giảm oxy máu góp phần làm xuất hiện rối loạn nhịp tim trong nhồi máu cơ tim.
Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim có sự tăng nồng độ catecholamines trong máu, tăng hoạt động giao cảm ly tâm,... góp phần vào phát sinh rối loạn nhịp tim.
2. Phân loại rối loạn nhịp tim trong nhồi máu cơ tim
Rối loạn nhịp tim trong nhồi máu cơ tim có thể được phân thành các nhóm sau:
- Nhịp nhanh thất: Nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh kịch phát trên thất, cuồng nhĩ, rung nhĩ.
- Nhịp bộ nối tăng tốc.
- Loạn nhịp chậm: Gồm nhịp chậm xoang và nhịp chậm bộ nối.
- Block nhĩ thất.
- Block nội thất.
- Loạn nhịp thất: Ngoại tâm thu thất, nhịp tự thất tăng tốc, nhịp nhanh thất, rung thất.
- Loạn nhịp tái tưới máu.
- Nhịp nhanh xoang: Có liên quan với tăng hoạt động giao cảm, dẫn đến tăng hoặc giảm huyết áp thoáng qua. Nhịp nhanh xoang làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim và giảm thời gian tâm trương, kết quả dẫn đến giảm tuần hoàn làm nhồi máu cơ tim nặng hơn. Nguyên nhân gây ra nhịp nhanh xoang như lo lắng, suy tim, đau, giảm thể tích tuần hoàn, thiếu máu, giảm oxy máu, viêm màng ngoài tim, thuyên tắc phổi,... Nhịp nhanh xoang cần được nhận biết sớm và điều trị thích hợp, bao gồm giảm đau, cung cấp oxy, lợi tiểu, bù dịch, chống viêm, giảm thiếu máu cục bộ bằng chẹn beta, nitroglycerin, ...
- Ngoại tâm thu nhĩ: Thường do giãn tâm nhĩ, không có điều trị đặc hiệu. Ngoại tâm thu nhĩ cần được nhận biết sớm, thông qua nhận biết bệnh tim nền, đặc biệt là suy tim.
- Nhịp nhanh kịch phát trên thất: Chiếm tỉ lệ khoảng 10% ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
- Cuồng nhĩ: Chiếm tỉ lệ khoảng 5% ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, thường thoáng qua, do hoạt động giao cảm của tâm nhĩ bị kích thích quá mức.
- Rung nhĩ: Chiếm tỉ lệ khoảng 10 - 15 % ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, rung nhĩ thường khởi phát do suy tim. Trong tình huống nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim và các tình trạng làm tăng áp lực nhĩ trái cũng có thể dẫn đến rung nhĩ.
- Nhịp bộ nối tăng tốc: Tần số tim khoảng 70 - 130 lần/ phút, do tăng tính tự động của mô bộ nối.
- Nhịp chậm xoang: Là dạng phổi biến của rối loạn nhịp tim trong nhồi máu cơ tim. Cơ chế gây ra do sự kích thích các thụ thể phế vị hướng tâm ở tim.
- Nhịp chậm bộ nối nhĩ - thất: là rối loạn nhịp tim mang tính bảo vệ, tần số khoảng 35 – 60 lần/phút.
- Block nhĩ thất độ I: Gặp ở 15% bệnh nhân nhồi máu cơ tim, khoảng PR > 0.2 giây trên điện tâm đồ.
- Block nhĩ - thất độ II:
- Block nhĩ-thất Mobitz I xảy ra ở 10% bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Block nhĩ thất độ II thường kết hợp với hẹp QRS và hay gặp nhất ở nhồi máu cơ tim thành dưới. Block nhĩ-thất Mobitz I không ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh nhân, không cần điều trị. Nếu tần số tim không đủ tưới máu, có thể dụng atropin tiêm tĩnh mạch.
- Block nhĩ - thất Mobitz II có đặc trưng là QRS rộng, có liên quan với nhồi máu cơ tim thành trước, tiên lượng xấu, thường tiến triển thành block tim hoàn toàn. Do đó, cần phải điều trị ngay Block nhĩ - thất Mobitz II bằng tạo nhịp qua da hoặc atropin.
- Block nhĩ - thất độ III: Hay là block tim hoàn toàn, gặp ở 5 - 15% bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
- Các block nội thất: Dẫn truyền xung điện từ bó His được truyền qua 3 bó là bó trước nhánh trái, bó sau nhánh trái và bó phải. Sự bất thường dẫn truyền ở các bó này gặp ở 15% bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
- Ngoại tâm thu thất: Ngoại tâm thu thất thường gặp ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim và không phát triển thành rung thất.
- Nhịp tự thất tăng tốc: Gặp ở 20% bệnh nhân nhồi máu cơ tim, hay gặp ở bệnh nhân tái tưới máu sớm. Đặc trưng của nhịp tự thất tăng tốc trên điện tâm đồ là phức bộ QRS giãn rộng, đều, tần số nhanh hơn tần số nhĩ nhưng dưới 100 chu kỳ/phút, có sự phân ly nhĩ thất, sóng P chậm, không dẫn và không liên quan với phức bộ QRS giãn rộng.
- Nhịp nhanh thất:
- Nhịp nhanh thất không bền bỉ: khi có 3 nhịp nhanh thất liên tục nhau với tần số > 100 chu kỳ/phút và kéo dài dưới 30 giây. Khi có nhiều cơn nhịp nhanh thất không bền bỉ thì nguy cơ trụy tuần hoàn tăng cao. Tuy nhiên, nhịp nhanh thất không bền bỉ xảy ra sau 48 giờ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân có phân suất tống máu EF < 40% làm tăng nguy cơ đột tử do tim. Do đó, cần theo dõi bệnh nhân, đặc biệt là theo dõi rối loạn điện giải để xử lý kịp thời khì tình trạng diễn biến nặng.
- Nhịp nhanh thất bền bỉ: : khi có 3 nhịp nhanh thất liên tục nhau với tần số > 100 chu kỳ/phút và kéo dài dưới 30 giây hoặc gây suy sụp huyết động cần can thiệp. Có chỉ định cấp cứu nhịp nhanh thất bền bỉ do thường tiến triển thành rung thất và có hậu quả huyết động nặng nề.
- Rung thất: gồm rung thất sớm và muộn. Rung thất sớm xảy ra cao nhất trong vòng 1 giờ đầu tiên sau nhồi máu và giảm nhanh sau đó. Rung thất muộn xảy ra sau 48 giờ nhồi máu và có liên quan với suy bơm, choáng tim.
- Cơn bão nhịp nhanh thất: khi có 3 cơn nhịp nhanh thất, rung thất xảy ra trong vòng 24 giờ, là một cấp cứu nội khoa, đòi hỏi chăm sóc đa phương thức.
- Loạn nhịp do tái tưới máu: gặp phổ biến ở bệnh nhân được can thiệp mạch vành qua da hoặc điều trị tiêu huyết khối và phẫu thuật bắc cầu chủ - vành. Loạn nhịp do tái tưới máu gồm loạn nhịp chậm, nhịp tự thất tăng tốc, nhịp nhanh thất, rung thất, ...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: www.bvdkquangnam.vn.