Quy trình chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i -ốt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCK I Võ Công Hiền đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i-ốt.

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i-ốt giúp chẩn đoán bệnh lý phổi, trung thất, thành ngực và làm rõ tổn thương liên quan tới mạch máu. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng và có độ chính xác cao từ đó giúp chẩn đoán chính xác, hạn chế bỏ sót tổn thương.

1. Mục đích chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i -ốt

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc cản quang i-ốt là phương pháp sử dụng tia X chiếu lên lồng ngực theo từng lát cắt và xử lý hình ảnh bằng máy vi tính trước và sau khi tiêm thuốc cản quang nhằm đánh giá được tình trạng bệnh lý của màng phổi, xương sườn, tim, nhu mô phổi, phế quản, trung thất...làm rõ tổn thương liên quan tới mạch máu.

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể phát hiện ra những bất thường mà khó hoặc không thể phát hiện được khi chụp trên phim X quang ngực thường quy.

Chất cản quang được đưa vào trong cơ thể sẽ làm cho một số cấu trúc hiển thị khác biệt trên hình ảnh so với lúc chưa có chất cản quang. Từ đó cải thiện hình ảnh hiển thị của các cơ quan, mạch máu hoặc mô giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Sau khi khảo sát hình ảnh có dùng chất tương phản, cơ thể sẽ hấp thu hoặc đào thải chất này qua đường tiết niệu hay đường tiêu hóa tùy từng loại thuốc cản quang.

Có nhiều loại thuốc cản quang khác nhau, nhưng thuốc cản quang chứa Iod là loại thuốc cản quang được sử dụng nhiều nhất hiện nay.


Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc đối quang i -ốt giúp phát hiện những bệnh lý liên quan đến lồng ngực
Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc đối quang i -ốt giúp phát hiện những bệnh lý liên quan đến lồng ngực

2. Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

  • Xuất hiện các biểu hiện như: Đau nhức ở vùng ngực hoặc toàn bộ khung xương ở ngực.
  • Khi chẩn đoán bệnh lý ung thư phổi, ung thư gan hoặc ung thư đường tiêu hóa,... cần kiểm tra phần lồng ngực để đánh giá tình trạng u, xâm lấn và di căn giúp xác định bệnh.
  • Phát hiện các bệnh lý bất thường ở thành ngực, phổi, trung thất...

Chống chỉ định:

  • Chống chỉ định tương đối: Phụ nữ mang thai nếu chụp phải dùng áo chì để che vùng bụng nếu chụp.
  • Chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp có chống chỉ định với thuốc đối quang i-ốt như: Bệnh nhân mắc bệnh suy thận, suy gan, suy tim nặng, tiền sử dị ứng thuốc cản quang, mắc bệnh mạn tính đái tháo đường, hen phế quản, cường giáp trạng chưa điều trị ổn định, thiếu máu hồng cầu hình liềm ...

Người bệnh nghi ngờ ung thư gan cần chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i -ốt
Người bệnh nghi ngờ ung thư gan cần chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i -ốt

3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i -ốt

3.1 Chuẩn bị

Người thực hiện: Đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

Phương tiện dùng để chụp chụp cắt lớp vi tính gồm có:

  • Máy cắt lớp vi tính, máy bơm tiêm điện chuyên dụng.
  • Phim chụp, máy in hình và hệ thống lưu trữ hình ảnh.
  • Thuốc đối quang iod tan trong nước.
  • Vật tư y tế bao gồm: Bơm kim tiêm(loại 10ml, 20ml, 50ml), kim tiêm luồn (18-20G), bơm tiêm dành cho máy bơm tiêm điện, dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý, găng tay, khẩu trang, bộ khay, bông gạc, khay quả đậu, kẹp phẫu thuật.
  • Hộp chống sốc, các loại thuốc và những dụng cụ cần thiết để xử trí tai biến trong trường hợp có bất thường khi người bệnh tiêm thuốc đối quang.

Người bệnh có thể sử dụng thuốc an thần trong trường hợp bị kích động
Người bệnh có thể sử dụng thuốc an thần trong trường hợp bị kích động

Người bệnh:

  • Người bệnh được giải thích rõ ràng về cách chụp và một số tai biến có thể xảy ra khi chụp để phối hợp với người chụp.
  • Tháo bỏ các vật dụng có thể gây ra nhiễu ảnh, ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh như khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc... (nếu có).
  • Cần nhịn ăn và uống trước khi chụp 4-6 giờ. Có thể uống nước nhưng không quá 50ml.
  • Người bệnh quá kích thích, lo lắng và sợ hãi không phối hợp khi chụp: Cho thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ điều trị trước khi chụp.

3.2 Các bước tiến hành

  • Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, hai tay giơ cao qua đầu, hướng dẫn người bệnh hít vào, nín thở nhiều lần với mức độ giống nhau để có được đúng các lớp cắt liên tiếp.
  • Đặt đường tiêm truyền, đảm bảo tĩnh mạch đủ lớn để chịu được áp lực cao và tốc độ tiêm nhanh, lắp vào máy bơm thuốc cản quang.
  • Chụp các lớp cắt liên tiếp, xoắn ốc trước khi tiêm thuốc cản quang từ đỉnh phổi đến hết góc sườn hoành, độ dày lớp cắt tùy thuộc vào kích thước tổn thương, từ 3-10mm.
  • Tiến hành tiêm thuốc cản quang bằng bơm tiêm điện, với liều lượng 1,5-2ml/kg cân nặng, tốc độ tiêm 3-5ml/s.
  • Chụp các lớp cắt liên tiếp lặp lại toàn bộ trường phổi sau tiêm thuốc cản quang bắt đầu chụp ở thời điểm 30 giây sau khi tiêm thuốc cản quang. Có thể thực hiện các lớp cắt ở thì muộn được thực hiện sau 3-10 phút tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Trong trường hợp u phế quản phổi cần cắt hết đến tuyến thượng thận để tìm di căn

Sau khi chụp và xác định hình ảnh chụp đạt tiêu chuẩn thì in hình ảnh hoặc chuyển ảnh sang trạm làm việc của bác sĩ để bác sĩ đọc phim.


Tiêm thuốc cản quang cho phép chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn
Tiêm thuốc cản quang cho phép chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn

3.3 Nhận định kết quả

  • Phim đạt tiêu chuẩn khi: Các lớp cắt cân xứng, hình ảnh rõ nét, phân biệt được nhu mô phổi, các thành phần của trung thất, hiển thị được sự thay đổi bất thường về tỷ trọng, hình thái phổi, trung thất và thành ngực.
  • Bác sĩ đọc tổn thương, mô tả trên máy tính và in kết quả.

4. Những tai biến khi chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc đối quang i -ốt

Những tai biến có thể xảy ra do thuốc cản quang:

  • Tình trạng phản vệ: Xuất hiện triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, nổi mẩn trên da thay đổi huyết áp, nặng thì rối loạn ý thức, khó thở...
  • Suy thận do thuốc cản quang
  • Cơn bão giáp trạng: Biểu hiện tăng nhiệt độ, nhịp tim nhanh, rối loạn cảm xúc, nếu không được phát hiện các dấu hiệu sẽ nặng hơn xuất hiện phù phổi, suy tim, hôn mê...nếu không điều trị có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ trước khi chụp.

Người bệnh có thể bị suy thận dưới tác dụng của thuốc cản quang
Người bệnh có thể bị suy thận dưới tác dụng của thuốc cản quang

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe