Bài viết được viết bởi Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Liệt nửa mặt do lạnh chủ yếu xảy ra vào mùa đông, xuân, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ gây khó khăn trong sinh hoạt. Việc phục hồi chức năng liệt nửa mặt phải mất một khoảng thời gian nhất định.
1. Liệt nửa mặt do lạnh là gì?
Liệt nửa mặt do lạnh (hay còn có các tên gọi khác như liệt mặt ngoại biên, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, liệt Bell) là tình trạng tê bì nửa mặt kèm theo cơ mặt bị yếu hoặc tê liệt một cách đột ngột cấp tính, có thể khiến một bên khóe miệng của bạn bị xệ xuống, khi bạn cười miệng bị lệch về một phía, bạn có thể gặp khó khăn khi giữ nước bọt ở bên miệng đó và mắt ở phía bên đó khó hoặc không nhắm kín lại được. Tình trạng này khác với liệt mặt trung ương là tổn thương liên quan đến não.
Liệt mặt ngoại biên là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh liệt dây thần kinh mặt. Liệt mặt ngoại biên chiếm khoảng 49% đến 51% tổng số trường hợp liệt mặt, với tỷ lệ ước tính từ 13 đến 34 trường hợp trên 100.000 người mỗi năm. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền từ người này sang người khác.
2. Nguyên nhân gây liệt nửa mặt do lạnh
Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra liên quan đến căn nguyên gây ra tình trạng này, bao gồm:
- Nhiễm virus, rối loạn chức năng mạch máu, rối loạn điều hòa hệ tự động.
- Do tình trạng sưng và viêm dây thần kinh điều khiển các cơ ở một bên mặt của bạn do bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cúm hoặc cảm lạnh.
- Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Người bệnh đang mang thai (đặc biệt là ba tháng cuối thai kỳ hoặc trong tuần đầu tiên sau khi sinh); người mắc bệnh tiểu đường, ung thư hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch...
Các triệu chứng của liệt mặt ngoại biên thường bắt đầu cải thiện trong vòng vài tuần, và hồi phục hoàn toàn trong khoảng 6 tháng. Một số ít người bệnh tiếp tục có một số triệu chứng liệt mặt ngoại biên suốt đời.
3. Các dấu hiệu nhận biết liệt nửa mặt ngoại biên
Các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện đột ngột và có thể bao gồm:
- Khởi phát nhanh chóng từ yếu nhẹ đến liệt toàn bộ ở một bên mặt - xảy ra trong vài giờ đến vài ngày
- Mặt xệ xuống và khó biểu hiện trên khuôn mặt, chẳng hạn như nhắm mắt hoặc mỉm cười
- Chảy nước dãi phía bên mặt bị ảnh hưởng
- Đau xung quanh hàm hoặc trong hoặc sau tai của bạn ở bên bị ảnh hưởng
- Tăng độ nhạy với âm thanh ở phía bị ảnh hưởng
- Đau đầu
- Mất vị giác
- Thay đổi lượng nước mắt và nước bọt bạn tiết ra.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh liệt mặt ngoại biên có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở cả hai bên mặt của bạn và gây ra các biến chứng bao gồm:
- Tổn thương không thể phục hồi đối với dây thần kinh mặt của bạn.
- Sự phát triển bất thường của các sợi thần kinh. Điều này có thể dẫn đến sự co lại không tự chủ của một số cơ khi bạn đang cố gắng di chuyển cơ khác (Ví dụ: khi bạn cười, mắt bên bị ảnh hưởng có thể nhắm lại).
- Mù một phần hoặc hoàn toàn mắt không nhắm lại được do quá khô và xước lớp bảo vệ trong suốt của mắt (giác mạc).
4. Điều trị liệt nửa mặt ngoại biên
Không có phương pháp điều trị duy nhất dành cho tất cả các bệnh nhân liệt mặt ngoại biên, nhưng bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc hoặc vật lý trị liệu để giúp tăng tốc độ hồi phục của bạn.
4.1 Điều trị nội khoa
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh liệt mặt ngoại biên bao gồm:
- Corticosteroid chẳng hạn như prednisone là chất chống viêm mạnh, giúp làm giảm sưng dây thần kinh mặt. Corticosteroid có thể hoạt động tốt nhất nếu chúng được bắt đầu với liều cao (1mg prednisolon /kg) và trong vài ngày kể từ khi các triệu chứng của bạn bắt đầu.
- Thuốc kháng vi-rút: Vai trò của thuốc chống vi-rút vẫn chưa được quyết định. Thuốc kháng vi-rút một mình không cho thấy lợi ích gì so với giả dược. Thuốc kháng vi-rút được thêm vào với steroid có thể có lợi cho một số người mắc liệt mặt ngoại biên, nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh. Mặc dù vậy, valacyclovir (Valtrex) hoặc acyclovir (Zovirax) đôi khi được dùng kết hợp với prednisone ở những người bị liệt mặt ngoại biên nặng.
4.2 Điều trị vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng
Các cơ bị liệt có thể co lại và ngắn lại, gây ra chứng co cứng vĩnh viễn. Chuyên gia vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng có thể hướng dẫn bạn cách xoa bóp và vận động cơ mặt để giúp ngăn ngừa điều này xảy ra.
4.2.1 Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng
Điều trị càng sớm càng tốt sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn, nên điều trị ngay sau khi phát hiện bệnh. Đồng thời, tránh các kích thích mạnh, không cố gắng điều trị cho hết liệt trong giai đoạn cấp của bệnh, kết hợp với việc bảo vệ mắt bên liệt.
4.2.2 Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng giai đoạn cấp tính (từ 3 ngày - 1 tuần)
- Động viên, giải thích giúp người bệnh an tâm và hợp tác trong điều trị
- Dùng nhiệt ấm, xoa bóp cử động nhẹ nhàng tránh kích thích mạnh, giảm nói cười...
- Dùng băng dính chữ Y cố định ở trán - môi trên và dưới để nâng cơ mặt khỏi xệ.
- Người bệnh nên đeo kính râm, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, dùng băng dính che mắt tạm thời để tránh bụi, dị vật gây tổn thương mắt.
- Hướng dẫn vệ sinh răng miệng.
Phục hồi chức năng giai đoạn bán cấp và mạn tính (sau 1 tuần)
- Dùng nhiệt nóng, điện xung, điện phân.
- Xoa bóp vùng mặt bằng cách dùng năm đầu ngón tay và lòng bàn tay thả lỏng để day, xoa nhẹ nhàng toàn bộ mặt bên liệt theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống dưới, trong ra ngoài và ngược lại.
- Tập các cơ mặt qua các bài tập từ chủ động trợ giúp đến đề kháng.
- Hướng dẫn người bệnh tự tập qua gương: nhắm mắt huýt sáo, thổi lửa, ngậm chặt miệng, mỉm cười, nhăn trán, phát âm những từ có âm môi: B, P, U, I, A...
- Hướng dẫn người bệnh giữ ấm mặt, bảo vệ mắt, tránh các cử động mạnh ở mắt.
4.3 Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật giải phóng dây thần kinh mặt hiếm khi là một lựa chọn cho bệnh liệt mặt ngoại biên do lạnh. Trước đây, phẫu thuật giải áp được sử dụng để giảm áp lực lên dây thần kinh mặt bằng cách mở đoạn xương mà dây thần kinh đi qua. Ngày nay, phẫu thuật giải nén không được khuyến khích. Tổn thương dây thần kinh mặt và mất thính giác vĩnh viễn là những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện phẫu thuật này.
Để phòng ngừa bệnh liệt mặt ngoại biên do lạnh, bạn nên lưu ý tránh gió lạnh đột ngột, không nằm thẳng hướng cửa điều hòa, mùa lạnh cần mở cửa từ từ, tránh gió lùa; khi ra đường bạn nên đeo khẩu trang giữ ấm mặt, không nên cho trẻ nhỏ ngồi hoặc đứng phía trước xe.
Tóm lại, liệt mặt ngoại biên do lạnh thường lành tính, nhưng người bệnh cần giữ ấm mặt, bảo vệ mắt, tránh các cử động mạnh ở mắt. Đồng thời, người bệnh cũng cần được thăm khám định kỳ cho đến khi hết triệu chứng để đánh giá kết quả điều trị, điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần và để phát hiện sớm các biến chứng của liệt mặt.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi lựa chọn điều trị tại bệnh viện sẽ được định hướng điều trị liệt mặt do lạnh an toàn, hiệu quả, quý vị có thể liên hệ với khoa thần kinh của bệnh viện để được các bác sĩ chỉ định điều trị cụ thể cho từng trường hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM