Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phục hồi chức năng tuỷ sống cổ là phương pháp điều trị quan trọng đối với các bệnh nhân bị dập tuỷ sống cổ vì dập tuỷ cổ thường gây liệt tứ chi, đa phần bệnh nhân là người trẻ trong lứa tuổi lao động.
Quá trình phục hồi chức năng cần được tiến hành sớm và cần sự hợp tác giữa cán bộ y tế như bác sĩ, kỹ thuật viên và bệnh nhân, kể cả người nhà. Phục hồi chức năng là một hành trình dài, người bệnh cần đặt niềm tin vào nhân viên y tế và kiên trì thực hành đến cùng để nâng cao được hiệu quả.
1. Nguyên tắc
- Tiến hành càng sớm càng tốt.
- Phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân.
- Phục hồi chức năng kết hợp với nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện.
2. Nội dung phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng cần được tiến hành song song với các phương pháp điều trị khác. Nội dung tiến hành phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh:
2.1 Giai đoạn cấp tính
- Cẩn trọng khi sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân: tuyệt đối không gập cổ hay lưng của người bệnh, cố định chắc chắn người bệnh trên cán gỗ hoặc đệm cứng.
- Xử trí cấp cứu các tình trạng đe doạ tính mạng như sốc giảm thể tích do mất máu, choáng tuỷ,...
- Phẫu thuật kết hợp xương và giải ép tuỷ nếu có
- Phòng tránh và chăm sóc da loét do tì đè: thường xuyên thay đổi tư thế và xoay trở, bảo đảm vệ sinh, giữ da luôn khô ráo.
- Chăm sóc đường ruột
- Chăm sóc đường tiểu
- Chăm sóc đường hô hấp
- Vận động thụ động, có hỗ trợ tránh cứng khớp, teo cơ
2.2 Giai đoạn phục hồi
- Phòng tránh và chăm sóc da loét do tì đè
Thường xuyên thay đổi tư thế và xoay trở, bảo đảm vệ sinh, giữ da luôn khô ráo. Người chăm sóc cần hỗ trợ thay đổi tư thế bằng cách lăn người bệnh ra xa hoặc đến gần họ. Lưu ý khi đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng, vai dưới cần được đưa nhẹ ra phía trước để tránh loét giữa hai xương vai. Sử dụng nệm nước để tránh biến chứng loét. Người chăm sóc không được chủ quan và bỏ qua bước này vì một khi loét xuất hiện sẽ rất khó điều trị lành, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong trường hợp không may, nếu có loét do đè ép, bệnh nhân cần được thay băng thường xuyên, cắt lọc vết thương, hay điều trị bằng tia tử ngoại,...
- Chăm sóc đường tiểu
Giữ vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài, đặt thông tiểu giúp giảm thiểu biến chứng nhiễm trùng đường tiểu.
- Chăm sóc đường ruột
Phần lớn bệnh nhân tổn thương tuỷ sống mất đi khả năng tự rặn khi đại tiện. Cần tiến hành thụt tháo hoặc dùng tay lấy phân ra ngoài.
- Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tổn thương tuỷ sống
Tập thở và ho: người bị dập tuỷ cổ phải đối diện với tình trạng liệt một phần các cơ hô hấp. Vì thế, người bệnh bị mất khả năng ho gây ứ đọng đờm dãi, tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi. Đặt hai tay trước ngực bệnh nhân, ấn mạnh xuống ngực khi bệnh nhân ho. Tránh làm dịch chuyển cột sống.
Vận động thụ động: trong dập tuỷ sống cổ, người bệnh bị liệt tứ chi, co rút cơ thường gặp ở các khớp, đi cùng với cứng khớp. Vì vậy, cần cử động các khớp thường xuyên, khoảng 10 lần/ngày.
- Hỗ trợ về mặt tâm lý
Đây là yếu tố không được bỏ qua khi điều trị người bị dập tuỷ cổ. Mất đi khả năng hoạt động một cách đột ngột do tai nạn là một chấn động tâm lý lớn, người bệnh rất dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn, thất vọng, dễ chán nản và cáu gắt. Gia đình bệnh nhân và cán bộ y tế cần hiểu và hỗ trợ bằng cách:
- Thể hiện sự thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ người bệnh.
- Thường xuyên động viên, mang đến các cơ hội để họ được chơi đùa, làm việc, giải toả căng thẳng.
- Khuyến khích người bệnh tự chăm sóc bản thân, hỗ trợ những lúc cần thiết. Không để người bệnh thực hiện một mình.
- Giải thích tình trạng khuyết tật một cách từ từ, không giấu diếm hay nói dối người bệnh rằng có thể chữa khỏi hoàn toàn.
- Động viên người bệnh gặp gỡ nhiều người khác cũng bị tổn thương tuỷ sống để sinh hoạt, trò chuyện, giúp tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn.
- Thay đổi môi trường sống
Môi trường sống xung quanh nên được điều chỉnh và thay đổi để phù hợp cho việc sinh hoạt và di chuyển của người bệnh. Một số gợi ý như sau:
- Mở rộng các cửa ra vào, cửa nhà tắm để xe lăn có thể ra vào.
- Không nên có bậc cấp hoặc vật cản ở những lối di chuyển của người bệnh.
- Tay vịn nên được thiết kế xung quanh khu vực vệ sinh.
- Khu bếp nên có chiều cao thích hợp, đầy đủ tiện nghi để người bệnh vẫn có thể thực hiện các công việc nội trợ khi đang ngồi trên xe lăn.
Phòng tập Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được trang bị đầy đủ máy móc đồng bộ và tân tiến nhất.
- Chuỗi phòng tập liên hoàn khép kín từ vận động thô đến vận động tinh cho Phục hồi chức năng di chuyển, sinh hoạt và tập luyện chức năng bàn tay.
- Hệ thống máy, giường tập, dụng cụ chuyên dụng cao cấp của Hà Lan, Italia, Nhật Bản... tích hợp ứng dụng công nghệ tin học tiên tiến giúp tối ưu hóa quá trình điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh
- Các phòng điều trị phục hồi chức năng chuyên sâu: Phục hồi chức năng sau phẫu thuật; Vật lý trị liệu hô hấp nhi; Điều trị bằng sóng Xung kích; Điều trị bằng từ trường...
- Hệ thống máy, giường tập, dụng cụ chuyên dụng cao cấp của Hà Lan, Italia, Nhật Bản... tích hợp ứng dụng công nghệ tin học tiên tiến giúp tối ưu hóa quá trình điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh
Phòng tập Phục hồi chức năng cung cấp các dịch vụ:
- Phục hồi chức năng sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình: Thay khớp; kết hợp xương; tái tạo dây chằng...
- Phục hồi chức năng các bệnh lý thần kinh trung ương và ngoại biên
- Phục hồi chức năng cho người bệnh Ung thư
- Phục hồi chức năng các bệnh lý cột sống như: Đau lưng, đau cổ vai gáy, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.