Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra với bất cứ ai. Người bệnh sẽ gặp tình trạng tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc lúc nhanh lúc chậm, thậm chí các rối loạn nhịp khác như rung nhĩ, ngoại tâm thu và cơn nhịp nhanh kịch phát, ... Rối loạn nhịp tim có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Hãy cùng tìm hiểu xem rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không và điều trị rối loạn nhịp tim như thế nào trong bài viết sau.
1. Rối loạn nhịp tim là gì?
Nhịp tim chính là tần số đập của trái tim trong 1 phút. Nhịp tim được điều khiển bởi các xung điện điều hòa. Nhịp tim thường thấp khi nghỉ ngơi và tăng lên khi hoạt động thể lực hoặc làm việc gắng sức.
Với người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim dao động từ 60 – 90 lần/ phút. Tuy nhiên, nhịp tim tăng lên khi lo lắng, hồi hộp, sốt, vận động mạnh. Trong điều kiện sức khỏe bình thường, tình trạng tăng, giảm nhịp tim này sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.
Rối loạn nhịp tim đặc trưng bởi tình trạng nhịp đập hay tốc độ tim không ổn định như nhịp đập quá nhan, quá chậm, không đều, ... Rối loạn nhịp tim được xác định khi nhịp tim khi nghỉ ngơi cao hơn 100 lần/ phút (nhịp tim nhanh) hoặc thấp hơn 60 lần/phút (nhịp tim chậm).
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không phụ thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, triệu chứng và các bệnh lý kèm theo. Do đó, người bệnh cần trang bị kiến thức để phát hiện sớm và điều trị rối loạn nhịp tim kịp thời.
2. Rối loạn nhịp tim có triệu chứng gì?
Rối loạn nhịp tim có thể làm tim bơm máu kém hiệu quả hơn và gây ra các triệu chứng như:
- Hồi hộp, đánh trống ngực: Là triệu chứng thường gặp nhất của rối loạn nhịp tim, người bệnh có thể có cảm giác hụt hẫng hay cảm giác tim bị ngưng lại trong một vài giây kèm theo một nhịp đập. Đôi khi người bệnh cảm giác như bị đấm vào ngực. Ngoài ra, người bệnh có thể choáng váng, xây xẩm và ngất.
- Tim đập nhanh hơn bình thường hoặc chậm hơn bình thường.
- Mệt mỏi, khó thở: Rối loạn nhịp tim kéo dài làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, khiến người bệnh cảm thấy khó thở và mệt mỏi.
- Đau ngực: Là một dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn nhịp tim, thường xuất hiện ở những bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch khác như bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim, ...
3. Nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn nhịp tim?
Rối loạn nhịp tim có thể khởi phát khi người bệnh có rối loạn tâm lý, căng thẳng, lao động gắng sức, sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc là và nước chè, ...
Ngoài ra, các bệnh lý tại hệ tim mạch như thiếu máu cơ tim, bệnh van tim, viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh cũng làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động trong tim và dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Thêm vào đó, bệnh nhân mắc một số bệnh rối loạn mỡ máu lý khác có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim như tăng huyết áp, béo phì, cường giáp, đái tháo đường, viêm phổi – phế quản, thiếu máu, rối loạn điện giải, sử dụng thuốc (thuốc kéo dài khoảng QT, thuốc chống loạn nhịp, ...).
Bệnh nhân rối loạn nhịp tim cần được thăm khám kỹ càng, xác định nguyên nhân để có hướng điều trị rối loạn nhịp tim sớm, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm.
4. Các dạng rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không là mối bận tâm của nhiều người bệnh. Theo các chuyên gia y tế, rối loạn nhịp tim gây nếu ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim và dẫn đến khó thở, hồi hộp, choáng váng, ngất thì sẽ trở nên nguy hiểm. Người bệnh cần cẩn trọng với các dạng rối loạn nhịp tim dưới đây:
- Rung nhĩ: Là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất làm tăng tốc nhịp tim nhanh, đột ngột, khiến tâm nhĩ không đập được, dẫn đến không thể tống máu xuống tâm thất. Máu bị ứ đọng trong tâm nhĩ sẽ dễ hình thành cục máu đông, có thể gây tắc mạch, đột quỵ.
- Nhịp nhanh thất: Khiến tim co bóp và bơm máu nhanh hơn bình thường. Nhịp nhanh thất làm người bệnh mệt mỏi, chóng mặt và khó thở. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị rối loạn nhịp tim kịp thời, có thể chuyển thành rung thất, là một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
- Rung thất: Xảy ra khi tim đập nhanh làm tâm thất không kịp bóp mà chỉ rung lên, dẫn đến giảm huyết áp đột ngột. Rung thất là 1 cấp cứu tim mạch, nếu không được xử trí kịp thời sẽ ngừng tim đột ngột, có thể dẫn đến tử vong.
5. Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào dạng rối loạn nhịp, nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp, ... Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến nguy hiểm do làm tăng các biến chứng như.
- Đột quỵ: Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông trong mạch máu, khi các cục máu đông di chuyển đến não, vào các mạch máu nhỏ gây tắc nghẽn sự lưu thông dòng máu. Điều này dẫn đến máu không được cung cấp đủ lên não và xảy ra đột quỵ.
- Suy tim: Rối loạn nhịp tim kéo dài làm hoạt động bơm máu của tim kém hiệu quả, tim không được nuôi dưỡng tốt, dẫn đến suy tim.
- Biến chứng do tắc mạch: Nhồi máu lách, tắc mạch gây hoại tử chi, nhồi máu thận và nhồi máu mạc treo, ...
6. Điều trị rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim ban đầu có thể khó nhận biết và chưa gây nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng này sẽ nặng dần do tổn thương tim mạch, dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, cần phát hiện sớm và điều trị rối loạn nhịp tim để ngăn ngừa biến chứng.
Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim như điều trị bằng thuốc, sốc điện, cấy máy tạo nhịp và máy khử rung, ...
7. Làm gì để ngăn ngừa rối loạn nhịp tim?
Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào việc chủ động ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh. Để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, người bệnh có thể thực hiện lối sống lành mạnh với chế độ ăn khoa học, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên. Điều này vừa giúp người bệnh khỏe hơn và giúp ổn định nhịp tim.
- Chế độ ăn: Nên ăn 2 – 3 bữa cá/tuần, ăn cá biển vì chúng chứa nhiều omega-3, ăn rau củ tươi và các loại thực phẩm họ đậu, tránh ăn nhiều đạm, nhiều Cholesterol, ...
- Tập thể dục thường xuyên giúp ổn định nhịp tim. Người bệnh nên tập nhẹ nhàng, vừa sức để giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Loại bỏ các thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích.
- Loại bỏ căng thẳng: người bệnh nên tránh căng thẳng, lo âu, tức giận, ...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.