Sinh thiết gan là thủ thuật được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa, bằng cách dùng kim sinh thiết nhỏ để chọc qua da của người bệnh và lấy ra một ít nhu mô gan để làm xét nghiệm. Nhờ có xét nghiệm sinh thiết gan mà bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng, nguyên nhân bệnh lý và có phác đồ điều trị kịp thời.
1. Mục đích sinh thiết gan là gì?
Trong cơ thể người, gan đóng vai trò vô cùng quan trọng, gan sản xuất các protein và enzyme để hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất, gan giúp loại bỏ các chất độc hại trong máu, chống nhiễm trùng, đồng thời lưu trữ các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Mục đích của việc chỉ định xét nghiệm sinh thiết gan là để giúp các bác sĩ có thể xác định chính xác các bệnh lý về gan (ung thư gan, viêm gan A, B, C...) hoặc kiểm tra những triệu chứng trong cơ thể như:
- Đau bụng kéo dài
- Xét nghiệm thấy có bất thường ở gan
- Xuất hiện khối u ở hạ sườn phải
- Những kết quả xét nghiệm gan khác bình thường nhưng lại có khối u trong gan hoặc người bệnh sốt không rõ nguyên nhân
- Xét nghiệm sinh thiết gan để kiểm tra xem có phải bị ung thư gan không
Ngoài ra, xét nghiệm sinh thiết gan còn được chỉ định để chẩn đoán và theo dõi một số rối loạn ở gan như:
- Bệnh viêm gan tự miễn
- Viêm gan do rượu bia
- Gan ứ sắt
- Xơ gan ứ mật
- Gan nhiễm mỡ không do rượu
2. Quy trình sinh thiết gan như thế nào?
Trước khi tiến hành xét nghiệm sinh thiết gan, người bệnh cần chuẩn bị một số yêu cầu, tùy vào tình trạng bệnh lý ở người bệnh mà bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thăm khám toàn diện, ngưng sử dụng một số loại thuốc có khả năng ảnh hưởng đến quá trình đông máu (thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng hoặc thuốc chống đông máu...)
Ngoài ra, người bệnh cần tiến hành xét nghiệm máu trước khi thực hiện xét nghiệm sinh thiết gan. Không được uống rượu bia hoặc ăn trong vòng 8 giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Ngày đến làm xét nghiệm cần có người thân đi cùng.
2.1 Quá trình sinh thiết gan
Tùy vào loại sinh thiết gan mà bệnh nhân được chỉ định sẽ có cách tiến hành khác nhau, cụ thể:
- Xét nghiệm sinh thiết gan qua da: Sinh thiết gan qua da còn được gọi là sinh thiết kim, mô gan của người bệnh sẽ được lấy ra bằng một cây kim, vị trí đưa kim vào sẽ được giảm đau bằng cách gây tê.
- Xét nghiệm sinh thiết gan qua tĩnh mạch cảnh: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở cổ của người bệnh rồi đưa một ống nhựa thông qua đường rạch này để luồn xuống gan của người bệnh và lấy mẫu mô gan. Những người bị rối loạn chảy máu dưới chỗ gây tê sẽ được sử dụng phương pháp này.
Sau khi lấy được mẫu mô gan của người bệnh, bác sĩ sẽ gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm, người bệnh có thể chờ khoảng 1 vài tuần. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng và có phác đồ điều trị thích hợp cho người bệnh.
2.2 Lưu ý sau khi làm thủ thuật sinh thiết gan
Sau khi sinh thiết gan, người bệnh sẽ được đo huyết áp, đo mạch, độ bão hòa oxy trong máu và kiểm tra vị trí tiến hành sinh thiết có chảy máu không. Nếu tình trạng ổn định thì người bệnh sẽ được uống các chất lỏng, cũng có trường hợp không được ăn hoặc uống trong vòng 2 giờ sau khi tiến hành sinh thiết.
Người bệnh không được uống Aspirin hay bất cứ thuốc giảm đau chống viêm trong 1 tuần sau khi sinh thiết gan. Người bệnh cần nghỉ ngơi khoảng 6 -8 tiếng sau sinh thiết gan và thực hiện các hoạt động vệ sinh, ăn uống tại giường. Không uống rượu cùng với các thuốc có chứa acetaminophen sau khi sinh thiết gan. Trường hợp bệnh nhân đã trở về nhà và có các dấu hiệu bất thường sau thì cần thông báo cho bác sĩ ngay để có hướng xử trí kịp thời:
- Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu
- Nôn, đại tiện ra máu
- Chảy máu tại vị trí sinh thiết với số lượng lớn
- Bị đau vùng bụng giữa trên rốn, ngực hoặc vai
- Sốt cao kèm ớn lạnh
- Nhịp thở ngắn, nông, bất thường
3. Biến chứng cho thể xảy ra sau xét nghiệm sinh thiết gan
Mặc dù là thủ thuật tương đối an toàn nhưng xét nghiệm sinh thiết gan có thể gây ra một số biến chứng như:
- Đau tại vị trí sinh thiết, nếu đau quá thì người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Chảy máu tại vị trí sinh thiết gan, trường hợp chảy máu nhiều có thể người bệnh sẽ phải ở viện để truyền máu hoặc cần thiết thì phải phẫu thuật cầm máu (biến chứng hiếm gặp).
- Nhiễm trùng do vi khuẩn di chuyển vào khoang bụng hoặc máu, tuy nhiên trường hợp này hiếm gặp.
- Dị ứng với thuốc gây tê tại chỗ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.