Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long và Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Siêu âm có tiêm thuốc cản âm tĩnh mạch là phương pháp siêu âm kết hợp với sử dụng các chất cản quang giúp tăng khả năng phát hiện các dấu hiệu bất thường trong cấu trúc và các dòng chảy ở cơ thể.
1. Siêu âm tim cản âm là gì?
Siêu âm tim cản âm là phương pháp siêu âm phối hợp với việc tiêm chất cản âm vào mạch máu để tăng khả năng phát hiện cấu trúc tim và các dòng chảy trong thăm dò siêu âm tim (qua thành ngực và qua thực quản).
Khi tiến hành siêu âm tim cản âm, chất cản âm sẽ được tiêm vào tĩnh mạch và trở về tim.
2. Khi nào có chỉ định siêu âm có tiêm thuốc cản âm tĩnh mạch?
Khi bác sỹ cần có thêm thông tin, đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân:
- Bệnh nhân mắc các bệnh về tim như: Tim bẩm sinh, cần tìm shunt giữa các buồng tim, các mạch máu ...
- Giúp xác định các cấu trúc tim, đánh giá tình trạng vận động các thành tim, nhất là trong những trường hợp hình ảnh siêu âm 2D mờ.
- Thăm dò tình trạng tưới máu cơ tim: Dùng những chất cản âm có bọt siêu nhỏ.
- Giúp bác sĩ có thể thăm dò khoang màng tim, chọc dịch màng ngoài tim.
3. Quy trình siêu âm có tiêm thuốc cản âm tĩnh mạch
Để thực hiện chỉ cần siêu âm có tiêm thuốc cản âm tĩnh mạch cần 1 điều dưỡng viên và một bác sĩ chuyên khoa tim mạch để siêu âm tim.
3.1 Chuẩn bị phương tiện
Phương tiện để thực hiện bao gồm:
- Máy siêu âm: Đen trắng bình thường có đầu dò tim. Đầu dò tim của máy siêu âm có gắn chip có thể quay video để phân tích hình ảnh, hướng đi của các bọt cản âm.
- Chất cản âm: Chất cản âm là những dung dịch có đặc tính giúp làm tăng phản hồi sóng siêu âm để làm rõ các cấu trúc tim, các dòng chảy và tưới máu cơ tim, bao gồm các chất cản âm tự tạo và các chất cản âm sản xuất sẵn.
- Các chất cản âm tự tạo: Các bác sĩ sẽ thường dùng các dung dịch để tiêm truyền hàng ngày nhằm tạo bọt cản âm, ví dụ dịch NaCl 0,9 %, đường glucose, dextrose đẳng trương và ưu trương.
3.2 Các bước tiến hành siêu âm có tiêm thuốc cản âm tĩnh mạch
- Điều dưỡng viên thực hiện làm siêu âm tim như bình thường cho bệnh nhân.
- Sau đó đặt 1 kim luồn vào phần tĩnh mạch chỗ cánh tay (thường sẽ chọn cánh tay trái để tiêm) và nối với hệ thống.
- Sử dụng 2 seringues + chạc ba.
- Tạo bọt cản âm: Sử dụng 5ml dịch và 1 ml khí cho vào chung 1 bơm tiêm, lắp 2 bơm tiêm, khoá 3 chạc và lắc nhẹ hỗn hợp dịch và khí từ bơm tiêm nọ sang bơm tiêm kia qua chiếc khoá 3 chạc cho đến khi hỗn hợp trở nên đồng nhất, chứa các vi bọt khí.
- Bật máy ghi hình Video để có thể quay trực tiếp quá trình thực hành và lưu lại hình.
- Tiêm bọt cản âm vào trong ống kim luồn.
- Quan sát quá trình thực hiện từ máy ghi hình, theo dõi đường đi của bọt cản âm.
- Đánh giá kết quả của thủ thuật.
Quá trình siêu âm có tiêm thuốc cản âm tĩnh mạch là thủ thuật nhỏ, không gây ra biến chứng nên sau khi tiêm thuốc cản âm xong bệnh nhân không cần phải ở lại theo dõi thêm. Có một số ít trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh có thể xuất hiện tình trạng nhức đầu thoáng qua: bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ 5 -7 phút sẽ thấy đỡ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.