Quy trình thực hiện hồi sức sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hồi sức sơ sinh là thủ thuật cần thiết cho những trẻ trong trường hợp người mẹ mắc bệnh mạn tính, tiền căn sảy thai, tiền sản giật, tai biến chuyển dạ, ngôi thai bất thường, sinh non, mang đa thai, sa dây rốn, chuyển dạ kéo dài, vỡ ối, dịch ối lẫn phân su,...

1. Đánh giá tình trạng trẻ sơ sinh để xem xét hồi sức sơ sinh

Người ta thường dùng điểm số Apgar để đánh giá tình trạng của trẻ ngay sau khi sinh. Đánh giá theo điểm số Apgar được thực hiện ở các thời điểm 1 phút, 5 phút và 10 phút sau sinh trên các chỉ số là nhịp tim, hô hấp, trương lực cơ, phản xạ và màu da.

  • Nhịp tim: Nghe tim, đếm trong 30 giây (có thể đếm trong 6 giây rồi thêm vào sau kết quả đếm được 1 số 0);
  • Hô hấp: Quan sát cùng lúc với đếm nhịp tim, đánh giá bằng mắt nhìn hoặc ống nghe nếu trẻ thở nông;
  • Trương lực cơ: Mức co lại khi duỗi thẳng chi;
  • Phản xạ: Đáp ứng của trẻ khi bị kích thích lỗ mũi hoặc gan bàn chân;
  • Màu da: Hồng, tím hoặc trắng bệch.

Đánh giá nhịp tim của trẻ
Đánh giá nhịp tim của trẻ

Bảng chỉ số Apgar:

Nội dung 0 1 2
Nhịp tim Không có <100 lần/phút >100 lần/phút
Hô hấp Không thở Thở yếu, khóc yếu Khóc to
Trương lực cơ Không + ++
Phản xạ Không + ++
Màu da Tím tái toàn thân hoặc trắng Tím đầu chi, quanh môi Hồng hào toàn thân

Tổng điểm của 5 nội dung đề cập ở trên được gọi là chỉ số Apgar. Cách đánh giá chỉ số Apgar để xem xét hồi sức sơ sinh như sau:

  • Chỉ số Apgar 8 - 10: Là chỉ số bình thường, không cần hồi sức. Chỉ cần làm thông đường thở của trẻ, kích thích qua xúc giác, giữ ấm và quan sát giai đoạn chuyển tiếp của trẻ một cách sát sao;
  • Chỉ số Apgar 4 - 7 điểm: Trẻ bị ngạt nhẹ, cần hồi sức thở;
  • Chỉ số Apgar 0 - 3 điểm: Trẻ bị ngạt nặng, cần hồi sức thở và hồi sức tim.

Lưu ý: Trong bảng Apgar, tiêu chí nhịp tim được đặt lên hàng đầu. Nếu không thấy nhịp tim cần hồi sức sơ sinh ngay, không tiếp tục đánh giá các nội dung khác để tránh bỏ lỡ thời điểm hồi sức tốt nhất.

Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng?

Đặc điểm bên ngoài của trẻ sơ sinh đủ tháng được thể hiện qua các tiêu chuẩn như: Cân nặng, chiều dài và hình thể. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng, qua đó có thể đánh giá tổng trạng sức khỏe và sự phát triển của bé yêu nhà mình.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Quy trình thực hiện hồi sức sơ sinh

Nhân viên y tế không cần vỗ lưng trẻ mà chỉ cần xoa dọc cột sống lưng của trẻ sơ sinh khoảng 2 - 3 lần trong khi lau khô là đủ để kích thích trẻ thở. Các thao tác hồi sức sơ sinh như sau:

2.1 Thông đường thở

  • Giữ đầu của trẻ ở tư thế trung gian để giúp đường thở thông thoáng;
  • Không hút đờm nhớt thường quy mà chỉ hút đờm nếu dịch ối lẫn phân su, trẻ không khóc, không cử động chi. Trường hợp dịch ối đơn thuần thì chỉ hút khi miệng, mũi trẻ có nhiều dịch tiết. Đồng thời, chú ý chỉ hút dịch miệng, mũi và hầu họng của trẻ ở vùng nhìn thấy có dịch tiết. Không nên hút sâu vào cuống họng của trẻ bởi thao tác này có thể gây ngưng thở, chậm nhịp tim.

2.2 Hỗ trợ hô hấp

  • Chọn cỡ mặt nạ phù hợp, ôm vừa vặn vào miệng và mũi trẻ. Cụ thể, trẻ dưới 2.5kg chọn mặt nạ cỡ số 0 và trẻ có cân nặng bình thường thì sử dụng mặt nạ cỡ số 1;
  • Bóp bóng qua mặt nạ với túi dự trữ, tần suất bóp bóng khoảng 40 - 60 lần/phút. Lưu ý khi bóp bóng đảm bảo lồng ngực của trẻ nhô lên theo mỗi nhịp bóp. Ở trẻ rất nhỏ cần chú ý không để lồng ngực di động quá nhiều để tránh nguy cơ gây tràn khí màng phổi.


Mặt nạ size sơ sinh
Mặt nạ size sơ sinh

2.3 Đảm bảo tuần hoàn tối thiểu có hiệu quả

  • Thực hiện ấn tim ngoài lồng ngực nếu nhịp tim của trẻ dưới 60 lần/phút sau 30 - 60 giây hỗ trợ hô hấp mà lồng ngực có di động. Cần ấn tim 90 lần phối hợp với 30 lần thổi ngạt trong 1 phút (tỷ lệ ấn tim/thổi ngạt là 3/1 trong 2 giây);
  • Người thực hiện hồi sức sơ sinh đặt 2 ngón tay cái trên xương ức, dưới đường nối 2 vú của trẻ 1 khoát ngón tay;
  • Ấn sâu 1⁄3 đường kính trước sau của lồng ngực.

Thực hiện đúng hướng dẫn hồi sức sơ sinh sẽ giúp trẻ vượt qua giai đoạn nguy hiểm, có thể phát triển khỏe mạnh bình thường về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe