Phòng ngừa đột quỵ như thế nào?

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Xuân Thiên - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Đột quỵ có thể cướp đi sự tự do, khả năng sống độc lập, thậm chí hủy hoại cuộc sống của người bệnh và ảnh hưởng tới gia đình, gia tăng gánh nặng cho xã hội. Vậy làm thế nào chúng ta có thể phòng ngừa đột quỵ?

1. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ

Yếu tố nguy cơ là một tình trạng hoặc hành vi làm tăng nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, một người có yếu tố nguy cơ không đồng nghĩa là người đó chắc chắn bị đột quỵ cũng như không phải là người không có yếu tố nguy cơ thì chắc chắn sẽ không bị đột quỵ.

Một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

  • Tuổi: Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp đôi cứ sau 10 năm trong khoảng thời gian từ 55 đến 85 tuổi.
  • Giới tính: Ở độ tuổi trung tuổi, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và cũng có nguy cơ tử vong khi mắc bệnh so với nữ giới.
  • Chủng tộc: Người dân ở một số chủng tộc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ví dụ, người ta thấy người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với người Mỹ khác.
  • Trong gia đình có người từng bị đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ có thể điều trị:

  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất gây ra đột quỵ. Tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 2 đến 4 lần ở người 80 tuổi.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não gấp 2 lần, và đột quỵ xuất huyết não gấp 4 lần. Giả thiết được đề cập đến ở đây, hút thuốc có thể liên quan đến các bệnh lý xơ vữa mạch máu, đặc biệt là mạch cảnh. Ngoài ra thành phần nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp; Carbon monoxide từ khói thuốc làm giảm oxy trong dòng máu tới não, khói thuốc làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong mạch máu. Hút thuốc còn có thể thúc đẩy sự hình thành túi phình mạch não. Việc bỏ thuốc ở bất kỳ độ tuổi nào không chỉ làm giảm nguy cơ đột quỵ mà còn làm giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, phổi, các bệnh lý ác tính đặc biệt là ung thư phổi.
  • Các bệnh lý tim mạch: Các bệnh lý tim mạch thường gặp như bệnh lý mạch vành, bệnh lý van tim, loạn nhịp (rung nhĩ), và phì đại buồng tim cũng có thể dẫn đến hình thành huyết khối và di chuyển đến làm tắc mạch não. Các bệnh lý mạch máu thường gặp là xơ vữa mạch. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch và gây ra các tổn thương thành mạch.
  • Các dấu hiệu cảnh báo hoặc tiền sử có đột quỵ não thoáng qua hoặc đột quỵ: Nếu người bệnh đã có tiền sử đột quỵ não thoáng qua thì cần được điều trị dự phòng ngay lập tức. Nếu trước đây đã có tiền sử đột quỵ não thoáng qua hoặc từng bị đột quỵ não thì sẽ tăng nguy cơ đột quỵ não thực sự hoặc tái phát đột quỵ não.
  • Đái tháo đường: Khi bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy thay đổi cấu trúc mạch máu toàn cơ thể, trong đó có mạch máu não dẫn đến đột quỵ.
  • Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL) mang cholesterol từ máu đến tế bào. Khi tăng LDL có thể làm cholesterol lắng đọng ở thành mạch máu gây nên các mảng xơ vữa, là nguyên nhân chính gây nên hẹp lòng mạch dẫn đến đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Ít vận động và béo phì: Lối sống ít vận động và béo phì đều liên quan đến các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch.

Xem ngay: Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?

2. Phòng ngừa đột quỵ não thế nào?

Trong quá trình khám sàng lọc cho người bệnh, bác sĩ sẽ xác định các yếu tố nguy cơ đột quỵ não. Rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể quản lý và khi được quản lý tốt sẽ cho kết quả đáng kể. Mặc dù bất kể tuổi nào đều có thể có yếu tố nguy cơ, nhưng việc kiểm soát sớm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thực sự, cũng như nguy cơ di chứng tàn phế hoặc tử vong.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, đột quỵ não có thể dự phòng và có thể điều trị được. Đáng mừng là những năm gần đây, sự gia tăng hiểu biết về nguyên nhân gây đột quỵ như thay đổi lối sống, thực hiện điều trị dự phòng, các yếu tố nguy cơ đã có tác dụng làm giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong do đột quỵ não.

Phương pháp tốt nhất để dự phòng đột quỵ là chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc và uống rượu.

Việc thay đổi lối sống tích cực như trên sẽ làm giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như:

  • Xơ vữa mạch
  • Tăng huyết áp
  • Rối loạn chuyển hóa lipid

Nếu đã bị mắc đột quỵ việc thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ tái phát.

2.1 Điều chỉnh chế độ ăn

  • Một chế độ ăn không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Bởi chế độ ăn đó có thể gây bệnh lý là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu.
  • Chế độ ăn được khuyến cáo là chế độ ăn có hàm lượng chất béo thấp, tăng chất xơ bao gồm nhiều hoa quả tươi, nhiều rau và ngũ cốc toàn phần. Tuy nhiên, cần đảm bảo đó là chế độ ăn cân bằng: Không ăn quá nhiều chỉ một loại thức ăn nào đó, đặc biệt là đồ ăn nhiều muối hoặc đồ ăn nhanh.
  • Nên hạn chế lượng muối hàng ngày ( < 6g/ngày ~ 1 thìa cà phê).
  • Nên tìm hiểu và thực hiện các chế độ ăn tốt cho tim mạch, kiểm soát tốt cân nặng.

2.2 Tập thể dục

  • Tập thể dục hàng ngày kết hợp với chế độ ăn khỏe mạnh là phương pháp tốt nhất để duy trì sức khỏe và kiểm soát cân nặng.
  • Tập thể dụng thường xuyên có thể giúp làm giảm lượng cholesterol và giữ huyết áp ổn định. Đối với hầu hết mọi người, nên duy trì thời gian tập thể dục tối tiểu 150 phút mỗi tuần với các bài tập từ mức độ trung bình đến cao như đạp xe hoặc đi bộ nhanh
  • Ở những người đang phục hồi sau đột quỵ, nên thực hiện các bài tập theo hướng dẫn cụ thể của các nhân viên chuyên sâu về phục hồi chức năng. Ở ở tuần đầu hoặc tháng đầu sau đột quỵ, có thể không cần tập thể dục, nhưng bạn nên được thực hiện ngay khi phục hồi chức năng đã giúp sức khỏe có tiến triển theo hướng tốt.

2.3 Bỏ thuốc lá

Thuốc lá làm tăng rõ rệt nguy cơ bị đột quỵ. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý mạch máu, đặc biệt là bệnh động mạch, làm cho lòng mạch bị hẹp lại và có thể gây nên tắc nghẽn hoặc tạo nên các cục huyết khối tại chỗ. Việc bỏ thuốc có thể làm giảm nguy cơ này.

2.4 Giảm hoặc bỏ rượu hoặc các đồ uống chứa cồn

  • Lạm dụng rượu có thể dẫn đến tăng huyết áp, gây ra loạn nhịp tim (Rung nhĩ). Tất cả đều là các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
  • Uống rượu cũng có thể gây tăng cân. Người nghiện rượu nặng có nguy cơ bị đột quỵ gấp 3 lần so với bình thường.

2.5 Kiểm soát các bệnh lý nền

Việc mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, rung nhĩ là các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ... Do đó, bạn cần tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ điều trị để kiểm soát tốt tất cả các bệnh lý nền.

Đột quỵ có thể cướp đi sự tự do, khả năng sống độc lập, thậm chí hủy hoại cuộc sống của người bệnh và ảnh hưởng tới gia đình, gia tăng gánh nặng cho xã hội. Do đó, thực hiện các biện pháp trên để phòng ngừa đột quỵ là điều mà bạn nên làm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe