Với sự tiến bộ của y học cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại như máy định vị thần kinh đã giúp việc thực hiện phẫu thuật u thần kinh sọ não dưới nền sọ đạt được những thành tựu đáng kể. Các ca phẫu thuật giúp người bệnh phục hồi nhanh và giảm thời gian lưu trú tại bệnh viện.
1. U thần kinh sọ não dưới nền sọ là gì?
Một số u não ở dưới nền sọ mà người bệnh có thể gặp phải như:
- Các u thường phát triển ở nền sọ trước như: U xoang sàng, u xoang trán, u hốc mũi trần ổ mắt, u màng não rãnh khứu, u màng não trên yên, vùng tuyến yên, u não trán nền sọ.
- U xuất hiện ở nền sọ giữa: U màng não thái dương nền, u cánh xương bướm, u thành ngoài xoang hang, đỉnh xương đá, u dây V, u mặt trước xương đá, u ở thái dương nền, u vùng hồi hải mã- mặt dưới thùy thái dương.
- Các phát triển ở nền sọ sau: U rãnh trượt, u mặt sau xương đá
U não dưới nền sọ nếu không được sớm điều trị sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm và khả năng phục hồi cũng sẽ chậm đi. Do vậy, phẫu thuật u thần kinh sọ não dưới nền sọ đang là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả và thành công sau ca mổ.
2. Phẫu thuật u thần kinh sọ não dưới nền sọ
Bước 1: Chuẩn bị
- Về phía bệnh viện: Để thực hiện phẫu thuật thần kinh sọ não, bệnh viện cần chuẩn bị một kíp mổ gồm: 3 bác sĩ ( 1 bác sĩ phẫu thuật chính và 2 bác sĩ hỗ trợ mổ); 2 điều dưỡng; 1 bác sĩ gây mê và 1 điều dưỡng gây mê.
- Đầy đủ các dụng cụ phẫu thuật, bao gồm: trang thiết bị gây mê nội khí quản, bộ dụng cụ mở sọ thông thường, kính vi phẫu, hệ thống định vị thần kinh, vật tư tiêu hao, bộ dẫn lưu kín đặt dưới da....
- Về phía người bệnh được cạo tóc vùng chân tóc, vệ sinh sạch sẽ và sát khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân cần được khám lâm sàng như: Phim chụp cộng hưởng từ, các xét nghiệm phục vụ phẫu thuật, chỉ định mổ và quan trọng nhất là có viết cam kết mổ trước khi phẫu thuật.
Bước 2: Tiến hành
- Bệnh nhân được đặt trong tư thế nằm tùy vị trí u và đường vào lấy u, có thể nằm ngửa hoặc nằm nghiêng.
- Tiến hành gây mê nội khí quản và đặt hệ thống định vị thần kinh
- Bác sĩ thực hiện rạch da nhằm bóc tách cân cơ, bộc lộ xương sọ
- Khoan xương sọ, mở nắp sọ sát nền sọ và mở màng cứng, hút dịch não tủy để làm xẹp não
- Nếu bệnh nhân phẫu thuật khối u ở nền sọ trước cần phẫu tích u khỏi cấu trúc mạch máu, cắt cuống u, hút u bằng siêu âm
- Nếu bệnh nhân phẫu thuật khối u ở nền sọ giữa: Thường phải mài cánh nhỏ xương bướm, một số trường hợp phải mài mỏm yên trước để kiểm soát chảy máu, cắt điểm bám u, phẫu tích và hút u bằng siêu âm
- Nếu bệnh nhân phẫu thuật khối u ở đỉnh xương đá, 2/3 trên rãnh trượt: Mài đỉnh xương đá qua tam giác Kawase, phẫu tích cuống u, hút u.
- Cầm máu và đóng màng cứng.
Bước 3: Kết thúc phẫu thuật
Thực hiện cố định xương sọ, cân cân, cơ, dưới da, da. Phẫu thuật kết thúc.
3. Hậu phẫu thuật
Ca phẫu thuật chỉ được xác định thành công nếu không xảy ra các biến chứng hậu phẫu.
Do vậy, quá trình theo dõi và xử lý tai biến cần được diễn ra chặt chẽ. Bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi tại phòng hồi tỉnh sau mổ để cai máy, rút ống nội khí quản. Đặc biệt theo dõi chảy máu vết mổ, tình trạng tri giác, cơn co giật
Một số tai biến người bệnh có thể gặp phải như:
- Chảy máu. Nếu chảy máu ít, bệnh nhân có thể điều trị nội. Nếu chảy máu nhiều thì cần được mổ lại.
- Giãn não thất: Dẫn lưu não thất ra ngoài.
- Dò dịch não tủy qua vết mổ: Chọc dẫn lưu dịch não tủy ở thắt lưng để giảm áp và dùng thuốc hoặc mổ lại để đóng chỗ hở màng cứng.
- Phù não tiến triển: cần được điều trị theo nguyên nhân. Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp để tìm nguyên nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.