Phương pháp di chuyển nạn nhân an toàn khỏi hiện trường tai nạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khi gặp người bị tai nạn giao thông, đa phần mọi người đều muốn nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên việc di chuyển bệnh nhân gặp tai nạn không đúng cách trong một số trường hợp sẽ dẫn đến tình trạng chấn thương tồi tệ hơn. Vậy làm thế nào để di chuyển bệnh nhân tai nạn cũng như sơ cứu người bị tai nạn giao thông đúng cách?

1. Nguyên tắc di chuyển bệnh nhân tai nạn

Di chuyển bệnh nhân tai nạn đúng cách là điều vô cùng quan trọng trong cấp cứu. Nhiều trường hợp các chấn thương của người gặp nạn nghiêm trọng hơn do cách di chuyển không đúng gây ra nhiều rắc rối cho bác sĩ trong quá trình điều trị. Sau đây là một số nguyên tắc di chuyển bệnh nhân tai nạn bạn nên biết:

  • Chỉ di chuyển nạn nhân khi thực sự cần thiết.
  • Chú ý đảm bảo an toàn cho nạn nhân và cho cả người thực hiện.
  • Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần giải thích cho nạn nhân để nhận được sự phối hợp tốt nhất.
  • Chỉ di chuyển nạn nhân một mình nếu không tìm được người giúp sức
  • Hướng dẫn những người phụ giúp để có sự phối hợp hiệu quả.
  • Khi có nhiều người thực hiện di chuyển nạn nhân, chỉ có một người được chỉ huy, hướng dẫn các thao tác di chuyển bệnh nhân tai nạn bằng lời nói.
  • Thực hiện đúng kỹ thuật để tránh cho bản thân bạn khỏi bị tổn thương khi vận chuyển nạn nhân

2. Sơ cứu người bị tai nạn giao thông tạm thời

Sơ cứu tạm thời là bước quan trong trọng trong quá trình cấp cứu tai nạn giao thông. Sơ cứu người bị tai nạn giao thông đúng cách sẽ giúp các chấn thương được ổn định, giảm thiểu tối đa các rủi ro. Trên thực tế rất nhiều ca tai nạn giao thông bệnh nhân không gặp nguy hiểm đến tính mạng là nhờ vào được sơ cứu kịp thời, tránh được thời điểm nguy hiểm nhất. Sau đây là một số kỹ năng sơ cứu cơ bản nhất bạn nên biết:

  • Kiểm tra hô hấp của nạn nhân: Kiểm tra xem bệnh nhân có còn thở không, nếu có các dị vật gây cản trở đường hô hấp thì phải nhanh chóng lấy ra. Hạn chế người vây quanh để bệnh nhân có không gian dễ thở. Trường hợp bệnh nhân bị quá nặng thì phải thực hiện hô hấp nhân tạo cho họ.
  • Cầm máu cho nạn nhân: Nếu để máu chảy quá nhiều nạn nhân có thể bị sốc do mất máu. Cần phải tiến hành cầm máu cho bệnh nhân ngay, có thể sử dụng khăn sạch để buộc chặt khu vực bị chảy máu. Một số trường hợp người gặp nạn bị vật nhọn cắm vào cơ thể thì tuyệt đối không được rút ra khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì điều này có nguy cơ làm máu chảy nhiều hơn.
  • Nạn nhân bị gãy xương: Cố định tạm thời vùng bị gãy bằng nẹp gỗ hoặc tre... Hạn chế di chuyển bệnh nhân để tránh tổn thương các mạch máu, thần kinh cơ.
  • Nạn nhân bị chấn thương ở đầu: Đây là chấn thương nguy hiểm, không nên tự ý di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân ở khu vực thoáng khí, giữ ấm cho bệnh nhân để tránh nhồi máu cơ tim.
  • Nạn nhân có biểu hiện nôn ói, co giật: Nâng đầu bệnh nhân và nới lỏng quần áo và để bệnh nhân nghiêng sang một bên. Nếu bệnh nhân co giật dữ dội thì nên cho bệnh ngậm một vật nào đó để tránh cắn vào lưỡi.

Sơ cứu tạm thời là bước quan trong trọng trong quá trình cấp cứu tai nạn giao thông
Sơ cứu tạm thời là bước quan trong trọng trong quá trình cấp cứu tai nạn giao thông

3. Kỹ thuật di chuyển bệnh nhân tai nạn bằng tay

3.1 Trường hợp có một người cứu

Phương pháp nạng người: Áp dụng trong trường hợp nạn nhân chỉ bị tổn thương ở một chân như vết thương phần mềm, hoặc dãn dây chằng, hoặc bong gân gót chân ... nạn nhân còn tỉnh táo, hợp tác tốt và có thể bước đi được nhưng khó khăn.

Các bước thực hiện bao gồm:

  • Bước 1: Dìu nạn nhân đứng dậy, nắm chặt cổ tay nạn nhân và choàng sang cổ bạn. Chú ý bạn nên đứng cùng phía với chân bị tổn thương của nạn nhân.
  • Bước 2: Quàng tay của bạn sang eo bên kia của nạn nhân và nắm chặt cạp quần của nạn nhân để giữ cho nạn nhân thẳng người trong lúc di chuyển.
  • Bước 3: Tiến lên bước đầu tiên bằng chân phía bên nạn nhân. Di chuyển từng bước nhỏ và theo nhịp với sải chân của nạn nhân. Nếu có thể, bạn nên dùng gậy chống để giúp nạn nhân vững hơn; đồng thời tìm cách trấn an nạn nhân.

Phương pháp kéo: Thường áp dụng trong trường hợp thật sự khẩn cấp, chỉ cần di chuyển nạn nhân một đoạn đường ngắn, mục đích để vận chuyển nhanh chóng nạn nhân ra khỏi khu vực cực kỳ nguy hiểm như cháy, nổ...

Để thực hiện phương pháp này, bạn ngồi sau lưng nạn nhân sau đó luồn hai tay của bạn qua hai bên nách ra phía trước nắm lấy vai nạn nhân rồi kéo nạn nhân lùi về phía sau. Có thể dùng hai bàn tay cố định đầu nạn nhân nếu nghi ngờ có tổn thương. Nếu nạn nhân đang mặc loại áo có độ dày và dai, bạn có thể nắm vai lấy áo của nạn nhân để kéo đi hoặc đặt nạn nhân vào tấm bạt, chăn, ga để kéo nạn nhân đi.

Phương pháp cõng: Áp dụng trong trường hợp nạn nhân nhẹ cân, tỉnh táo, hợp tác tốt, không bị tổn thương cột sống, không bị choáng; không bị gãy xương chi, gãy xương chậu.

Các bước thực hiện bao gồm:

  • Bước 1: Nâng nạn nhân ngồi dậy.
  • Bước 2: Người cứu ngồi trước mặt nạn nhân, xoay lưng về nạn nhân.
  • Bước 3: Choàng hai tay nạn nhân qua cổ người cứu, một bàn tay của nạn nhân nắm chặt cổ tay phía bên kia.
  • Bước 4: Hai tay người cứu luồn dưới chân nạn nhân và giữ chặt.
  • Bước 5: Người cứu dạng hai chân bằng vai, từ từ đứng dậy và cõng nạn nhân đi.

Phương pháp bế ẵm : Áp dụng trong trường hợp nạn nhân nhẹ cân (ví dụ: trẻ em), tỉnh táo, hợp tác tốt, không bị tổn thương cột sống, không bị choáng, không bị gãy xương chi, xương chậu...

Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Người cứu ngồi bên cạnh nạn nhân.
  • Bước 2: Vòng tay nạn nhân ôm lấy cổ người cứu, một bàn tay của nạn nhân nắm chặt cổ tay phía bên kia.
  • Bước 3: Một tay người cứu đỡ khoeo chân của nạn nhân. Tay kia ôm ngang lưng vòng sang nách nạn nhân.
  • Bước 4: Người cứu dạng hai chân bằng vai, từ từ đứng dậy và bế nạn nhân đi.

3.2 Trường hợp có hai người cứu

Phương pháp ngồi hai tay bắt chéo: Áp dụng trong trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo, hợp tác tốt, ngồi được, không bị tổn thương cột sống, không bị choáng, không bị gãy xương chi, xương chậu...

Các bước thực hiện bao gồm:

  • Bước 1: Nâng nạn nhân ngồi dậy.
  • Bước 2: Hai người cứu ngồi xổm hai bên nạn nhân, bắt chéo tay sau lưng và nắm lấy cạp quần của nạn nhân. Luồn tay kia phía dưới đầu gối nạn nhân, người này nắm lấy cổ tay người kia.
  • Bước 3: Ôm chặt người nạn nhân, hai người cứu cùng đứng dậy nâng nạn nhân lên. Di chuyển nạn nhân đến khu vực an toàn

Phương pháp khiêng: Áp dụng trong trường hợp nạn nhân không bị tổn thương cột sống, không bị choáng, không bị gãy xương chi, xương chậu, không bị tổn thương vùng vai ...

  • Bước 1: Nâng nạn nhân ngồi dậy. Một người ngồi phía sau lưng nạn nhân, luồn hai tay qua nách, nắm chặt lấy hai cổ tay nạn nhân.
  • Bước 2: Người kia luồn hai tay dưới đầu gối nạn nhân.
  • Bước 3: Cùng lúc hai người cùng đứng dậy nâng nạn nhân lên.
  • Bước 4: Di chuyển nạn nhân ra khu vực an toàn

Việc di chuyển bệnh nhân gặp tai nạn không đúng cách trong một số trường hợp sẽ dẫn đến tình trạng chấn thương tồi tệ hơn
Việc di chuyển bệnh nhân gặp tai nạn không đúng cách trong một số trường hợp sẽ dẫn đến tình trạng chấn thương tồi tệ hơn

4. Kỹ thuật di chuyển bệnh nhân tai nạn bằng ghế

Dụng cụ cần có: Ghế khiêng là ghế có bánh xe đẩy và có dải băng để buộc nạn nhân vào thành ghế. Có thể thay bằng ghế thường và dùng một cuộn băng lớn hoặc dây chắc để buộc giữ nạn nhân vào thành ghế.

