Quy trình chụp động mạch thận số hoá xoá nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Chiến - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) chụp lại hình ảnh mạch máu bằng tia X. Kỹ thuật này có thể áp dụng với nhiều mạch máu khác nhau trong cơ thể, trong đó có động mạch thận. Vậy quy trình chụp động mạch thận số hoá xoá nền diễn ra như thế nào?

1. Chụp động mạch thận số hoá xoá nền là gì?

Chụp số hóa xóa nền là sự kết hợp giữa chụp hình mạch máu thông thường theo kỹ thuật Seldinger với kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng máy vi tính. Chụp DSA động mạch thận là kỹ thuật chụp với tia X có sử dụng thuốc cản quang iod làm sáng mạch máu và thể hiện được hệ thống mạch thận. Chất nhuộm có thành phần iod này hoàn toàn vô hại và sẽ đào thải ra ngoài qua nước tiểu.

Trước khi thực hiện, máy sẽ chụp hình ảnh ban đầu khi chưa tiêm thuốc làm ảnh nền, sau đó chất cản quang sẽ được tiêm vào động mạch thận thông qua một ống thông luồn qua da vào từ động mạch đùi. Máy sẽ ghi nhận ảnh động khi chất cản quang đi vào cơ thể và xử lý loại trừ ảnh nền (số hóa xóa nền).

Chụp động mạch thận số hóa xóa nền được chỉ định trong:

● Nghi ngờ các bệnh lý mạch máu tại thận: hẹp mạch thận, dị dạng mạch thận, phình động mạch;

Đái ra máu nghi ngờ nguyên nhân liên quan đến hệ mạch thận;

● Đánh giá tình trạng cấp máu trong các bệnh lý khối u thận: u cơ mỡ mạch;

● Các bệnh lý chấn thương nghi ngờ có tổn thương mạch ở thận;

● Bệnh lý viêm nhiễm mạn tính có gây tổn thương mạch;

● Phục vụ điện quang can thiệp;

● Chụp để chuẩn bị ghép thận.


Người bệnh tiểu ra máu cần được chụp động mạch thận số hoá xoá nền giúp đánh giá tìm nguyên nhân
Người bệnh tiểu ra máu cần được chụp động mạch thận số hoá xoá nền giúp đánh giá tìm nguyên nhân

Kỹ thuật nay không có chống chỉ định tuyệt đối mà chỉ có chống chỉ định tương đối trong trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu, suy thận, tiền sử dị ứng thuốc đối quang iod, phụ nữ có thai.

2. Phương tiện và các loại thuốc cần chuẩn bị trước khi chụp DSA động mạch thận

2.1 Máy móc phương tiện

● Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA);

● Máy bơm điện chuyên dụng;

● Phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh;

● Áo chì, tạp dề để che chắn tia X.

2.2 Các loại thuốc cần chuẩn bị

● Thuốc tê tại chỗ;

● Thuốc tiền mê và thuốc gây mê toàn thân (nếu bệnh nhân có chỉ định gây mê toàn thân);

● Thuốc chống đông máu;

● Thuốc trung hòa thuốc chống đông máu;

● Thuốc đối quang iod tan trong nước;

● Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc

2.3 Người thực hiện chụp DSA động mạch thận

● Bác sĩ chuyên khoa;

● Bác sĩ phụ trợ;

● Kỹ thuật viên điện quang;

● Điều dưỡng;

● Bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê (nếu bệnh nhân không thể hợp tác).


Chụp động mạch thận số hoá xoá nền cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa và ekip
Chụp động mạch thận số hoá xoá nền cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa và ekip

2.4 Chuẩn bị người bệnh trước khi chụp DSA

● Người bệnh được giải thích kỹ càng về thủ thuật và quy trình chụp động mạch thận số hoá xoá nền để hợp tác với bác sĩ và các kỹ thuật viên;

● Người bệnh hoặc thân nhân nuôi bệnh phải viết cam kết đồng ý tiến hành thủ thuật trước khi thực hiện;

● Người bệnh cần phải nhịn ăn, nhịn uống trước đó 6 giờ hoặc có thể uống không quá 50ml nước;

● Sau khi vào phòng can thiệp chụp động mạch thận, người bệnh sẽ nằm ở tư thế ngửa, được các kỹ thuật viên lắp máy theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như: nhịp thở, mạch đập, huyết áp, điện tim, khí máu động mạch. Trường hợp người bệnh không hợp tác hoặc quá khích sẽ được chỉ định thuốc an thần;

● Sát trùng bề mặt da vùng bẹn bằng dung dịch sát khuẩn và trải bộ can thiệp vô khuẩn.

3. Quy trình chụp động mạch thận số hoá xoá nền

3.1 Gây tê/ gây mê

Người bệnh nằm ở tư thế ngửa trên bàn chụp DSA, kỹ thuật viên tiến hành đặt đường truyền, thường dùng là dung dịch huyết thanh mặn đẳng trương 0.9% để truyền. Đối với hầu hết các trường hợp chụp DSA động mạch thận, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ.

Tuy nhiên với các trường hợp ngoại lệ cần phải tiêm thuốc tiền mê như: trẻ em dưới 5 tuổi, chưa có ý thức hợp tác với bác sĩ hoặc bệnh nhân quá kích động, sợ hãi... thì cần tiến hành gây mê toàn thân trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.


Người bệnh sẽ được gây tê trước khi tiến hành chụp động mạch thận số hoá xoá nền
Người bệnh sẽ được gây tê trước khi tiến hành chụp động mạch thận số hoá xoá nền

3.2 Lựa chọn đường vào của ống thông

● Bác sĩ sử dụng kỹ thuật Seldinger để đưa ống thông vào cơ thể. Đường vào ống thông thường là các động mạch lớn như động mạch đùi, động mạch nách, động mạch cánh tay hoặc động mạch quay.

● Đa số các trường hợp sẽ đưa vào qua động mạch đùi vì đây là động mạch lớn, dễ đưa ống thông vào.

3.3 Quy trình chụp động mạch thận chẩn đoán

Sát khuẩn và gây tê tại vị trí chọc. Chọc kim và đặt ống thông vào lòng mạch.

Chụp toàn bộ động mạch chủ bụng và động mạch thận hai bên bằng cách luồn ống thông vào động mạch chủ bụng, đến ngang mức trên đốt sống L1, sau đó bơm thuốc chụp đối quang vào với tốc độ 15ml/s, thể tích bơm là 30ml và bơm với áp lực cao 500PSI.

Tiếp tục luồn ống thông đến động mạch chủ, đoạn ngang mức đốt sống L1 rồi xoay hướng ống thông sang bên để móc vào động mạch thận phải hoặc động mạch thận trái rồi tiến hành bơm thuốc với tốc độ 4ml/s, thể tích bơm là 20ml và bơm dưới áp lực cao 500PSI.

Phim chụp tập trung kỹ vào hướng thẳng trước-sau vùng thận để lấy hình ảnh của các thì động mạch, nhu mô và tĩnh mạch thận. Hoặc có thể tiến hành chụp tư thế chếch sang trái 45 độ.

Sau chụp, rút ống ra khỏi lòng mạch, đè ép bằng tay trực tiếp tại vị trí chỗ chọc kim khoảng 15 phút để cầm máu, sau đó băng ép trong 8 giờ hoặc sử dụng dụng cụ đóng lòng mạch.

Lưu ý khi làm thủ thuật cần theo dõi mạch, huyết áp và phản ứng của người bệnh. Sau khi kết thúc, người bệnh nằm trên giường, chân bên thực hiện chọc mạch duỗi thẳng bất động, theo dõi mạch máu ở mu bàn chân bên đưa ống thông vào, theo dõi hiện tượng chảy máu và tụ máu ở vị trí chọc kim, kiểm soát các dấu hiệu toàn thân: tim, mạch, huyết áp.


Hình ảnh nút động mạch thận trên công nghệ chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) trên bệnh nhân tiểu ra máu
Hình ảnh nút động mạch thận trên công nghệ chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) trên bệnh nhân tiểu ra máu

4. Tai biến và cách xử trí

4.1 Tai biến trong khi thực hiện thủ thuật

● Rách thành động mạch gây chảy máu hoặc bóc tách thành động mạch tại vị trí đưa ống thông. Xử trí bằng cách ngưng ngay thủ thuật, tiến hành băng ép tại chỗ và theo dõi kỹ. Tiếp tục chụp bằng cách chọc động mạch bên còn lại;

● Đứt gãy ống thông, dân dẫn và lưu lại mảnh đứt gãy trong lòng mạch: sử dụng dụng cụ chuyên biệt để lấy ra qua đường can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật;

● Dị ứng với thuốc cản quang: chẩn đoán và xử trí sớm tai biến thuốc đối quang.

4.2 Tai biến sau khi thực hiện thủ thuật

● Chảy máu vị trí đưa ống thông: Cần băng ép tại chỗ đúng kỹ thuật và tiếp tục nằm bất động đến khi ngừng chảy máu;

● Nhiễm trùng: Sử dụng kháng sinh để điều trị các trường hợp nhiễm trùng do đây là phương pháp có xâm lấn nên vẫn có nguy cơ nhiễm trùng;

● Nếu xảy ra phồng hoặc xuất hiện thông động tĩnh mạch, đứt ống thông hoặc đứt dây dẫn (mặc dù hiếm gặp) thì cần xử trí bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật.

Chụp tĩnh mạch chi số hóa xóa nền mang lại kết quả tốt nhất khi cơ sở y tế được trang bị trang thiết bị hiện đại, tối tân. Bởi vậy, bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng cao.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe