Bé bị trật khớp háng bẩm sinh có thể đi lại bình thường nếu được nhận biết và can thiệp sớm. Trật khớp háng ở trẻ sơ sinh khi được phục hồi chức năng kịp thời sẽ tránh được việc phải phẫu thuật, tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật trật khớp háng thường không cao, chỉ khoảng 60%.
1. Trật khớp háng ở trẻ sơ sinh là gì?
Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là tình trạng chỏm xương đùi 1 bên hoặc cả 2 bên khớp háng của trẻ bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng. Bình thường chỏm xương đùi của trẻ sơ sinh phải nằm trong ổ khớp, bé bị trật khớp háng được xác định là khi chỏm xương đùi không nằm trong ổ khớp.
Tỷ lệ mắc trật khớp háng ở trẻ sơ sinh khoảng 1-2/1000, tức là cứ 1.000 trẻ sơ sinh sống thì có khoảng 1–2 trẻ mắc dị tật trật khớp háng bẩm sinh. Tình trạng trật khớp háng ở trẻ thường xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn là trẻ gái (gấp 2 lần).
2. Trật khớp háng ở trẻ sơ sinh ảnh hưởng như thế nào?
Khi trẻ bị trật khớp háng, bé có thể gặp phải một số tình trạng sau:
- Trật khớp háng ở trẻ sơ sinh ảnh hưởng đến vận động: khi trẻ biết đi thường bị lệch người, dáng đi rất xấu.
- Bé bị trật khớp háng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý: khi trật khớp háng không được thực hiện phục hồi chức năng sớm, trẻ thường có cảm giác tự ti, xấu hổ, không mạnh dạn tham gia vào các hoạt động vui chơi, học tập, thể dục thể thao khi còn nhỏ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến việc tìm kiếm việc làm và xây dựng gia đình về sau. Thực tế những người lớn bị trật khớp háng không phục hồi thường gặp khó khăn trong kiếm việc làm do hình thức và chức năng vận động bị hạn chế đáng kể, khó được nhà tuyển dụng chấp nhận.
- Về mặt xã hội: bé bị trật khớp háng và cả người lớn thường bị bạn bè và những người xung quanh chế nhạo.
3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trật khớp háng ở trẻ sơ sinh
Một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng trật khớp háng có thể kể đến như:
- Trật khớp háng ở trẻ sơ sinh do đột biến nhiễm sắc thể: Trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh (bàn tay, bàn chân khoèo, cứng khớp gối, cứng khớp khuỷu, cứng khớp vai, trật khớp háng...)
- Người mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai
- Tư thế thai nhi trong bụng mẹ bất thường
- Trật khớp háng ở trẻ sơ sinh không rõ nguyên nhân.
3. Phát hiện sớm dấu hiệu và triệu chứng bé bị trật khớp háng
Bé bị trật khớp háng có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc một vài tuần đầu sau sinh. Có 8 dấu hiệu phát hiện sớm bé bị trật khớp háng ngay sau sinh:
- Trẻ bị chênh lệch chiều dài 2 chân: chân bên bị trật khớp háng thường ngắn hơn bên đối diện, tuy nhiên tình trạng này sẽ khó phát hiện khi trật khớp háng cả 2 bên.
- Nếp lằn ở mông, đùi, khoeo chân của bên trật khớp háng cao hơn bên bình thường.
- Bàn chân của trẻ đổ ngoài khi nằm duỗi chân.
- Khi trẻ ở tư thế gập gối, khớp gối của bên trật khớp sẽ cao hơn.
- Trẻ bị hạn chế gấp và dạng khớp háng.
- Dáng đi của trẻ khi biết đi sẽ bị khập khiễng nếu trật khớp háng 2 bên.
- Thực hiện nghiệm pháp Barlow: gập và khép háng sẽ thấy chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp, tạo ra tiếng “lục cục” (thường thấy ở trẻ dưới 6 tháng tuổi);
- Thực hiện nhiệm pháp Ortolani: dạng và duỗi khớp háng sẽ thấy chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ khớp tạo ra tiếng “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi) - ngược lại với Test Barlow ở trên.
Xét nghiệm nhận biết: Chụp khớp háng thẳng, siêu âm khớp háng giúp chẩn đoán bé bị trật khớp háng.
4. Phục hồi chức năng trật khớp háng ở trẻ sơ sinh
4.1. Phục hồi và điều trị trật khớp háng
Nguyên tắc:
- Can thiệp càng sớm càng tốt: Ngay sau khi sinh.
- Can thiệp toàn diện: bó bột, thực hiện các bài tập vận động, nẹp chỉnh hình.
Mục tiêu:
- Điều chỉnh chỏm xương đùi trở về vị trí đúng trong ổ khớp và duy trì chỏm xương đùi ở vị trí đó trong thời gian tối thiểu 12 tuần
- Nắn điều chỉnh chống xoay trước của cổ và thân xương đùi
- Tăng tầm vận động (động tác gập và dạng) của khớp háng
- Cải thiện được dáng đi của trẻ về sau.
Kỹ thuật:
- Đeo nẹp chỉnh hình: nẹp khớp háng của trẻ được làm bằng xốp mềm giúp điều trị trật khớp háng 1 bên hoặc trật cả 2 bên. Bé bị trật khớp háng bắt đầu đeo nẹp từ ngay sau sinh đến khi trẻ được 12 tháng tuổi, đeo liên tục cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu và có thể chỉ cần đeo nẹp vào đêm trong 6 tháng tiếp theo.
- Bó bột chỉnh hình: thường được chỉ định cho trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh trước 6 tháng tuổi. Bó bột chỉnh hình được thực hiện 2 tuần/đợt, khoảng 10 - 15 đợt. Lưu ý phụ huynh cần theo dõi bé sau bó bột chỉnh hình tại nhà: Nếu các ngón chân của trẻ có dấu hiệu bị sưng, tím tái hoặc gây đau, lúc này cần nhanh chóng tháo bột ngay để tránh hoại tử, sau khi tháo bột cần tắm rửa cho trẻ thật sạch sẽ, bôi cồn Iốt vào vị trí bị xước, loét.
- Vận động trị liệu: thực hiện động tác dạng háng, xoay trong háng hoặc gập háng.
- Phẫu thuật chỉnh hình: có thể được tiến hành sớm nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không cho kết quả giúp trẻ cải thiện dáng đi về sau.
- Biện pháp khác: giữ trẻ ở tư thế dạng rộng khớp háng và gập gối bằng cách đóng bỉm vệ sinh, cõng hoặc địu trẻ hoặc đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.
- Khám và theo dõi thường quy 3 tháng 1 lần để các bác sĩ phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình đánh giá sự tiến bộ của trẻ. Thực hiện các xét nghiệm như chụp X-quang và siêu âm khớp háng để kiểm tra mỗi 6 tháng/lần trong 2 năm đầu đời.
4.2. Giáo dục bé bị trật khớp háng và tư vấn cho gia đình
- Nhà trường và phụ huynh cần động viên trẻ đi học
- Phụ huynh có thể liên hệ với các bác sĩ phục hồi chức năng để có được các thông tin về phục hồi chức năng đối với trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh.
- Người bị trật khớp háng bẩm sinh nếu không được thực hiện phục hồi chức năng sớm thì cần tránh những nghề nghiệp đòi hỏi sức lao động nặng, ảnh hưởng lên bàn chân.
- Gia đình cần giải thích cho trẻ hiểu về tình trạng của trẻ, động viên trẻ chấp nhận và vượt qua mặc cảm.
- Nhà trường cần giảng giải cho các học sinh khác hiểu về tình trạng bệnh trật khớp háng để hình thành sự thông cảm và giúp đỡ.
Tóm lại, trật khớp háng là một vấn đề bệnh lý ở trẻ cần được can thiệp sớm, nhằm hạn chế để lại những di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tính thẩm mỹ về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.