Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp X-quang tim phổi cấp cứu tại giường là kỹ thuật được chỉ định trong các trường hợp khẩn cấp cần thiết phải chụp X-quang ở các bệnh nhân nặng không có khả năng di chuyển hoặc di chuyển sẽ làm nặng thêm bệnh, thậm chí có thể tử vong. Đây là kỹ thuật phổ biến, ít xâm lấn rất có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý về tim phổi, xương lồng ngực, cột sống,... thông qua hình ảnh là phim X-quang.
1. Chụp X-quang tim phổi là gì?
- Chụp X-quang tim phổi là kỹ thuật chẩn đoán bệnh dựa trên hình ảnh chụp được từ máy chụp X-quang dựa trên nguyên lý của tia X. Trong phim chụp, bác sĩ sẽ thấy được hình ảnh của tim, phổi, đường thở, mạch máu và hạch bạch huyết. Ngoài ra kỹ thuật này còn cho thấy xương cột sống và các xương ngực, bao gồm xương ức, xương sườn, xương đòn và phần trên cột sống. Phương pháp chụp này thường được sử dụng để tìm những bất thường bên trong lồng ngực.
- Nguyên lý chụp phim X-quang: Máy X quang phát ra các chùm tia X - là bức xạ năng lượng cao đi xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể dễ dàng với mật độ khác nhau có khả năng cản năng lượng (cản tia X) khác nhau tạo nên một hình ảnh tương đối của tổ chức cần khảo sát trên phim. Phim X- quang tạo ra các hình ảnh “sáng - mờ" thể hiện cho các tổ chức mô đặc, lỏng hay khí mật độ khác nhau sẽ có mức cản tia X khác nhau. Từ đó phát hiện được các tổn thương trong nhiều bệnh lý giúp người thầy thuốc chẩn đoán được các bệnh lý liên quan.
- Chụp X-quang tim phổi cấp cứu tại giường là sử dụng thiết bị chụp X-quang di chuyển đến giường bệnh, chụp ở tư thế bệnh nhân nằm thay vì bệnh nhân phải di chuyển đến phòng X-quang chụp. Thiết bị chụp X-quang cấp cứu tại giường là thiết bị nhỏ gọn, di động có thể dễ dàng di chuyển đến phòng cấp cứu hay buồng bệnh. Đầu đèn phát tia X kết nối với giá đỡ có thể di chuyển linh hoạt.
2. Chỉ định chụp X-quang tim phổi cấp cứu trong các trường hợp nào?
- Khảo sát các bệnh lý về phổi như nghi ngờ viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tràn dịch, tràn khí màng phổi, u phổi,... ở bệnh nhân đang có suy hô hấp phải thở máy, thở oxy, người không có khả năng di chuyển.
- Nghi ngờ các chấn thương liên quan đến lồng ngực trong chấn thương ngực kín hay viết thương ngực hở gây tràn dịch màng phổi, tràn máu màng phổi, tràn khí màng phổi, gây xương sườn, đụp dập phổi... ở các bệnh nhân đa chấn thương, bệnh nhân nặng suy hô hấp,...
- Khảo sát các bệnh lý tim mạch như suy tim sung huyết gây phù phổi cấp, khảo sát kích thước và hình dạng tim, mạch máu, phình động mạch chủ, dị tật bẩm sinh,
- Kiểm tra vị trí đặt máy trong can thiệp tim mạch như máy tạo nhịp, máy khử rung tim, ống thông,..
Chụp X-quang là một nghiệm pháp cận lâm sàng bằng hình ảnh nhanh chóng, thuận tiện, không gây cảm giác đau, giúp khảo sát một cách đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả các tổ chức cơ quan trong cơ thể và các tổn thương trên xương.
3. Lưu ý đối với bệnh nhân khi chụp X-quang tim phổi cấp cứu
- Bệnh nhân cần được cởi áo và khoác áo của bệnh viện, cần phải bỏ trang sức, đồng hồ, kính hay vật bằng kim loại vì có thể gây ảnh hưởng đến phim chụp.
- Bệnh nhân là nữ giới nếu nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai không được phép chụp phim X-quang vì tia X có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây dị tật thai nhi. Tuy nhiên nếu thực sự cần thiết phải chụp với bà bầu để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu kỹ thuật viên chụp phim thực hiện các biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ tiếp xúc.
- Ngoài kỹ thuật viên chụp, bệnh nhân các đối tượng khác cần di chuyển ra khỏi phòng bệnh để tránh bị ảnh hưởng bởi tia X.
- Người bệnh không nên quá lo lắng khi chụp X- quang về tác dụng phụ của tia X do lượng tia X nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể.
4. Quy trình chụp X-quang tim phổi cấp cứu thực hiện như thế nào?
Chuẩn bị
- Kỹ thuật viên chụp cần có áo chì, tạp dề chì, cổ chì để bảo vệ,
- Người bệnh cởi bỏ áo, tháo bỏ trang sức, vật dụng kim loại, bệnh nhân cần nằm yên trong quá trình chụp
- Có phiếu chỉ định chụp X-quang tim phổi cấp cứu tại giường
- Bác sĩ cần giải thích mục đích của chụp X-quang cho bệnh nhân
Các bước thực hiện
- Nhận giấy chụp X- quang đối chiếu tên bệnh nhân, vị trí cần chụp
- Di chuyển máy X-quang đến cạnh giường bệnh nhân, giới thiệu, giải thích cho bệnh nhân
- Đặt dọc phim phía sau ngực bệnh nhân sao cho toàn bộ ngực bệnh nhân nằm đúng vị trí cho hình ảnh rõ nét nhất
- Hướng dẫn bệnh nhân nằm im, lưng áp sát phim, 2 chân duỗi thẳng, 2 chân duỗi rộng sang 2 bên, chỉnh cạnh trên của cassette cao trên mặt trên của vai 5 cm, chỉnh cột sống vào giữa phim theo chiều dọc
- Khoảng cách giữa bóng và phim là 1m
- Đánh dấu trái phải, yêu cầu bệnh nhân hít vào rồi nín thở nếu được để tăng độ nét của phim
- Tiến hành phát tia
- Lấy cassette về phòng xử lý hình ảnh, thu gọn máy móc
- Tiến hành đánh dấu tên tuổi, điều chỉnh hình ảnh, in phim
6. Chụp X-quang tim phổi ở đâu tốt nhất?
Hiện nay, chụp X quang tim phổi được thực hiện gần như đối với tất cả bệnh nhân khi nhập viện điều trị, phim cung cấp rất nhiều thông tin có ích cho bác sĩ trong việc điều trị. Đặc biệt với các bệnh nhân nặng, khó hay không thể di chuyển thì việc thực hiện chụp X quang tim phổi cấp cứu tại giường là rất cần thiết và có nhiều lợi ích cho bệnh nhân.