Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Đau khớp cổ chân có thể là biểu hiện của rất nhiều tình trạng và bệnh lý. Bệnh nhân sẽ phải chịu đau đớn và nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời. Chụp X-quang khớp cổ chân là một trong những kỹ thuật được áp dụng để chẩn đoán các bệnh lý về khớp cổ chân.
1. Tại sao phải chụp X-quang khớp cổ chân
Khớp cổ chân là một trong những khớp có chức năng nâng đỡ cơ thể; vì vậy vai trò và ý nghĩa của bộ phận này thực sự quan trọng với con người.
Các bệnh lý liên quan đến khớp cổ chân gây bất tiện trong việc di chuyển. Nếu không được phát hiện và có hướng khắc phục kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm về sau.
Chụp X-quang khớp cổ chân là phương án thông dụng nhất trong chẩn đoán của các bác sĩ. Kỹ thuật này được áp dụng bởi tính phản ánh hiệu quả và nhanh chóng của nó.
Chụp X-quang khớp cổ chân được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có một hoặc một vài các biểu hiện sau đây:
- Khớp cổ chân đau nhức
- Sưng tấy
- Khi di chuyển vùng khớp cổ chân phát ra các tiếng kêu bất thường
- Bệnh nhân gặp hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng
- Chấn thương mạnh do va chạm, nghi ngờ gãy xương.
2. Chuẩn bị chụp X-quang khớp cổ chân
Để đảm bảo an toàn và cho kết quả chính xác, khi tiến hành chụp X-quang khớp cổ chân, cả nhân viên ý tế cũng như bệnh nhân đều phải chuẩn bị mộc cách hết sức cẩn thận.
2.1 Đối với nhân viên y tế
- Người thực hiện chụp X-quang khớp cổ chân bao gồm bác sĩ chuyên khoa và nhân viên điện quang
- Kiểm tra máy chụp X-quang chuyên dụng trong trạng thái sẵn sàng.
- Chuẩn bị và kiểm tra phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ, phiếu chỉ định cũng như phiếu kết quả cho bệnh nhân.
- Kiểm tra an toàn phòng chụp.
- Chuẩn bị dụng cụ che chắn phù hợp cho trường hợp bệnh nhân mang thai
2.2 Đối với bệnh nhân
- Khi tiến hành chụp X-quang khớp cổ chân hoặc bất kỳ loại X-quang nào bệnh nhân nên khai báo chính xác tình trạng của mình. Ví dụ như: Đang có thai hay không để nhân viên y tế có phương án xử trí phù hợp.
- Nên tháo bỏ trang sức, vật dụng kim loại trên vùng khớp cổ chân nếu có ảnh hưởng đến kỹ thuật.
- Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, ghi nhớ lời dặn của bác sĩ cũng như nhân viên y tế.
3. Quy trình chụp X-quang khớp cổ chân thẳng nghiêng
3.1 Quy trình thực hiện chụp X-quang khớp cổ chân
Dưới đây là các bước chung nhất của quy trình chụp X-quang khớp cổ chân thẳng nghiêng:
- Bệnh nhân nhận phiếu chỉ định chụp X- quang khớp cổ chân và chuyển đến phòng chụp X-quang.
- Nhân viên y tế tiếp nhận phiếu chỉ định và giải thích để bệnh nhân hiểu rõ quy trình chụp X-quang khớp cổ chân thẳng nghiêng.
- Bàn chụp được điều chỉnh sao cho bóng cách phim 1m.
- Bệnh nhân được hướng dẫn ngồi trên bàn, chân cần chụp X-quang khớp cổ chân duỗi thẳng, gót chân và mặt sau chân sát phim. Tư thế nghiêng chân cần chụp mắt cá ngoài sát phim.
- Tia trung tâm được điều chỉnh sao cho hướng vào giữa mắt cá và trung tâm phim. Tư thế nghiêng tia trung tâm trên mắt cá trong 1cm.
- Dán chữ (F) (T) vào tấm cảm biến số hóa tương ứng với chân mà bệnh nhân chụp X-quang khớp cổ chân.
- Nhân viên y tế nhập thông tin bệnh nhân,chọn chương trình tương ứng trên máy đồng thời điều chỉnh yếu tố kỹ thuật (48kv, 20mAs).
- Bệnh nhân được yêu cầu giữ yên tư thế.
- Nhân viên y tế đóng của phòng chụp và phát tia.
- Sau khi chụp X-quang khớp cổ chân, bệnh nhân được hướng dẫn ra ngoài chờ kết quả.
- Lúc này các kỹ thuật viên tiến hành điều chỉnh độ tương phản, kiểm tra sự cân đối hình ảnh trên phim, in phim và đối chiếu với phim đạt yêu cầu.
3.2 Nhận định kết quả
- Lấy được toàn bộ vùng khớp cổ chân tư thế thẳng- nghiêng.
- Khe khớp bên cần chụp vào khoảng giữa và có hình dáng giống hình chữ U lộn ngược.
- Chất lượng tia: độ nét, độ tương phản rõ ràng, tia vừa để thấy rõ vân xương, bè xương và bóng phần mềm.
- Phim có đầy đủ thông tin bệnh nhân, ngày tháng năm chụp.
- Bác sĩ đọc tổn thương, mô tả và in kết quả.
- Bác sĩ tư vấn chuyên môn tình trạng khớp cổ chân và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân.