Bài viết của Chuyên viên Giáo dục đặc biệt Phan Thị Phượng- Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Rối loạn giác quan có liên quan đến rối loạn tự kỷ. Do đó, các biểu hiện bên ngoài khi rối loạn giác quan thường là những dấu hiệu để chẩn đoán tự kỷ. Cùng tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về căn bệnh này trong bài viết sau đây.
Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng trẻ tự kỷ có kèm theo rối loạn giác quan, trẻ không tự kỷ cũng có rối loạn giác quan. Do đó, tuy có cơ sở để tách thành một rối loạn độc lập nhưng vẫn rất cần thiết và xem rối loạn giác quan một trong những dấu hiệu để chẩn đoán tự kỷ.
1. Rối loạn giác quan là gì?
Rối loạn giác quan còn được gọi là rối loạn xử lý cảm giác (SPD - Sensory Processing Disorder), trước đây gọi là rối loạn tích hợp cảm giác. Đây là tình trạng não và hệ thần kinh gặp khó khăn trong việc xử lý hoặc tích hợp kích thích.
Ví dụ: Thông thường, chúng ta sẽ rụt tay lại nếu chạm vào nước nóng, bởi khi đó độ nóng của nước sẽ truyền tín hiệu lên não, não xử lý và trả lời cho biết “Nóng có thể gây bỏng” rồi truyền tín hiệu ngược lại làm chúng ta rụt tay lại ngay... Nhưng ở người rối loạn giác quan, tín hiệu truyền lên não rất chậm hoặc không truyền lên não và não không xử lý cũng như không phát tín hiệu trả về để rụt tay lại. Hay ngược lại là tình trạng phản ứng quá mức, quá nhạy trước một kích thích từ môi trường, tiếng âm thanh của máy hút bụi dù rất nhỏ nhưng cũng đủ để người rối loạn tích hợp cảm giác thấy khó chịu và ghét.
Nói một cách dễ hiểu hơn, rối loạn xử lý cảm giác là tình trạng não gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phản hồi thông tin đi qua các giác quan.
2. Dấu hiệu rối loạn giác quan
Như các ví dụ được đưa ra ở mục trên, có thể thấy rối loạn giác quan gồm có 2 loại:
- Rối loạn giác quan trên ngưỡng, tức phản ứng quá mức, quá nhạy: Bạn sẽ cảm thấy khó chịu với những âm thanh bình thường, ánh sáng, mặc một chiếc áo dày cũng thấy khó chịu vì kết cấu vải ...
- Rối loạn giác quan dưới ngưỡng, tức là phản ứng chậm chạp hoặc không phản ứng. Ví dụ khi có các kích thích từ môi trường, âm thanh to sát bên tai mà bạn không phản ứng lại bằng cách giật mình, bịt tai lại hoặc có thể tự cào cấu cắn mà không cảm thấy đau ...
3. Nguyên nhân gây rối loạn giác quan
Nguyên nhân chính xác của rối loạn chưa được biết đến chính xác. Tuy nhiên, người ta biết rằng vùng giữa não và thân não của hệ thần kinh trung ương là những trung tâm phản ứng sớm trong quá trình xử lý thông tin đa ngành. Những vùng não này tham gia vào các quá trình bao gồm phối hợp, chú ý, kích thích và chức năng tự trị. Thông tin cảm giác sau khi đi qua các trung tâm này sẽ được chuyển đến các vùng não chịu trách nhiệm về cảm xúc, trí nhớ và các chức năng nhận thức ở cấp độ cao hơn. Thiệt hại ở bất kỳ phần nào của não liên quan đến xử lý đa cấp có thể gây ra khó khăn trong xử lý đầy đủ các kích thích theo các chức năng.
4. Phân loại rối loạn giác quan
Theo các chuyên gia, rối loạn xử lý cảm giác được phân loại thành 3 loại, dựa trên các hình thức cơ thể xử lý cảm giác: Rối loạn điều chế cảm giác , rối loạn vận động dựa trên cảm giác và rối loạn phân biệt cảm giác.
4.1. Rối loạn điều chỉnh cảm giác (SMD)
Trẻ khó khăn trong việc đưa ra phản ứng phù hợp với mức độ của kích thích. Hoặc phản ứng quá mức hoặc có thái độ cảnh giác với những vấn đề xảy ra xung quanh.
4.2. Rối loạn vận động cảm giác (SBMD)
Loại rối loạn này xuất hiện khi thông tin cảm giác đầu vào của hệ thống thụ cảm và hệ tiền đình bị sai lệch hoặc xử lý không chính xác. Khi hệ thần kinh trung ương của trẻ gặp khó khăn trong việc sử dụng thông tin cảm giác từ những hệ quả trên, trẻ có thể mắc rối loạn phối hợp động tác – một dạng của SBMD khiến trẻ khó thực hiện điều mình muốn như bắt chước, chơi thể thao, đạp xe, hoặc trèo thang. Trẻ em bị chứng SBMD thường lóng ngóng, hay vô tình làm rơi vỡ đồ chơi, hoặc dẫm lên đồ vật. Nhóm trẻ này thường thích ngồi chơi các trò tưởng tượng hơn là vận động thể thao. Một dạng khác của rối loạn SBMD là rối loạn tư thế, khiến cho trẻ lúc nào cũng cảm thấy yếu ớt, dễ mệt mỏi, khó vận động hoặc không xác định được tay thuận.
4.3. Rối loạn phân biệt cảm giác (SDD)
Rối loạn này khiến trẻ khó phân biệt được những cảm giác giống nhau. Hệ quả là trẻ có thể mất tập trung, thiếu khả năng tổ chức và kết quả học tập tại trường bị sút kém.
5. Các đặc điểm thường gặp của rối loạn xử lý cảm giác
- Khó khăn kiểm soát cảm xúc và hành vi, dễ bùng nổ, thất vọng hoặc khó nhường nhịn người khác.
- Mất tập trung chú ý, hay xao nhãng, trí nhớ kém.
- Khó làm theo các hướng dẫn.
- Khó khăn khi lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện kế hoạch.
- Thích chơi một mình, khó khăn khi kết bạn, tham gia chơi cùng bạn và duy trì cuộc chơi. Cách chơi ở mức độ thấp.
- Chậm về giao tiếp và ngôn ngữ, khó tham gia giao tiếp hai chiều.
- Khó khăn khi dùng ngôn ngữ để thể hiện ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc.
- Rất khó khăn khi chăm sóc bản thân (tự ăn, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, mang giày...)
- Khó chấp nhận sự thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày hoặc chuyển tiếp giữa hai nhiệm vụ.
- Khó khăn vận động tinh và thô: Kỹ năng vận động kém, vụng về, khó phối hợp tay mắt; thăng bằng kém, kỹ năng viết yếu. Né tránh các vận động với các thiết bị như xích đu, cầu trượt, nhanh mệt và khó ngồi lâu.
- Khó kiểm soát vận động đúng tầm, cử động quá nhanh, quá mạnh; thích vận động mạnh, cường độ cao. Khi viết chữ đè mạnh tay, chữ đậm, to nhỏ không đều nhau.
- Khó ngủ.
- Ăn uống không đa dạng, kén ăn.
6. Trẻ rối loạn giác quan sẽ gặp khó khăn gì?
Ở trẻ có hệ thống xử lý cảm giác bình thường, não bộ được xem như người điều khiển giao thông. Các thông tin cảm giác từ tất cả các giác quan được thu nhận và dẫn truyền đến não bộ. Tại đây các thông tin cảm giác được phân tích, xử lí và gửi các tín hiệu đáp ứng phù hợp đến các bộ phận cần thiết theo trật tự và chính xác, và các bộ phận thực hiện các tín hiệu nhận từ não bộ.
Ví dụ:
- Khi chơi ném bóng, mắt trẻ nhìn thấy quả bóng đang bay gần trẻ - Thị giác thu nhận thông tin cảm giác;
- Trẻ đoán hướng quả bóng bay đến và vị trí quả bóng sẽ rơi xuống - Thông tin cảm giác được truyền đến não bộ và phân tích;
- Trẻ quyết định đưa tay ra chụp quả bóng - Thông tin cảm giác được xử lí và gửi tín hiệu đáp ứng phù hợp đến hai tay;
- Sau đó trẻ thực hiện hành động chụp quả bóng - Bộ phận thực hiện các tín hiệu nhận từ não bộ.
Trẻ rối loạn xử lí cảm giác gặp khó khăn khi xử lí các thông tin cảm giác từ môi trường hoặc từ chính cơ thể trẻ. Bởi trẻ thu nhận thông tin cảm giác nhiều hơn hoặc ít hơn so với người khác. Tình trạng này ảnh hưởng đến khả năng tương tác và thực hiện các hoạt động hàng ngày và học tập của trẻ. Đối với trẻ rối loạn xử lí cảm giác, các thông tin cảm giác từ tất cả các giác quan được thu nhận và dẫn truyền đến não bộ nhưng lại không được phân tích, xử lí và không gửi các tín hiệu đáp ứng phù hợp đến các bộ phận cần thiết theo trật tự và chính xác. Do đó các bộ phận không thực hiện hoặc thực hiện không phù hợp các tín hiệu nhận từ não bộ.
Ví dụ:
- Khi chơi ném bóng, mắt trẻ có thể nhìn thấy quả bóng đang bay gần trẻ - Thị giác thu nhận thông tin cảm giác;
- Nhưng trẻ không đoán được hướng quả bóng bay đến và vị trí quả bóng sẽ rơi xuống - Thông tin cảm giác được truyền đến não bộ và não gặp khó khăn khi phân tích;
- Trẻ không quyết định sẽ làm gì với quả bóng - Thông tin cảm giác không được xử lí và không gửi tín hiệu đáp ứng phù hợp đến hai tay;
- Do đó trẻ không thực hiện hành động chụp quả bóng - Bộ phận thực hiện các tín hiệu nhận từ não bộ không đáp ứng.
7. Nếu không can thiệp, trẻ rối loạn cảm giác sẽ như thế nào?
- Các hoạt động rập khuôn hàng ngày khó phá bỏ.
- Khó khăn trong tự chăm sóc và phục vụ bản thân.
- Khó kiểm soát cảm xúc và hành vi.
- Khó khăn khi giao tiếp mắt, giữ khoảng cách và biết luân phiên trò chuyện.
- Khó ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ nên ảnh hưởng đến sự phát triển.
- Thiếu tự tin do các kĩ năng của trẻ không theo kịp các bạn học.
- Bị bắt nạt khi người khác biết các khó khăn của trẻ.
- Khó khăn học tập: Khó phát triển kĩ năng đọc, viết, tính toán; khó tập trung, chú ý, khó hoàn thành nhiệm vụ được giao; khó làm theo hướng dẫn ở trường, ở nhà hoặc các môi trường khác; khó học cả ngày ở trường do sức mạnh và sức bền của các cơ kém và quá tải các thông tin cảm giác; khó khăn làm bài kiểm tra và thi.
- Khó khăn trong nhận biết các tình huống xã hội
8. Ai có thể đánh giá và can thiệp trẻ rối loạn xử lí cảm giác?
Các chuyên viên hoạt động trị liệu (occupational therapists) được đào tạo chuyên sâu về rối loạn xử lí cảm giác sẽ đánh giá và can thiệp trẻ rối loạn xử lí cảm giác. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều những chuyên viên hoạt động trị liệu chuyên về rối loạn xử lí cảm giác nên phụ huynh, giáo viên và các nhà chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc với trẻ. Phần lớn các cơ sở can thiệp, trị liệu trẻ rối loạn giác quan là tự học, tự tìm tòi, đôi khi dựa trên kinh nghiệm can thiệp trẻ hàng ngày. Việc đánh giá không đo lường được chính xác các vấn đề của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo:
- https://en.wikipedia.org/wiki/Sensory_processing_disorder
- .https://autismawarenesscentre.com/does-my-child-have-sensory-processing-disorder
- https://haiduongcse.edu.vn/