Áp dụng trong trường hợp: Nạn nhân tỉnh táo, không bị tổn thương cột sống, không bị choáng, không bị gãy xương chi, xương chậu... Nạn nhân hôn mê, không thể áp dụng các biện pháp vận chuyển khác như đã nói ở trên, không có cáng vận chuyển.

Các bước thực hiện bao gồm:

  • Bước 1: Kiểm tra độ vững chắc của ghế trước khi sử dụng
  • Bước 2: Đặt nạn nhân ngồi lên ghế, hai tay bắt chéo phía trước, dùng cuộn băng lớn hoặc sợi dây quấn quanh ngực và buộc chắc chắn nạn nhân vào thành ghế.
  • Bước 3: Hai người cứu, một người đi trước, một người đi sau. Ngả ghế về phía sau. và cầm hai tay kéo để kéo nạn nhân đi, hoặc khiêng nạn nhân đến nơi an toàn

5. Kỹ thuật di chuyển bệnh nhân tai nạn bằng cáng cứu thương


Cần lưu ý trong quá trình di chuyển tư thế nạn nhân luôn thẳng, không được gấp cột sống vì có thể gây tổn thương cột sống cho nạn nhân
Cần lưu ý trong quá trình di chuyển tư thế nạn nhân luôn thẳng, không được gấp cột sống vì có thể gây tổn thương cột sống cho nạn nhân

Kỹ thuật di chuyển bệnh nhân tai nạn bằng cáng cứu thương được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân trong trạng thái hôn mê, không tỉnh táo để phối hợp với người khác
  • Chấn thương sọ não, chấn thương bụng, chấn thương ngực ...
  • Chấn thương cột sống, đặc biệt là cột sống cổ sau khi đã được nẹp cố định.
  • Gãy xương đùi, cẳng chân sau khi đã nẹp cố định xương gãy.
  • Đa chấn thương, choáng váng
  • Vận chuyển bệnh nhân trong quãng đường dài.

Sau đây là các bước vận chuyển nạn nhân lên trên cáng đúng cách:

  • Bước 1: Ba hoặc bốn người ngồi một phía hoặc hai phía nạn nhân. Luồn tay tại các vị trí: dưới cổ, dưới lưng, dưới thắt lưng, ngang mông, dưới cẳng chân nạn nhân.
  • Bước 2: Đếm 1, 2, 3 cùng nâng nạn nhân đặt lên gối của người cứu. Đồng thời một người đặt cáng vào phía dưới nạn nhân.
  • Bước 3: Đếm 1, 2, 3 tất cả cùng đưa nạn nhân từ gối những người cứu sang cáng. Dùng dây buộc cố định nạn nhân vào cáng, tránh tình trạng xô lệch trong quá trình di chuyển.

Chú ý: tư thế nạn nhân luôn thẳng, không được gấp cột sống vì có thể gây tổn thương cột sống cho nạn nhân.

Cách khiêng cáng:

  • Có thể hai người hoặc bốn người khiêng, trong đó có một người có vai trò chỉ huy.
  • Nạn nhân đặt nằm trên cáng, chân hướng về phía trước, đầu phía sau.
  • Người khiêng ở gần phía đầu của nạn nhân phải theo dõi tình trạng của nạn nhân (quan sát mặt nạn nhân). Nếu có trạng thái bất thường phải kiểm tra và xử lý.
  • Trong khi khiêng cáng không được dừng lại đột ngột, hoặc để cáng bị va chạm ảnh hưởng đến nạn nhân.
  • Khi khiêng cáng, thường xuyên giữ cáng ở tư thế ngang bằng, tránh tuột ngã, nếu gặp địa hình đặc biệt như lên hoặc xuống dốc, hoặc chướng ngại vật v.v.... cần thay đổi cách cáng để vẫn đảm bảo giữ cáng ở tư thế ngang bằng.
  • Đặt cáng xuống nhẹ nhàng, trước khi hạ cáng xuống, những người khiêng cáng nên ngồi xổm.

Các trường hợp sơ cứu người bệnh bị tai nạn giao thông đều cần đến sự cẩn trọng, khéo léo, đúng quy trình để tổn thương không nặng nề hơn. Vì thế, nắm được thông tin về những phương pháp di chuyển nạn nhân an toàn khi ra khỏi hiện trường tai nạn sẽ giúp mỗi người có thêm kiến thức để sử dụng trong các trường hợp nguy cấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe