Quy trình và lưu ý khi nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là một thủ thuật y khoa không xâm lấn, được sử dụng rộng rãi để trực tiếp quan sát bên trong đại tràng và trực tràng. Thủ thuật này giúp chẩn đoán sớm và chính xác nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, một trong những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Nội soi đại tràng là gì?

Trực tràng là đoạn cuối của ruột già, nằm giữa hậu môn và đại tràng. Trực tràng có nhiệm vụ chứa chất thải, đồng thời phối hợp với nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài qua hậu môn. Do một số yếu tố, trực tràng có thể gặp phải các bệnh như viêm nhiễm, polyp hay ung thư. Vì lý do này, nội soi đại tràng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh lý tại trực tràng, từ đó giúp điều trị kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng.

Nội soi đại tràng là một thủ thuật sử dụng ống mềm có đường kính nhỏ, gắn camera, đi qua hậu môn và trực tràng để vào bên trong đại tràng. Phương pháp này giúp các bác sĩ có thể quan sát tình trạng bên trong lòng đại tràng. Quá trình này bao gồm:

  • Nội soi đại tràng không sử dụng thuốc gây mê: Bệnh nhân sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình nội soi, họ có thể cảm thấy đau hoặc tức bụng tùy vào từng cảm nhận của từng người.
  • Nội soi đại tràng gây mê: Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây mê để bệnh nhân không cảm thấy khó chịu hay đau tức bụng khi nội soi. Sau khi thủ thuật kết thúc, bệnh nhân có thể ra viện sau khoảng 1 - 2 giờ. Với thời gian gây mê ngắn chỉ từ 10 đến 15 phút, bệnh nhân nhanh chóng tỉnh lại sau 3-5 phút nội soi mà không cảm thấy đau đớn. Phương pháp này không chỉ giúp quá trình nội soi diễn ra suôn sẻ mà còn hỗ trợ bác sĩ thực hiện các thủ thuật như cắt polyp, cầm máu hay lấy dị vật một cách chính xác và hiệu quả hơn. 
Nội soi đại tràng là một phương pháp an toàn và có vai trò quan trọng trong tầm soát ung thư đại tràng và phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư.
Nội soi đại tràng là một phương pháp an toàn và có vai trò quan trọng trong tầm soát ung thư đại tràng và phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư.

Ngoài các phương pháp nội soi gây mê và không gây mê, bệnh nhân còn có một lựa chọn khác là nội soi viên nang để chẩn đoán các bệnh lý ở đại tràng. Phương pháp này yêu cầu người bệnh nuốt một chiếc camera nhỏ. Camera này sẽ di chuyển qua ống tiêu hóa trong suốt quá trình tiêu hóa, thu thập và ghi lại các thông tin. Thời gian để hoàn thành quan sát toàn bộ hệ tiêu hóa thường từ 6 đến 10 giờ. Tuy nhiên, đây là phương pháp nội soi thụ động vì còn phụ thuộc vào sự co bóp của ống tiêu hóa, nên khả năng đánh giá các tổn thương ở dạ dày và đại tràng sẽ bị hạn chế do một số khu vực không thể quan sát được.

2. Khi nào cần nội soi đại tràng?

Chỉ định nội soi đại tràng thường liên quan đến việc chẩn đoán các bệnh lý như trĩ, rò hậu môn, các khối u, ung thư, viêm đại tràng, polyp,... hoặc dùng để theo dõi tiến triển bệnh lý sau khi phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng.  

Ngoài ra, đây cũng là phương pháp hữu ích trong việc phát hiện và chẩn đoán ung thư đại tràng sớm, giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị sớm và tăng khả năng sống lâu hơn. Do đó, đối với vấn đề” khi nào cần nội soi đại tràng”, khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu sau thì việc thực hiện nội soi là cần thiết:

  • Xuất hiện cơn đau ở vùng bụng dưới rốn, bên hố chậu trái và cảm giác đau bụng do co thắt nhu động ruột.
  • Khi đi đại tiện, có máu đỏ tươi và chất nhầy trong phân.
  • Thỉnh thoảng bị tiêu chảy, xen kẽ với tình trạng táo bón.
  • Rối loạn phân, khó khăn khi đại tiện.
  • Hậu môn bị ngứa và đau, có dịch chảy từ ống hậu môn hoặc ngoài ống.
  • Việc tầm soát ung thư đại tràng và kiểm tra định kỳ nên được thực hiện cho những bệnh nhân mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
  • Cần kiểm tra khi có dấu hiệu thiếu máu không rõ nguyên nhân, phát hiện hồng cầu trong phân dương tính hoặc khi có các bất thường trên phim X-quang.
  • Những bệnh lý như viêm đại trực tràng, bệnh túi thừa, viêm loét đại trực tràng có chảy máu, bệnh Crohn, ung thư, polyp, rò hậu môn và nứt hậu môn.
  • Nội soi đại tràng là phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh, bao gồm cắt polyp, xử lý bệnh trĩ, lấy dị vật, cầm máu hoặc nong các đoạn đại tràng hẹp.
  • Ngoài ra, nội soi đại tràng cũng có thể được áp dụng để theo dõi bệnh nhân sau khi cắt polyp đại tràng hoặc khi có loạn sản nặng.

3. Nội soi đại tràng có đau không?

Nhiều bệnh nhân lo lắng rằng nội soi đại tràng có đau không. Do cấu trúc phức tạp của đại tràng với nhiều đoạn gấp khúc và xoắn, người bệnh có thể cảm thấy căng tức, khó chịu, thậm chí là đau trong khi nội soi.

Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp nội soi gây mê. Khi được gây mê, bệnh nhân sẽ hoàn toàn không cảm nhận thấy bất kỳ đau đớn nào trong suốt quá trình nội soi, đồng thời giúp bác sĩ dễ dàng thực hiện thủ thuật và quan sát kỹ lưỡng bên trong đại tràng.

Trước khi quyết định thực hiện nội soi đại tràng, người khám nên trao đổi kỹ với bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho sức khỏe của bản thân. 

Nhiều người tỏ ra lo lắng và muốn biết nội soi đại tràng có đau không.
Nhiều người tỏ ra lo lắng và muốn biết nội soi đại tràng có đau không.

4. Quy trình nội soi đại tràng

Thông thường, thời gian thực hiện nội soi đại tràng có thể dao động từ 20 phút đến 1 giờ, tùy thuộc vào mức độ hợp tác của bệnh nhân và bác sĩ. Quy trình nội soi đại tràng bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra hậu môn để phát hiện các tổn thương (nếu có). Sau đó, bệnh nhân sẽ được gây tê và sử dụng thuốc bôi trơn, cùng với các loại thuốc an thần hoặc giảm đau trước khi thực hiện thủ thuật nội soi đại tràng.
  • Bước 2: Quy trình nội soi đại tràng bắt đầu khi bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nằm nghiêng sang trái. Sau đó, ống nội soi được đưa qua hậu môn vào trực tràng và dừng lại tại vị trí đại tràng.
  • Bước 3: Khi thực hiện nội soi, khí carbon dioxide sẽ được bơm vào đại tràng để giúp các bác sĩ dễ dàng quan sát toàn bộ các tổn thương bên trong. Quá trình này có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đầy hơi hoặc đau bụng. Nếu cảm thấy đau quá mức, người khám cần bình tĩnh, nằm yên và báo ngay cho bác sĩ.
  • Bước 4: Để dễ dàng đưa ống soi vào và quan sát nhiều góc độ, bệnh nhân có thể cần thay đổi tư thế nằm vài lần. 
Thời gian thực hiện nội soi kéo dài từ 20 phút – 1 tiếng.
Thời gian thực hiện nội soi kéo dài từ 20 phút – 1 tiếng.

5. Lưu ý khi nội soi

5.1 Lưu ý trước khi nội soi  

  • Dù là một kỹ thuật phổ biến và được thực hiện thường xuyên, nội soi đại tràng vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, mọi người nên chọn thực hiện tại các cơ sở y tế có uy tín, với bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị y tế hiện đại để đảm bảo an toàn.
  • Trước khi tiến hành nội soi, việc khám sức khỏe toàn diện là một khâu không thể thiếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cơ sở y tế nào cũng thực hiện đầy đủ bước này. Điều đáng lo ngại là việc bỏ qua giai đoạn kiểm tra có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính hoặc đang điều trị bằng thuốc chống đông máu.
  • Để chuẩn bị cho quá trình nội soi đại tràng, người bệnh cần làm một số xét nghiệm máu và sử dụng thuốc để làm sạch đại tràng ở nhà. Chính vì vậy, người bệnh nên đặt lịch khám với bác sĩ từ trước để tiết kiệm thời gian.
  • Dù chọn bất kì phương pháp nội soi đại tràng nào, người khám cũng đừng quên yêu cầu người nhà đi cùng để hỗ trợ đưa về sau khi hoàn thành.
  • Khoảng 4 ngày trước khi tiến hành nội soi đại trực tràng, người khám nên tiêu thụ thực phẩm nhẹ, ít chất xơ và dễ tiêu, đồng thời ngừng uống vitamin hoặc các loại chất bổ sung khác. Nếu người khám đang sử dụng thuốc điều trị, đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Trước ngày nội soi đại tràng, hãy uống nhiều nước, nhưng đừng uống các loại nước có màu xanh, đỏ hay tím. Đặc biệt, trong 2 giờ trước khi nội soi, người khám không được ăn uống gì.
  • Trong đêm trước khi làm nội soi, người khám cần sử dụng thuốc nhuận tràng mạnh để làm sạch hệ tiêu hóa. Sau khi uống thuốc, người khám sẽ phải nhịn ăn hoàn toàn cho tới khi thực hiện nội soi, tuy nhiên, người khám có thể uống nước đường nếu cảm thấy đói bụng.

5.2 Lưu ý trong quá trình nội soi

  • Khi thực hiện nội soi, người khám có thể gặp phải cảm giác chướng bụng, khó chịu hoặc đau bụng. Nếu cảm thấy đau quá mức, hãy giữ bình tĩnh, nằm yên và báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Khi thực hiện nội soi, người khám có thể sẽ phải thay đổi tư thế nằm nhiều lần, lúc đó điều dưỡng có thể nhẹ nhàng ấn vào bụng người khám để giúp ống soi đi vào dễ dàng hơn, đồng thời làm giảm cảm giác đau. 
Sau khi thực hiện nội soi đại tràng, người khám nên nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi hết cảm giác khó chịu ở bụng.
Sau khi thực hiện nội soi đại tràng, người khám nên nghỉ ngơi, thư giãn cho đến khi hết cảm giác khó chịu ở bụng.

5.3 Lưu ý sau khi nội soi đại tràng

  • Sau khi thực hiện nội soi đại tràng, người khám nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn cho đến khi cảm giác khó chịu trong bụng hoàn toàn biến mất.  
  • Người khám có thể cảm thấy đau âm ỉ ở bụng, đầy bụng hoặc có cảm giác muốn đi ngoài nhưng không thể. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất vào ngày hôm sau.  
  • Nếu gặp phải cơn đau dữ dội, sốt, chóng mặt, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ và ở lại bệnh viện thêm 1-2 tiếng để được theo dõi sức khỏe.

6. Đọc kết quả nội soi

Kết quả nội soi đại tràng cung cấp những thông tin quan trọng giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe đường tiêu hóa của bệnh nhân.

  • Khi kết quả nội soi bình thường: Điều này đồng nghĩa với việc các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải không phải do các vấn đề ở đại trực tràng gây ra. Từ đó, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân thực sự.  
  • Khi kết quả nội soi không bình thường: Bác sĩ sẽ phát hiện các bất thường như polyp, viêm loét, chảy máu hoặc các khối u. Dựa trên kết quả nội soi, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, có thể bao gồm sinh thiết để xác định bản chất tổn thương, cắt polyp, cầm máu, thắt búi trĩ hoặc lấy dị vật.

XEM THÊM: Điều trị ung thư đại trực tràng bằng kỹ thuật nội soi robot ưu việt tại Vinmec

7. Biến chứng có thể gặp sau khi nội soi

Nội soi đại tràng là một thủ thuật y tế phổ biến, tuy nhiên, như mọi thủ thuật khác, phương pháp này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Các biến chứng thường gặp sau khi nội soi bao gồm:  

  • Đau bụng.
  • Đầy hơi.
  • Chảy máu nhẹ do sinh thiết hoặc cắt polyp.  
  • Ngoài ra, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn như: Phản ứng với thuốc mê, nhiễm trùng, thậm chí là rách hoặc thủng đại tràng. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học và kỹ thuật nội soi hiện đại, tỷ lệ xảy ra các biến chứng này rất thấp.

Nội soi đại tràng là phương pháp an toàn và quan trọng trong tầm soát ung thư đại tràng, giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư (polyp) và các khối u nhỏ trong đường ruột để loại bỏ trước khi xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe