Phục hồi chức năng xơ hóa cơ Delta

Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Xơ hoá cơ Delta là tình trạng bệnh lý mà các sợi cơ trong cơ Delta bị biến đổi thành các dải xơ, làm co rút cơ Delta và gây ra các biến dạng thứ phát, làm thay đổi ngoại hình của vai, ảnh hưởng đến chức năng vùng vai và tính thẩm mỹ của cơ thể. Chúng làm cho nhiều người lầm tưởng đây là khuyết tật và không thể điều trị. Thực tế, phục hồi chức năng xơ hoá cơ Delta không quá khó khăn, vì thế bệnh nhân nên được can thiệp sớm khi các biến dạng thứ phát chưa xuất hiện.

1. Xơ hoá cơ Delta

Xơ hoá cơ Delta là bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp vai. Đặc điểm của nó làm cho người bệnh không có khả năng đưa cánh tay tiếp xúc với ngực ở vị trí giải phẫu của xương bả vai. Bệnh có thể là do bẩm sinh hoặc mắc phải. Những trường hợp mắc phải xơ hoá cơ Delta có thể là do bệnh nhân có tiền sử tiêm bắp nhiều lần trong cơ Delta.

Xơ hoá cơ Delta có quá trình diễn biến từ từ, các tế bào cơ chuyển dần thành tế bào xơ do các tác nhân hoá lý như chấn thương (làm dập cơ), chảy máu tại chỗ, phù nề (không nuôi dưỡng các tổ chức cơ) hoặc do các tác nhân hoá học làm thay đổi các chất dinh dưỡng cũng như quá trình chuyển hoá của tế bào cơ. Kết cục của tình trạng này sẽ làm mất đi khả năng đàn hồi của cơ, gây co kéo và mất đi chức năng vận động của cơ.

Tình trạng xơ hoá cơ Delta có thể dễ dàng bị chẩn đoán nhầm là trật khớp vai trước, liệt cổ trước. Cho nên, chẩn đoán chính xác xơ hoá cơ Delta sẽ giúp điều chỉnh nó hiệu quả hơn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu.


Xơ hóa cơ Delta làm mất khả năng vận động của khớp vai
Xơ hóa cơ Delta làm mất khả năng vận động của khớp vai

2. Chẩn đoán bệnh

2.1. Chẩn đoán xác định

Thăm khám tiền sử bệnh: Chấn thương, viêm nhiễm vùng vai khớp, tiêm kháng sinh hoặc vắc xin, thời gian xuất hiện biến dạng.

Lượng giá chức năng lâm sàng: Để thực hiện được quá trình này bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu nổi bật dễ nhận biết nhất của xơ hoá cơ Delta qua đánh giá vận động khớp, sờ nắn vùng vai khớp...

Quan sát khớp vai: Đầu tiên sẽ quan sát từ phía trước là các mỏm cùng (vai hạ thấp, đầu trên xương các nhánh nhô ra trước).Tiếp đến quan sát cánh tay và khuỷu tay các vết lõm trên bề mặt da, rãnh lõm dọc theo thân cơ (bó giữa của cơ Delta)

Quan sát từ phía sau: xương bả vai bên khi bị xơ hoá sẽ kéo xuống thấp, bờ trong xương bả vai bị bong ra khỏi thành sau ngực, cực dưới xương bả vai có thể bị xoay ra ngoài. Thêm vào đó, gai sau xương bả vai nhô cao.

Người bệnh không khép được cánh tay vào sát thân mình khi ở tư thế nghỉ, hai khuỷu tay khó hoặc không thể chạm vào nhau khi đưa cánh tay ra trước trong tư thế khuỷu gấp. Xương bả vai nhô cao và xoay ngoài hình cánh chim.

Vận động khép khớp vai. Góc cánh tay - thân là góc có tính quyết định để đánh giá xơ hoá cơ Delta. Nếu góc này lớn hơn 25 độ thì nó sẽ là một trong các chỉ số quyết định điều trị phẫu thuật.

Vận động khép ngang vai. Mức độ xơ hoá cơ Delta có thể hạn chế vận động khép khớp trên mặt phẳng ngang vai dưới 90 độ và thậm chí dưới 45 độ.

Vận động dạng khớp vai. Bệnh có thể hạn chế vận động khớp vai dưới 90 độ, thậm chí cột sống có thể nghiêng sang bên cùng.

Dựa vào kết quả khám sơ bộ thì bác sĩ có thể đưa ra một số chỉ định xét nghiệm như: Siêu âm (Có thể thấy được dải xơ vùng cơ Delta, kích thước đường kính dưới 1cm và có chiều dài khoảng 6-8cm); Chụp Xquang. Quan sát hình ảnh trật khớp vai; Điện cơ đồ )Xét nghiệm này sẽ xác định xem có tổn thương thần kinh ngoại vi chi phối vận động cơ hay không); Men cơ ( định lượng Creatinin Phosphokinase để xác định có tình trạng tiêu huỷ tế bào cơ hay không); giải phẫu bệnh (đánh giá tình trạng thoái hoá cơ hoặc xâm lấn của các thế bào xơ thay thế tế bào cơ)


Thực hiện vận động khép khớp vai để đánh giá tình trạng bệnh
Thực hiện vận động khép khớp vai để đánh giá tình trạng bệnh

Chẩn đoán xác định xơ hóa cơ Delta bằng hình ảnh
Chẩn đoán xác định xơ hóa cơ Delta bằng hình ảnh

2.2. Chẩn đoán phân biệt

Một số bệnh lý liên quan đến thần kinh cơ và vùng khớp vai cần được chẩn đoán phân biệt như: bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, loạn dưỡng cơ tuỷ, bệnh cứng đa khớp bẩm sinh, liệt đám rối thần kinh cánh tay.

3. Nguyên tắc phục hồi chức năng xơ hoá cơ Delta

Điều trị phục hồi chức năng xơ hoá cơ Delta là dựa vào sự tăng cường vận động khớp vai và khuỷu tay. Đồng thời, chống xơ hoá và teo cơ vùng khớp vai.

Một số phương pháp và kỹ thuật thường sử dụng cho quá trình phục hồi xơ hoá cơ Delta:

  • Vật lý trị liệu bằng hồng ngoại: điện cao tần và siêu âm. Phương pháp này áp dụng sau mổ cơ Delta 72 giờ và đây là giai đoạn chuẩn bị trước khi bước vào quá trình luyện tập.
  • Các bài tập vận động: Các bác sĩ sẽ dựa vào tình hình cụ thể của từng bệnh nhân để đưa ra chỉ định các bài tập vận động để phục hồi chức năng xơ hoá cơ Delta. Bệnh nhân sẽ được các kỹ thuật viên hướng dẫn các bài tập như: tập khớp vai-tay, xoay đầu xương cánh tay, tập xoay ngoài cánh tay, tập vận động kết hợp gấp khép và xoay ngoài, tập khép ngang vai, tập xoay ngoài cánh tay, vận động kết hợp gấp khép và xoay ngoài, vận động khép ngang cánh tay trong tư thế ngồi.

Sau quá trình phục hồi chức năng xơ hoá cơ Delta thì bệnh nhân vẫn được theo dõi và tái khám sau 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 36 tháng để đảm bảo rằng sẽ không tái phát các tình trạng xơ hoá cơ, hạn chế vận động hay biến dạng khớp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec không chỉ nổi tiếng là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa nhiều căn bệnh mà còn nổi tiếng với các dịch vụ y tế hoàn hảo, không gian hệ thống bệnh viện đạt chuẩn, có đầy đủ các loại máy móc phục vụ công tác thăm khám, phục hồi sức khỏe.

Quý khách có nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh tại Vinmec có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình đã có 30 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành Phục hồi chức năng, đặc biệt có kinh nghiệm trong Phục hồi chức năng các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh, cột sống của người lớn và trẻ em. Hiện tại, là bác sĩ Phục hồi chức năng thuộc Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chữa bệnh có thể trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ theo số hotline TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe