Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Tự kỷ là một nhóm những rối loạn phức tạp trong quá trình phát triển của bộ não. Trẻ bị tự kỷ thường lặp đi lặp lại một số động tác, thiếu thích nghi và thích thú, không biết vui đùa, cứng nhắc... Do đó, việc quan sát các hành vi của trẻ tự kỷ rất quan trọng để có biện pháp điều trị kịp thời.
1. Tự kỷ là gì?
Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ, một nhóm những rối loạn phức tạp trong quá trình phát triển của bộ não. Theo nghiên cứu của viện Sức khỏe Tâm thần Mỹ, rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là một rối loạn tâm thần thuộc loại phát triển thần kinh biểu hiệu từ rất sớm. Đây là một tình trạng khiếm khuyết phức tạp về các khả năng phát triển của não bộ, 75% tiến triển trong ba năm đầu đời của trẻ, thường xảy ra ở bất kỳ đứa trẻ nào, không phụ thuộc vào dân tộc, xã hội hay trình độ của cha mẹ.
Chứng tự kỷ là những rối nhiễu đặc hiệu trong việc không thể thiết lập mối quan hệ tương tác với xã hội bên ngoài, làm cho trẻ mất khả năng giao tiếp, đặc biệt là về phương diện ngôn ngữ và có thể gây tổn thương cho chính đứa trẻ vì những hành động tự gây hại, quậy phá đó. Vì vậy, nhận biết các dấu hiệu trẻ tự kỷ rất quan trọng để hỗ trợ điều trị kịp thời.
2. Quan sát các hành vi của trẻ tự kỷ
Các hành vi của trẻ tự kỷ gồm nhiều phương diện khác nhau, như ngôn ngữ, hành động, cảm xúc...
2.1. Biểu hiện của trẻ tự kỷ về mặt cảm xúc
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ không giao tiếp bằng mắt với mẹ, không nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó, thường lơ đễnh, không phân biệt được người quen và người lạ. Trẻ tự kỷ thường không theo mẹ, không bày tỏ yêu thương hay quyến luyến với mẹ, đặc biệt không biết vui mừng khi bố mẹ đi đâu về.
2.2. Các hành vi của trẻ tự kỷ về mặt ngôn ngữ
Một trong các hành vi của trẻ tự kỷ đó là nói những âm đơn điệu, không có ngữ điệu, hay nhại lời người khác và thường nói lẩm bẩm một mình, đôi khi phát ra những âm thanh vô nghĩa lặp đi lặp lại. Trẻ không biết bắt chước người lớn để làm cũng như nói theo và khi có bất kỳ nhu cầu gì trẻ không biết diễn đạt làm cho người lớn hiểu mình cần gì, phải gợi ý hướng dẫn nhiều lần trẻ mới có thể làm theo được.
2.3. Nhận biết dấu hiệu trẻ tự kỷ thông qua các hành vi
Biểu hiện của trẻ tự kỷ thường là cử động tay chân lặp lại hoặc rập khuôn, cuốn hút với các hoạt động, nghi thức:
- Thích chơi với một thứ.
- Quan tâm đến chi tiết của đồ chơi hơn là cách sử dụng đồ chơi thế nào.
- Thích hoạt động và chơi với đồ dùng trong nhà quá mức.
- Trẻ thích đu đưa thân mình, hoạt động chân tay quá mức.
- Hay thích đi trên đầu ngón chân.
- Trẻ tự kỷ rất ghét sự thay đổi và sẽ có phản ứng giận dữ hay rất hoảng sợ khi đồ đạc trong nhà thay đổi hoặc khi mẹ thay đổi kiểu tóc,...
- Đối với những kích thích từ môi trường bên ngoài, trẻ tự kỷ có khi đáp ứng quá mức hoặc kém đáp ứng. Trẻ có thể cảm thấy thú vị với những âm thanh nhỏ tự tạo ra như gõ vào đồ vật bên tai, gãi nhưng lại lờ đi những lời nói của cha mẹ,...
- Trẻ không biết sợ hãi khi gặp nguy hiểm, có thể tự gây thương tích cho mình như cào cấu, nhổ tóc, đánh vào đầu,...
- Trẻ có thể không ngủ vào ban đêm nhưng ban ngày vẫn tràn đầy năng lượng.
- Trẻ có thể có những rối loạn vận động như chậm đi do giảm trương lực cơ, cử động bất thường, đập đầu, nhăn nhó mặt, xua tay,...
Cho đến nay vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn chứng phổ tự kỷ, tuy nhiên trẻ tự kỷ khi được tiếp cận sớm các phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện và hòa nhập xã hội tốt hơn. Vì vậy, khi quan sát thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần cho con đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và can thiệp phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.