Rối loạn nhân cách phân liệt (STPD) là một chứng bệnh rối loạn tâm lý, gây ra cho người bệnh những suy nghĩ và hành vi lập dị. Căn bệnh này sẽ kéo dài suốt đời và ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh.
1. Rối loạn nhân cách phân liệt là bệnh gì?
Rối loạn nhân cách phân liệt là một dạng bệnh tâm lý, người bệnh mắc chứng bệnh này luôn né tránh các hoạt động xã hội, không tương tác với người khác. Họ cũng sẽ hạn chế bộc lộ cảm xúc, thiếu đi mong muốn hoặc các kỹ năng cần thiết để xây dựng mối quan hệ xung quanh. Khi nhìn vào, người khác sẽ thường mô tả họ lập dị, kỳ quặc.
Rối loạn nhân cách phân liệt thường được phát hiện và chẩn đoán ở những người đầu độ tuổi trưởng thành và có khả năng sẽ kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý có thể sẽ cải thiện được triệu chứng của căn bệnh này.
2. Các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt
- Cô độc và thiếu các mối quan hệ thân thiết.
- Vô cảm, thu hẹp cảm xúc, cảm xúc thiếu hòa hợp.
- Luôn lo âu trong các mối quan hệ, tình trạng này kéo dài dai dẳng và thể hiện quá mức bình thường.
- Hoang tưởng, luôn cho rằng đang có 1 thứ gì đó ảnh hưởng đến mình mặc dù thực ra nó vô hại
- Có những suy nghĩ, hành vi khác thường, lập dị.
- Suy nghĩ nghi ngờ về người khác, thiếu niềm tin.
- Có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh không có thật, ví dụ như tin vào mê tín dị đoan, thần giao cách cảm.
- Có nhận thức bất thường.
- Ăn mặc kỳ quặc, lôi thôi.
- Có cách nói chuyện lập dị, nói mơ hồ, lan man.
3. Phân biệt rối loạn nhân cách phân liệt với tâm thần phân liệt
Mọi người thường hay nhầm lẫn giữa bệnh tâm lý rối loạn nhân cách phân liệt với bệnh tâm thần phân liệt. Tâm thần phân liệt là một dạng bệnh tâm thần nghiêm trọng, khi mà người bệnh này giống như bị tách khỏi thực tại. Trong khi đó, người bị rối loạn nhân cách phân liệt có thể sẽ phải trải qua các giai đoạn loạn thần ngắn, những giai đoạn này không xuất hiện thường xuyên, không kéo dài và không nghiêm trọng giống như tâm thần phân liệt.
Ngoài ra, người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường có thể nhận thức được sự khác biệt giữa thực tế và những suy nghĩ lập dị của họ. Trong khi đó, người bị tâm thần phân liệt luôn tin chắc vào những suy nghĩ hoang tưởng của chính mình.
4. Nguyên nhân bị rối loạn nhân cách phân liệt
Nhân cách con người sẽ hình thành thông qua sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi và môi trường sống. Hiện nay, nguyên nhân gây ra sự phát triển của bệnh rối loạn nhân cách phân liệt vẫn chưa được kết luận. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc kết hợp các yếu tố di truyền và môi trường sống, đặc biệt là khi còn thơ ấu có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển chứng rối loạn này. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn nhân cách phân liệt:
- Cha mẹ, người thân cũng bị mắc chứng rối loạn nhân cách phân liệt hoặc bị tâm thần phân liệt.
- Bị cha mẹ bỏ bê, không quan tâm.
5. Hậu quả của bệnh rối loạn nhân cách phân liệt
Gây cho người bệnh những tình trạng dưới đây:
- Trầm cảm.
- Lo âu.
- Tâm thần phân liệt.
- Các rối loạn nhân cách khác.
- Lạm dụng các chất kích thích: rượu, ma túy,...
- Tự tử.
- Gây ra vấn đề trong học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội.
6. Cách chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách phân liệt
Những người bệnh bị rối loạn nhân cách thường tìm đến bác sĩ vì những triệu chứng khác như lo lắng, trầm cảm, đối phó với tâm trạng thất vọng. Thông qua việc khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh để có thể loại bỏ đi những bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ dựa trên:
- Hỏi kỹ lưỡng các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.
- Tiền sử cá nhân, bệnh tật trước đây mà người bệnh gặp phải.
7. Phương pháp điều trị bệnh rối loạn nhân cách dạng phân liệt
Việc điều trị chứng bệnh này thường được kết hợp giữa việc sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tham dự thêm các công việc và hoạt động xã hội bên ngoài phù hợp với tính cách cá nhân.
7.1. Trị liệu tâm lý
Việc điều trị tâm lý sẽ giúp cho người bệnh có thêm niềm tin vào người khác và các kỹ năng xã hội cần thiết. Những lợi ích này sẽ có được khi xây dựng được mối quan hệ giữa nhà trị liệu và người bệnh.
Các biện pháp trị liệu bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức - hành vi: giúp xác định và đối phó với những suy nghĩ tiêu cực của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn có thể học thêm được các kỹ năng xã hội và điều chỉnh được các hành vi lập dị.
- Liệu pháp hỗ trợ: khuyến khích được người bệnh trau dồi thêm kỹ năng thích nghi với xã hội.
- Liệu pháp gia đình: tham gia các hoạt động cùng thành viên trong gia đình sẽ giúp cải thiện thêm được khả năng giao tiếp, sự tin cậy và khả năng làm việc nhà cùng nhau.
7.2. Sử dụng thuốc
Hiện nay, FDA chưa chứng nhận bất cứ một loại thuốc nào trong việc điều trị chứng rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm để làm giảm các triệu chứng như trầm cảm hoặc lo lắng. Ngoài ra cũng có một số thuốc có thể cải thiện được suy nghĩ linh hoạt hơn.
7.3. Thay đổi cuộc sống
Mặc dù rối loạn nhân cách thường sẽ kéo dài suốt đời nhưng người bệnh cũng có thể cố gắng có thêm những trải nghiệm tích cực để cải thiện được triệu chứng theo thời gian. Những trải nghiệm này có thể nuôi dưỡng thêm được sự tự tin, niềm tin để vượt qua được khó khăn và cảm giác không bị xã hội rời bỏ.
Một số yếu tố có thể làm giảm bớt các triệu chứng như:
- Mối quan hệ tích cực giữa gia đình và bạn bè.
- Thói quen lành mạnh: tập thể dục, đi ngủ đúng giờ, lập kế hoạch cuộc sống và tuân thủ điều trị.
- Đạt được những thành tích ở trường học, nơi làm việc hoặc các hoạt động ngoại khóa.
Có thể thấy, rối loạn nhân cách phân liệt thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, cần phải có các điều trị phù hợp để giúp họ cải thiện được tình trạng bệnh và chất lượng cuộc sống. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm hiểu thêm thông tin về chứng bệnh này và sớm tìm được cho mình các điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.