Chôm chôm (Rambutan) là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Chôm chôm lấy tên từ tiếng Mã Lai có nghĩa là tóc, vì chúng có kích thước nhỏ bằng quả bóng gôn với vỏ kết hợp từ màu đỏ và xanh có nhiều lông, trông khá giống nhím biển. Khi ăn chôm chôm phần thịt quả màu trắng trong có vị ngọt nhẹ và có hạt ở giữa tâm. Bài viết dưới đây sẽ giải thích chôm chôm có tác dụng gì và quả chôm chôm có tốt không.
1. Cung cấp nhiều dinh dưỡng và chất chống oxy hóa
Quả chôm chôm rất giàu khoáng chất, vitamin và các hợp chất thực vật có lợi. Cụ thể:
- Chất xơ: Phần thịt quả cung cấp khoảng 1,3-2 gam hàm lượng chất xơ trên 100 gam - tương tự với hàm lượng có trong táo, cam hoặc lê.
- Vitamin C: Vitamin C có trong chôm chôm giúp cơ thể hấp thụ sắt từ thực phẩm dễ dàng hơn. Vitamin này cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào cơ thể bạn khỏi nguy cơ hư hại. Ăn 5-6 quả chôm chôm sẽ đáp ứng 50% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể.
- Đồng: Chôm chôm cũng chứa một lượng đồng đáng kể, giúp phát triển và duy trì sự tồn tại của các tế bào khác nhau, bao gồm cả xương, não và tim.
- Các khoáng chất khác: Chôm chôm cũng cung cấp một lượng nhỏ mangan, phốt pho, kali, magie, sắt và kẽm. Ăn 100 gam (hoặc khoảng 4 quả) sẽ đáp ứng 20% nhu cầu đồng hàng ngày và 2-6% lượng khuyến nghị hàng ngày của các chất dinh dưỡng khác.
Vỏ và hạt chôm chôm mặc dù cũng chứa một số chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và các hợp chất có lợi khác, tuy nhiên chúng cũng chứa một số hợp chất gây hại cho con người nên lời khuyên là tránh ăn hạt hoàn toàn để bảo đảm sức khỏe.
2. Thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động
Chôm chôm có thể thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh vì chúng có chứa cả 2 loại chất xơ:
- Chất xơ không hòa tan: chiếm 50% tổng lượng chất xơ, đi qua ruột mà không bị tiêu hóa, góp phần tăng trọng lượng phân và tăng tốc độ vận chuyển của ruột, nhờ đó giảm nguy cơ táo bón.
- Chất xơ hòa tan: Cung cấp thức ăn cho các lợi khuẩn trong đường ruột. Đổi lại, những vi khuẩn này tạo ra các axit béo chuỗi ngắn như Axetat, propionat và butyrate giúp nuôi các tế bào trong ruột, giảm viêm và cải thiện các triệu chứng của rối loạn đường ruột như: hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
3. Hỗ trợ giảm cân
Cũng như hầu hết các loại trái cây khác, ăn chôm chôm có thể ngăn ngừa tăng cân và thúc đẩy quá trình giảm cân theo thời gian. Với khoảng 75 calo và 1,3-2gam chất xơ có trong 100gam, chôm chôm tương đối ít calo so với lượng chất xơ mà nó cung cấp. Điều này có nghĩa ăn chôm chôm giúp bạn no lâu hơn, giảm khả năng ăn quá nhiều và hỗ trợ giảm cân.
Ngoài ra chất xơ hòa tan có trong chôm chôm có thể hòa tan với nước tạo thành hợp chất giống như gel trong ruột, làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, giúp bạn giảm cảm giác thèm ăn và no lâu hơn.
4. Hỗ trợ chống nhiễm trùng
Ăn chôm chôm có thể giúp hệ thống miễn dịch mạnh hơn theo nhiều cách. Cụ thể:
- Chôm chôm rất giàu vitamin C, loại vitamin này thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu mà cơ thể cần để chống lại nhiễm trùng.
- Vỏ chôm chôm đã được dùng từ rất lâu để chống lại nhiễm trùng, bởi chúng có chứa các hợp chất có thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng do virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, dù vẫn có một số người ăn vỏ nhưng đa phần vỏ chôm chôm thường được coi là không ăn được.
5. Cách ăn chôm chôm
Chôm chôm có thể được mua ở dạng tươi, đóng hộp, dạng nước ép hoặc sấy khô làm mứt. Nếu muốn lựa quả chôm chôm tươi, để chắc chắn quả đã chín bạn có thể dựa trên màu sắc gai của nó. Gai chôm chôm càng đỏ thì quả sẽ càng chín ngọt.
Bạn nên loại bỏ vỏ chôm chôm trước khi ăn bằng cách dùng dao cắt ngang vỏ, sau đó xoáy 2 bên vỏ bằng hai tay để lộ phần thịt quả màu trắng bên trong. Phần thịt quả có thể ăn được trong khi hạt chôm chôm thì không. Bạn có thể loại bỏ hạt bằng dao hoặc nhổ sau khi đã ăn phần thịt quả.
Phần thịt quả chôm chôm có thể kết hợp trong nhiều công thức nấu ăn, làm salad, sinh tố, kem, bánh khác nhau...
Nhìn chung, chôm chôm là loại trái cây rất bổ dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: Giảm cân, kích thích tiêu hóa và tăng khả năng chống nhiễm trùng. Mùa chôm chôm chín thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch, vào những thời điểm này ăn chôm chôm rất tươi ngon và giá thành rẻ, rất dễ kết hợp trong chế độ ăn của con người.
Quý khách vui lòng theo dõi website (www.vinmec.com) để có thêm thông tin hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe sẽ được chúng tôi cập nhật thường xuyên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Healthline.com