Polyp túi mật: Sự lo lắng khả năng ung thư hoá

Polyp túi mật là một tình trạng khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ. Khi phát hiện polyp ở túi mật, nỗi lo lớn nhất của người bệnh là liệu polyp có thể tiến triển thành ung thư hay không. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu sâu hơn về vấn đề này.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS, BS Bùi Xuân Trường - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

1. Polyp túi mật là gì?

Polyp túi mật là thuật ngữ y học dùng để chỉ các hình thái tổ chức phát triển từ thành túi mật và nhô vào bên trong lòng túi mật. Những hình thái tổ chức này có cấu trúc khác nhau, có thể là lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư).  

Hơn 95% các trường hợp polyp túi mật là lành tính, trong đó phổ biến nhất (chiếm 40-70%) là polyp cholesterol – do sự tích tụ cholesterol, một loại chất béo có trong màng tế bào và lưu hành trong máu với nồng độ nhất định. Các dạng polyp khác bao gồm polyp do viêm, polyp tăng sinh tuyến và polyp có nguồn gốc từ mô mỡ, cơ mỡ, cơ tuyến hoặc dị dạng mạch máu.

2. Các triệu chứng của bệnh

Số lượng và kích thước polyp túi mật khá đa dạng nhưng phổ biến nhất là trường hợp chỉ xuất hiện một polyp với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc polyp có kích thước lớn lên đến 20-40 mm, thậm chí có cả polyp và sỏi túi mật cùng tồn tại.  

Hầu hết các trường hợp polyp xuất hiện ở túi mật không gây triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện tình cờ trong các đợt khám sức khỏe định kỳ hoặc khi khám vì lý do khác. Chỉ khoảng 6-7% bệnh nhân có triệu chứng, phổ biến nhất là cảm giác đau tức ở vùng dưới sườn phải hoặc trên rốn. Một số ít bệnh nhân có thể gặp tình trạng buồn nôn, nôn, chậm tiêu và co cứng nhẹ ở vùng dưới sườn phải. 

Polyp túi mật gây ra đau tức dưới sườn phải hoặc trên rốn.
Polyp túi mật gây ra đau tức dưới sườn phải hoặc trên rốn.

3. Nguyên nhân gây polyp túi mật

Nhiều yếu tố như chức năng gan mật, nồng độ đường và mỡ trong máu, béo phì, thói quen ăn uống và nhiễm vi rút viêm gan đã được nghiên cứu để tìm hiểu về mối liên hệ với sự hình thành polyp túi mật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh mối tương quan giữa các yếu tố này với sự hình thành polyp túi mật.  

Với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI), việc chẩn đoán polyp túi mật đã trở nên dễ dàng và chính xác hơn.

4. Polyp túi mật có phải cắt bỏ túi mật không?

95% polyp túi mật là lành tính (không phải ung thư), vì vậy hầu hết các trường hợp không cần can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ túi mật. Người bệnh hoàn toàn có thể chung sống an toàn với polyp ở túi mật. Túi mật là một phần quan trọng của hệ thống dẫn mật, giúp điều hòa quá trình bài tiết mật và hỗ trợ tiêu hóa, do đó túi mật không nên cắt bỏ khi chưa có chỉ định y khoa rõ ràng.

5. Polyp túi mật có tiến triển thành ung thư không?

Theo nghiên cứu trên tổng số 5.482 trường hợp mắc polyp ở túi mật thì có khoảng 64 trường hợp là u tuyến hoặc khối u ác tính, chiếm tỷ lệ 0,6%. Polyp có khả năng tiến triển thành khối u ác tính cao khi đường kính vượt quá 1 cm, với tỷ lệ từ 6 – 36%. Đặc biệt, các polyp có đường kính trên 12 mm đã được chứng minh chứa tế bào ung thư.  

Do đó, khả năng polyp túi mật tiến triển thành ung thư hay không phụ thuộc vào kích thước của polyp. Phần lớn các trường hợp polyp có kích thước lớn hơn 1,5 cm, đặc biệt có cấu trúc không cuống và đơn độc, đều liên quan đến nguy cơ ung thư.

Ngoài kích thước, các yếu tố quan trọng khác cần được bác sĩ theo dõi bao gồm:

  • Hình dạng polyp.
  • Số lượng polyp.
  • Sự xuất hiện của sỏi mật.
  • Bệnh nhân có mắc bệnh viêm đường mật xơ cứng nguyên phát không.

6. Những câu hỏi cần lưu ý khi thăm khám

Trong thực tế, mối quan tâm lớn nhất của bệnh nhân là liệu polyp ở túi mật có khả năng tiến triển thành ung thư hay không. Đây là điều mà các bác sĩ cần chú ý và tư vấn cẩn thận cho bệnh nhân. Nếu polyp xuất hiện ở túi mật, khi đi khám sức khỏe, bệnh nhân nên đặt ra những câu hỏi sau:

  • Nên theo dõi và tái khám định kỳ với tần suất như thế nào? (3 tháng/lần, 6 tháng/lần hay 12 tháng/lần)
  • Bệnh nhân có polyp đơn lẻ hay nhiều polyp trong túi mật?
  • Kích thước của polyp là bao nhiêu? Nếu có nhiều polyp, kích thước của polyp lớn nhất là bao nhiêu?
  • Tình trạng thành túi mật hiện ra sao?
  • Bệnh nhân có bị sỏi túi mật kèm theo polyp không?
  • Polyp túi mật có cuống hay không?
  • Nếu kích thước polyp túi mật lớn hơn 10 mm, bệnh nhân cần làm thêm những xét nghiệm nào?
  • Nhiều bác sĩ cho rằng polyp ở túi mật nhỏ hơn 10 mm không có nguy cơ ung thư hóa, điều này có đúng không? 
Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn cẩn thận để điều trị đúng hướng.
Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn cẩn thận để điều trị đúng hướng.

Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu, bác sĩ chuyên khoa sẽ cung cấp những tư vấn chính xác, giúp bệnh nhân an tâm và tránh việc lo lắng quá mức, cũng như không vội vàng tiến hành cắt bỏ túi mật khi chưa thật sự cần thiết. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe