Phương pháp phục hồi chân sau bị gãy xương đùi đóng đinh nội tủy ?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị gãy xương đùi đóng đinh nội tủy, bác sĩ bảo 50/50 nhưng bác sĩ có nói là có khả năng liền. Nay được 5 tháng, cháu cảm thấy chân không còn đâu như lúc trước nhưng thấy chân còn yếu, việc cháu đi xe máy có ảnh hưởng gì đến chỗ gãy không? Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu thêm về phương pháp phục hồi chân sau bị gãy xương đùi đóng đinh nội tủy ?

Phạm Ngọc Khiêm(2000)

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi: “Phương pháp phục hồi chân sau bị gãy xương đùi đóng đinh nội tủy ?” bác sĩ xin được giải đáp như sau:

Hầu hết gãy thân xương đùi dù được giải quyết bằng đóng đinh nội tủy, cố định bằng nẹp vis hay sử dụng khung cố định ngoài đều cần từ 4-6 tháng để liền xương hoàn toàn, một số trường hợp có thể kéo dài lâu hơn đặc biệt khi gãy hở, gãy phức tạp hay gãy nhiều mảnh. Các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nên vận động chân sớm trong giai đoạn hồi phục, tuy nhiên tuân thủ các hướng dẫn về việc khi nào được chịu trọng lượng trên chân bị thương hoặc chịu bao nhiêu phần trăm sức nặng hết sức quan trọng để tránh xảy ra các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng đến tiến trình liền xương. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Chương trình tập luyện sau khi đóng đinh nội tủy xương đùi bình thường như sau:

  • Ngày đầu sau mổ: tập thở để ngăn ngừa biến chứng phổi sau hậu phẫu, tự cử động bàn chân, cổ chân để gia tăng tuần hoàn chi.
  • Ngày 2: Co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ mông lớn. Tập chủ động tự do các cơ thân mình, chân lành và tiếp tục tập như với ngày thứ nhất.
  • Ngày 3-4: Tập như với ngày thứ nhất và hai . Tập chủ động trợ giúp nhẹ nhàng đối với cử động của khớp hông. Không làm động tác xoay trong, xoay ngoài. Tập chủ động trợ giúp gập gối trong giới hạn tầm độ mà bệnh nhân chịu được. Tập chủ động có lực kháng các chi lành.
  • Tuần thứ 2: Sau khi cắt chỉ tiếp tục tập như tuần thứ nhất. Tập đi nạng không chống chân đau.
  • Tuần thứ 3 trở đi: Tập các động tác chủ động tăng tiến. Tập chủ động có trở kháng bằng tay kỹ thuật viên. Tập chủ động có trở kháng cho nhóm cơ ụ ngồi và cơ tứ đầu đùi. Tập gập duỗi, dang áp khớp hông. Hướng dẫn đi nạng chịu một phần sức nặng ở tuần thứ 6.
  • Tuần 12: Có thể bỏ nạng hoàn toàn nếu cơ lực phục hồi và xương liền tốt sau kiểm tra X-quang. Tập xe đạp khi tầm vận động khớp gối đạt 90 độ.

Bạn đã phẫu thuật được 5 tháng, như vậy có thể can xương đã liền vững, tuy nhiên ta chỉ có thể xác định tình trạng can xương đã liền vững hay chưa bằng chụp XQ để kiểm tra lại căn xương chân bị thương .Nếu can xương vững, tình trạng chân yếu là do cơ bị teo yếu do giảm vận động trong một thời gian dài. Trong trường hợp này bạn nên tới bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra lại căn xương được hướng dẫn tập luyện tăng sức cơ chân bị thương bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe