Rò túi mật tá tràng là tình trạng đường thông nối bất thường giữa hệ thống ống mật và đường tiêu hóa xảy ra một cách tự phát. Trong một số trường hợp khác, túi mật bị rò còn là một biến chứng hiếm gặp của sỏi mật không được điều trị thích hợp. Những lỗ rò túi mật này gây ra những bệnh cảnh lâm sàng đa dạng và có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
1. Rò túi mật tá tràng là gì?
Rò túi mật có bản chất là những vết loét giống như đường ống mật mãn tính giữa túi mật và tạng lân cận. Chúng có thể nối túi mật với hệ thống ống mật nhưng hiếm khi có liên quan đến đường tiêu hóa (lỗ rò trong) và thành bụng (lỗ rò ngoài). Như vậy, rò túi mật tá tràng là khi có sự thông nối giữa túi mật với tá tràng, vốn là nơi tiết dịch mật vào đường tiêu hóa của ống mật chủ.
Trong phần lớp các trường hợp, túi mật bị rò là biến chứng hiếm gặp của bệnh sỏi đường mật hoặc các tổn thương tân sinh và được phân loại là nguyên phát hay thứ phát. Đối với các đường rò bên trong, như rò túi mật tá tràng, nguyên nhân thường là do viêm và chủ yếu xảy ra như là các biến chứng muộn của bệnh sỏi mật hoặc nhiễm sán dây. Mặt khác, các can thiệp trên đường mật như cắt túi mật nội soi cũng có thể gây rò túi mật thứ phát.
2. Cách thức chẩn đoán rò túi mật tá tràng tá tràng như thế nào?
Việc chẩn đoán trước phẫu thuật đối với rò túi mật hay rò đường mật nói chung, rò túi mật tá tràng nói riêng còn nhiều thách thức và chỉ đạt được trong 8–17% các trường hợp. Bệnh nhân thường đi khám với bệnh cảnh của sỏi đường mật, bao gồm các triệu chứng phổ biến như đau bụng hạ sườn phải kéo dài, đau quặn bụng tăng lên sau bữa ăn, rối loạn tiêu hóa gây buồn nôn, đầy hơi hay khó tiêu và Hội chứng Mirizzi cũng có thể gặp phải.
Một yếu tố gợi ý đến khả năng xảy ra rò túi mật là khi bệnh nhân có tiền căn can thiệp ngoại khoa trước đó trên đường mật. Lúc này, để lập kế hoạch chẩn đoán và điều trị toàn vẹn một cách tốt nhất, bác sĩ cần xác định được các đặc điểm như sau:
- Nguyên nhân của đường rò túi mật: Sự hiện diện của sỏi mật, đây là tình trạng bệnh nguyên thường xuyên gặp phải nhất. Trong trường hợp không có sỏi, tìm kiếm các tình trạng viêm nhiễm khác hoặc ung thư;
- Mức độ tắc nghẽn của đường mật và sự hiện diện của xói mòn hay phá hủy thành túi mật;
- Sự hiện diện của lỗ rò hai bên.
Các cận lâm sàng thường được chỉ định để đánh giá những đặc điểm nêu trên bao gồm:
- Siêu âm bụng là phương tiện chẩn đoán không xâm lấn dễ dàng được thực hiện để chứng minh sự hiện diện của sỏi túi mật;
- Chụp mật tụy bằng cộng hưởng từ (MRCP) có độ chính xác trong chẩn đoán tốt hơn (khoảng 50% các trường hợp) cũng như cung cấp thông tin tốt hơn về giải phẫu của hệ thống ống dẫn mật và túi mật. Theo đó, mức độ tắc nghẽn dễ dàng được chứng minh bằng CT. Hơn nữa, công cụ này cũng hữu ích để loại trừ các tổn thương tân sinh nằm ở rốn gan hoặc trong nhu mô gan có xâm lấn vào túi mật;
- Các thủ thuật xâm lấn, như siêu âm nội soi và nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) có độ chính xác trong chẩn đoán cao hơn để phát hiện rò túi mật tá tràng hay tất cả các trường hợp rò túi mật. Trong đó, ERCP có độ chính xác cao khi cần xác định các đường rò mật nguyên phát, đồng thời cũng có vai trò vừa điều trị, vừa phẫu thuật can thiệp là lấy sỏi sau khi phẫu thuật cắt cơ thắt và đặt stent dẫn lưu ống mật.
3. Điều trị rò túi mật tá tràng như thế nào?
Rò túi mật tá tràng chỉ có thể giải quyết bằng can thiệp ngoại khoa. Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị rò đường mật nguyên phát luôn là một thách thức đối với hầu hết phẫu thuật viên.
Theo đó, các bác sĩ phẫu thuật luôn đòi hỏi cần có kiến thức tốt về bệnh lý, tổn thương trên hệ thống ống dẫn mật và sự tương quan của các tạng khác nhau trên đường tiêu hóa. Tình trạng viêm ở tam giác Calot thường gây ra sự thay đổi đáng kể về giải phẫu của vùng rốn gan và có thể khiến phẫu thuật viên khó kiểm soát những tổn thương trong cuộc mổ.
Nguyên lý cơ bản của phẫu thuật rò túi mật tá tràng là tái cấu trúc dẫn lưu đường mật, thường bao gồm cả cắt bỏ túi mật, hồi phục lại tá tràng và kết hợp lấy sỏi, bóc tách ổ chèn ép hay khối u cũng như giải quyết triệt tiêu ổ viêm nhiễm. Tùy vào từng bệnh cảnh, kinh nghiệm cá nhân của phẫu thuật viên hay phương tiện sẵn có, người bệnh sẽ được xem xét can thiệp phẫu thuật cắt túi mật ngược dòng, phẫu thuật qua ngả nội soi hay mổ bụng hở.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể được đặt ống dẫn lưu đường mật nhằm đảm bảo khả năng hồi phục tốt nhất về cấu trúc và chức năng của hệ thống đường mật. Một ống dẫn lưu màng bụng cũng có thể để lại nếu có tình trạng viêm nhiễm trong ổ bụng chưa được kiểm soát ổn. Tuy nhiên, các ống này sẽ được rút bỏ trước khi bệnh nhân ra viện. Sau đó, người bệnh vẫn cần được theo dõi định kỳ, đánh giá hậu phẫu và thực hiện các xét nghiệm hình ảnh theo chỉ định của bác sĩ để xác định cuộc mổ thành công, loại trừ các biến chứng có thể xảy ra.
Tóm lại, rò túi mật tá tràng là một lỗ rò không phổ biến giữa túi mật và tá tràng. Tình trạng này thường xảy ra khi có những nguyên nhân gây viêm túi mật mãn tính, thường do sỏi. Việc chẩn đoán chủ yếu bằng cách sử dụng hình ảnh siêu âm và sau đó được xác nhận bằng chụp cắt lớp vi tính. Cách điều trị chính là phẫu thuật và người bệnh cần theo dõi, dự phòng tái phát về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: revistagastroenterologiamexico.org, ncbi.nlm.nih.gov, adiopaedia.org