Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột mãn tính. Đây là một bệnh tự miễn, gây viêm đường tiêu hóa và đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Mặc dù không có cách chữa trị căn bệnh này, một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống được trình bày sau đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng cũng như giúp phòng ngừa biến chứng bệnh Crohn.
1. Hiểu rõ về bệnh Crohn của chính mình
Bệnh Crohn là một bệnh tự miễn với biểu hiện như bệnh viêm ruột mãn tính. Vị trí tác động là trên toàn bộ đường tiêu hóa, phản ứng viêm thường lan sâu vào các lớp mô ruột, gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng, mệt mỏi, giảm cân và suy dinh dưỡng, đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.
Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh Crohn, người bệnh vẫn có thể tìm hiểu các cách điều chỉnh, qua đó làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý này, thậm chí phòng ngừa các biến chứng của bệnh Crohn.
Theo đó, người bệnh cần biết nguyên nhân nào gây ra bệnh, các yếu tố nguy cơ là gì, các phương pháp điều trị đã có bằng chứng cũng như các dấu hiệu cảnh báo về biến chứng, giúp phát hiện sớm và can thiệp sớm, tránh dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn không hồi phục.
2. Cẩn trọng trong việc điều trị thuốc
Trên cơ địa người mắc bệnh Crohn, mọi loại thuốc trước khi sử dụng đều cần có chỉ định của bác sĩ. Lý do là vì một số loại thuốc có thể gây kích hoạt tổn thương, như một đợt bệnh Crohn cấp tính trên niêm mạc ruột, khiến tình trạng đang ổn định đột ngột trở nên tồi tệ hơn.
Đối với thuốc điều trị bệnh Crohn, sự tuân thủ điều trị cần đặt lên hàng đầu. Ngay cả khi các triệu chứng không còn và đã cảm giác hoàn toàn dễ chịu, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể làm các phản ứng viêm thoát ứng chế, gây tổn thương nghiêm trọng trên niêm mạc ruột và có thể dẫn đến thủng ruột và tắc ruột do dây dính. Trong trường hợp thuốc gây ra tác dụng phụ, thay vì ngưng thuốc, người bệnh cần khai báo với bác sĩ điều trị để được điều chỉnh dùng liều thấp hơn hay chuyển sang một nhóm thuốc khác.
Một điều cần lưu ý là bệnh nhân mắc bệnh Crohn cần tuyệt đối tránh dùng thuốc giảm đau NSAID - thuốc chống viêm không steroid - bao gồm Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, do chúng có thể kích hoạt các phản ứng viêm của bệnh Crohn.
3. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Cho đến nay vẫn không có bằng chứng chắc chắn nào về những gì ăn vào sẽ thực sự gây ra bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm và đồ uống đã được quan sát thấy là có thể làm nặng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn, đặc biệt là trong những đợt cấp tính.
Chính vì thế, người bệnh cần ghi nhớ hay nên có một cuốn nhật ký thực phẩm để theo dõi những gì có thể ăn và không được ăn. Trước một loại thực phẩm mới, tốt nhất là nên hỏi các ý kiến về chuyên gia tiêu hóa hoặc chính mình có thể tự trải nghiệm và ghi nhận lại. Nếu đây là loại thực phẩm khiến các triệu chứng bùng phát, người bệnh cần nên tránh loại thực phẩm đó trong các lần tiếp theo.
Dưới đây là một số gợi ý về các loại thực phẩm có thể không phù hợp với bệnh nhân Crohn:
- Các sản phẩm từ sữa: Nhiều người mắc bệnh viêm ruột nhận thấy rằng các vấn đề như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi sẽ cải thiện bằng cách hạn chế hoặc loại bỏ các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn của mình.
- Các thực phẩm giàu chất béo: Nếu tổn thương do bệnh Crohn xảy ra ở ruột non, người bệnh khó có thể tiêu hóa hoặc hấp thụ chất béo như người bình thường. Lúc này, chất béo sẽ đi qua ruột non một cách nhanh chóng và khiến cho người bệnh bị tiêu chảy một cách nặng nề. Vậy nên, cố gắng tránh các thực phẩm giàu chất béo như bơ, kem và thực phẩm chiên rán.
- Chất xơ: Ở người bệnh viêm ruột, các loại thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây và rau quả tươi, ngũ cốc, có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ không dung nạp với trái cây và rau sống, người bệnh nên chuyển sang ăn khi đã chế biến như hấp, nướng hoặc hầm. Trong trường hợp bệnh Crohn đã gây ra triệu chứng hẹp đường ruột, người bệnh có thể được yêu cầu hạn chế chất xơ.
- Các loại thực phẩm có tính kích thích: Thực phẩm cay, chua, nóng, rượu và caffeine có thể làm cho các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần đồng thời xây dựng các thói quen khác trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày như:
- Ăn nhiều bữa nhỏ: Người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn khi ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ mỗi ngày thay vì hai hoặc ba bữa lớn.
- Uống nhiều chất lỏng: Cố gắng uống nhiều nước hàng ngày. Nước là dung dịch tốt nhất. Rượu và đồ uống có chứa caffeine sẽ gây kích thích ruột và có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn, trong khi dùng đồ uống có ga thường xuyên sẽ gây đầy hơi, trung tiện nhiều.
- Bổ sung các loại vitamin tổng hợp: Bởi bệnh Crohn có thể cản trở khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của đường ruột, việc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất sẽ trở nên hữu ích. Tuy nhiên, luôn tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung.
- Bổ sung dinh dưỡng: Nếu người bệnh sụt cân hoặc chế độ ăn uống trở nên rất hạn chế, cần tham vấn chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn phù hợp.
4. Bỏ thói quen hút thuốc lá
Khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh Crohn khi đã mắc bệnh và có thể làm cho bệnh nặng hơn. Thậm chí, những người mắc bệnh Crohn vẫn duy trì việc hút thuốc sẽ có nhiều đợt cấp tính tái phát liên tục và đôi khi cần can thiệp với phẫu thuật.
Do đó, việc bỏ hút thuốc là thực sự cần thiết, vừa giúp cải thiện tình trạng đường tiêu hóa, vừa đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
5. Giảm lo lắng, căng thẳng
Mặc dù những lo lắng, căng thẳng không gây ra bệnh Crohn, chúng lại có thể làm cho các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý này trở nên tồi tệ hơn hay là gây ra các đợt bùng phát.
Sẽ là khó tránh được những căng thẳng trong đời sống hằng ngày, người bệnh cần tìm hiểu các cách giúp quản lý nó tốt hơn, chẳng hạn như:
- Tập thể dục. Ngay cả việc tập thể dục mức độ nhẹ nhàng cũng có thể giúp giảm căng thẳng, giảm trầm cảm và bình thường hóa chức năng ruột.
- Thường xuyên thư giãn và tập thở. Một cách để đối phó với căng thẳng là thường xuyên thư giãn và sử dụng các kỹ thuật như thở sâu, thở chậm để giữ bình tĩnh. Người bệnh có thể tham gia các lớp học yoga và thiền định hoặc sử dụng sách, xem qua băng đĩa tại nhà.
- Thuốc chống lo âu. Một số người bị rối loạn tiêu hóa và được chỉ định dùng một số dạng thuốc chống lo âu, giải trầm cảm và cho thấy tín hiệu khả quan.
6. Áp dụng một số liệu pháp từ tự nhiên
Thảo dược: Một số loại thảo dược hay thuốc chiết xuất từ tự nhiên có thể cho thấy khả năng thuyên giảm các triệu chứng khó chịu trên đường tiêu hóa ở bệnh nhân Crohn. Tuy nhiên, luôn tham vấn với bác sĩ trước khi quyết định thử bất kỳ loại bổ sung thảo dược nào.
- Probiotic. Có một số bằng chứng cho thấy rằng một số chế phẩm từ nguồn lợi khuẩn có thể giúp những người mắc bệnh Crohn duy trì sự thuyên giảm giữ các đợt cấp tính.
- Dầu cá. Các nghiên cứu được thực hiện trên dầu cá để điều trị Crohn bước đầu cho thấy một vài lợi ích.
Tóm lại, bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột mãn tính có bản chất là bệnh tự miễn. Các tổn thương viêm tại niêm mạc ruột đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng bệnh Crohn nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu có các hiểu biết trên đây cũng như tuân thủ thực hiện, người bệnh sẽ thuyên giảm được những khó chịu do căn bệnh này gây ra và cải thiện được chất lượng cuộc sống về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.