Phẫu thuật u thần kinh ngoại biên

Bệnh lý u thần kinh ngoại biên hình thành và phát triển gần hoặc trên các dây thần kinh ngoại biên. Khi khối u gây rối loạn cảm giác, hạn chế vận động, ảnh hưởng tới thẩm mỹ, phát triển với tốc độ nhanh hoặc nghi ngờ ác tính sẽ được chỉ định phẫu thuật u thần kinh ngoại biên để loại bỏ hoàn toàn.

1. U thần kinh ngoại biên là gì?

Hệ thần kinh của con người bao gồm hệ thần kinh trung ương (gồm não, tủy sống) và hệ thần kinh ngoại biên chi phối các chức năng cảm giác, vận động,... Khối u thần kinh ngoại biên hình thành, phát triển gần các dây thần kinh ngoại biên - có chức năng dẫn truyền các tín hiệu từ não, tủy sống tới các cơ quan trên cơ thể.

U ở các dây thần kinh ngoại biên hình thành do sự tăng sinh của các nguyên bào sợi của bao ngoài bó thần kinh. Khối u thần kinh ngoại biên có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường đi của các dây thần kinh, xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể.

Đa số u thần kinh ngoại biênu lành tính, tiến triển chậm. Các khối u có thể phát triển đơn độc hoặc xuất hiện ở nhiều nơi. Khi khối u phát triển sẽ tác động trực tiếp vào các dây thần kinh, mạch máu hoặc mô gần đó, gây đau, tổn thương thần kinh và làm mất chức năng các khu vực bị ảnh hưởng. Cụ thể, khối u có thể gây tổn thương cho chức năng sống, thẩm mỹ của người bệnh, thậm chí gây tàn phế

Các triệu chứng u thần kinh ngoại biên khác nhau tùy thuộc vào vị trí khối u, mô bị ảnh hưởng. Những triệu chứng thường gặp gồm: Sưng, xuất hiện u cục dưới da, chóng mặt, mất thăng bằng, đau, ngứa ran hoặc tê, yếu, mất chức năng khu vực bị ảnh hưởng,...

Các khối u thần kinh ngoại biên có thể chèn ép các dây thần kinh, gây những biến chứng khó lường, thậm chí kéo dài vĩnh viễn. Biến chứng của bệnh gồm: tê, yêu vùng bị ảnh hưởng; mất chức năng vùng bị ảnh hưởng; đau đớn; gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng,...

Phương pháp điều trị u thần kinh ngoại biên là phẫu thuật loại bỏ khối u. Trong một số trường hợp, nếu khối u không thể cắt bỏ và chúng không làm tổn thương các mô, dây thần kinh gần đó thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác như laser.


Chóng mặt là triếu chứng thường gặp của u thần kinh ngoại biên
Chóng mặt là triếu chứng thường gặp của u thần kinh ngoại biên

2. Chi tiết phương pháp phẫu thuật u thần kinh ngoại biên

2.1 Chỉ định/chống chỉ định

Chỉ định

  • Khối u thần kinh ngoại biên gây rối loạn cảm giác, hạn chế vận động, ảnh hưởng tới thẩm mỹ;
  • Khối u thần kinh ngoại biên phát triển nhanh, nghi ngờ ác tính.

Chống chỉ định

  • Người có tình trạng toàn thân nặng, nhiều dị tật phối hợp như biến chứng tim mạch, gù vẹo cột sống nặng,...;
  • Khối u nằm ở vùng đám rối thần kinh hoặc khối u có kích thước lớn, xâm lấn mạch máu,... khó có khả năng lấy u toàn bộ, có thể để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

2.2 Chuẩn bị

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình, bác sĩ phụ mổ, bác sĩ gây mê, điều dưỡng;
  • Phương tiện kỹ thuật: Bộ dụng cụ phẫu thuật thông thường gồm dao, kéo, phẫu tích, pince, kim mang kim, máy hút, dao điện đơn cực/lưỡng cực;
  • Bệnh nhân: Được hỏi bệnh, thăm khám chi tiết; được thông báo về mục đích thủ thuật, quy trình thực hiện và tai biến có thể xảy ra; nhịn ăn, vệ sinh và khám gây mê trước mổ; kiểm tra, đối chiếu tên tuổi, bệnh án, xét nghiệm,... trước mổ;
  • Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị theo đúng quy định.

2.3 Tiến hành phẫu thuật

  • Tư thế bệnh nhân: Tùy thuộc vị trí khối u;
  • Vô cảm: Tùy vị trí, kích thước khối u để lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp: Gây tê tại chỗ, gây tê tủy sống, gây tê đám rối hay gây mê nội khí quản;
  • Sát trùng vùng mổ rộng rãi và trải toan;
  • Gây tê tại vùng rạch da;
  • Lựa chọn đường rạch da tùy thuộc vị trí, kích thước, tính chất khối u và đảm bảo các yêu cầu như có thể tiếp cận khối u một cách rộng rãi và an toàn, nuôi dưỡng da tốt, có tính thẩm mỹ;
  • Rạch da và phẫu tích từng lớp bộc lộ khối u. khối u thường tròn, nhẵn và có ranh giới rõ. Tiếp theo kiểm tra cấu trúc mạch máu, dây thần kinh lân cận trước khi quyết định cắt u toàn bộ hay cắt u bán phần;
  • Cầm máu;
  • Đặt dẫn lưu trong trường hợp ổ mổ rộng và có nguy cơ chảy nhiều máu;
  • Đóng vết mổ.

2.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi sát tình trạng toàn thân của bệnh nhân gồm các chỉ số sinh tồn như nhiệt độ, hô hấp, mạch, huyết áp;
  • Theo dõi tình trạng thần kinh: Dấu hiệu thần kinh khu trú (tình trạng liệt tiến triển);
  • Theo dõi tình trạng chảy máu từ vết mổ;
  • Theo dõi việc dẫn lưu nếu có, thường rút ống dẫn lưu trong vòng 48 giờ đầu sau mổ.

Sau mổ bệnh nhân cần được theo dõi huyết áp, nhiệt độ
Sau mổ bệnh nhân cần được theo dõi huyết áp, nhiệt độ

2.5 Tai biến và cách xử trí

  • Chảy máu: Xử trí bằng cách mổ lại để cầm máu;
  • Nhiễm trùng: Cách xử trí là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc kháng sinh);
  • Liệt tiến triển: Cần theo dõi và điều trị nội khoa (dùng thuốc chống viêm) kết hợp phục hồi chức năng.

Phẫu thuật u thần kinh ngoại biên là thủ thuật cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm dày dặn, trình độ cao và cần sự phối hợp của bệnh nhân. Vì vậy khi được chỉ định thực hiện thủ thuật này người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ. Việc này giúp nâng cao cơ hội trị khỏi bệnh và giảm nguy cơ gặp tai biến.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe