Phẫu thuật tim và các cột mốc quan trọng cần chú ý

Phẫu thuật tim là một trong những thách thức lớn đối với cơ thể người bệnh. Sau phẫu thuật, quá trình hồi phục là bước quan trọng để bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường và thực hiện những hoạt động mà họ yêu thích. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết từng giai đoạn từ lúc xuất viện đến khi bệnh nhân phẫu thuật tim hoàn toàn đủ mạnh mẽ để tham gia vào những hoạt động hằng ngày.

1. Bệnh nhân cần bao nhiêu thời gian để hồi phục sau phẫu thuật tim?

Bệnh nhân phẫu thuật tim luôn nôn nóng muốn biết khi nào cơ thể hồi phục lại hoàn toàn và được làm những việc mà bản thân yêu thích.

Vậy, khi nào bệnh nhân đã sẵn sàng quay lại cuộc sống ngày thường của bản thân? Tất nhiên, tốc độ hồi phục vết thương của mỗi người sẽ khác nhau và bệnh nhân nhất định phải hợp tác tuyệt đối với bác sĩ điều trị của mình.

Bác sĩ phẫu thuật tim Michael Zhen-Yu Tong cho biết: khoảng 80% trường hợp phẫu thuật tim có thể hồi phục trong khoảng thời gian từ sáu đến tám tuần đầu tiên sau phẫu thuật.

2. Khoảng sáu tuần sau khi xuất viện: bắt đầu hoạt động nhẹ nhàng

Sau khi rời khỏi bệnh viện, bệnh nhân có thể quay trở lại thực hiện các thói quen hàng ngày, tuy nhiên mọi việc cần được thực hiện cẩn thận. Bệnh nhân có thể bắt đầu với những công việc nhỏ và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.

Nếu bác sĩ phẫu thuật không có chỉ định đặc biệt nào, bệnh nhân có thể thực hiện những hoạt động như:

● Đi bộ

● Rửa chén

● Nấu ăn

● Lau dọn nhẹ nhàng

● Leo cầu thang

Tuy nhiên, hạn chế việc nâng, kéo, hoặc đẩy bất kỳ thứ gì nặng hơn 10 pounds (khoảng 4.5 kilogram). Bệnh nhân có thể ra ngoài bằng ô tô nhưng không nên tự lái xe.


Bệnh nhân có thể bắt đầu đi bộ nhẹ nhàng sau sáu tuần phẫu thuật tim
Bệnh nhân có thể bắt đầu đi bộ nhẹ nhàng sau sáu tuần phẫu thuật tim

2. Sáu đến mười tuần sau khi xuất viện: làm lành vết phẫu thuật tim hở

Nếu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tim hở, bác sĩ đã thực hiện cắt xương ức trong quá trình phẫu thuật, vết thương sẽ hồi phục khoảng 80% sau khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần.

Từ thời điểm này, cơ thể bệnh nhân sẽ đủ mạnh để có thể thực hiện các hoạt động bình thường như lái xe và bắt đầu quay trở lại làm việc bình thường, trừ trường hợp công việc đòi hỏi nhiều cường độ vận động.

Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần phối hợp thực hiện phục hồi chức năng tim cùng với bác sĩ điều trị của mình. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân tập thể dục và giám sát cẩn thận để tăng cường sức chịu đựng của tim. Thông qua quá trình phục hồi này, bệnh nhân sẽ được bác sĩ theo dõi sát sao tiến triển của bản thân và có thể dần dần tăng cường hoạt động.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân những vấn đề cần thay đổi trong lối sống hằng ngày và xây dựng chế độ ăn để trái tim được khỏe mạnh.

3. Mười tuần sau khi xuất viện: quay trở lại các hoạt động bình thường

Ở giai đoạn này, hầu hết mọi người có thể trở lại với các hoạt động như chạy bộ, quần vợt, trượt tuyết hoặc đánh golf.

Tập thể dục đều đặn - 30 phút, năm lần mỗi tuần - kiểm tra giới hạn tim mạch có thể giúp duy trì sức khỏe tim.

4. Kiểm soát các cơn đau sau phẫu thuật tim

Kiểm soát các cơn đau đóng vai trò quan trọng đẩy nhanh quá trình phục hồi sau phẫu thuật và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm phổi và hình thành huyết khối. Sử dụng đúng thuốc là cách kiểm soát các cơn đau một cách hiệu quả.

Bệnh nhân nên đến bệnh viện để được bác sĩ kê thuốc chống đau và hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng chúng.

Bác sĩ Michael Zhen-Yu Tong cho biết, mọi người thường e ngại thuốc giảm đau có nguy cơ gây nghiện. Đây là một mối e ngại đúng đắn nhưng bác sĩ sẽ có cách hỗ trợ bạn. Họ sẽ có các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn bệnh nhân lạm dụng opioid và lạm dụng thuốc giảm đau. Quan trọng nhất là bệnh nhân cần phải lắng nghe cơ thể của chính mình. Nếu cần, hãy sử dụng thuốc. Nếu không, không nên lạm dụng sử dụng giảm đau.

Nếu bệnh nhân lo ngại về việc sử dụng thuốc giảm đau mạnh, hoặc bản thân đã từng có tiền sử rối loạn sử dụng thuốc đau có thành phần gây nghiện, hãy nói thật với bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các phương pháp giảm đau khác nhau và đưa ra một kế hoạch kiểm soát cơn đau phù hợp.

Bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng thuốc giảm đau theo đơn và acetaminophen (Tylenol) trong những ngày đầu sau khi rời bệnh viện. Sau đó, dần giảm liều lượng thuốc theo đơn. Người đã phẫu thuật tim thường có thể bắt đầu chuyển sang acetaminophen hoặc các loại thuốc giảm đau không gây nghiện trong khoảng một tuần sau khi xuất viện.


Trao đổi với bác sĩ để việc sử dụng thuốc giảm đau sau phẫu thuật tim được hiệu quả
Trao đổi với bác sĩ để việc sử dụng thuốc giảm đau sau phẫu thuật tim được hiệu quả

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, có một số phương pháp sau có thể giúp bệnh nhân thoải mái hơn sau phẫu thuật tim:

● Sử dụng miếng dán lidocaine để giảm đau và ngứa gần vị trí phẫu thuật.

● Giữ một gối gần ngực khi ho hoặc cười sẽ giúp bạn giảm nhẹ đi các cơn đau.

● Sử dụng bình ấm hoặc túi đá để giảm đau. Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn về loại nào phù hợp.

5. Những điều cần lưu ý khi quay trở lại cuộc sống thường ngày sau khi phẫu thuật tim

Tất cả các ca phẫu thuật tim đều có tốc độ hồi phục khác nhau, tuỳ vào tình trạng của từng người.

Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc đang sử dụng steroid có thể mất nhiều thời gian để lành vết thương sau phẫu thuật hơn người bình thường.

Tuổi tác cũng có thể đóng một vai trò quan trọng, người lớn tuổi sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục. Đôi khi, để hồi phục hoàn toàn, họ sẽ mất khoảng từ ba đến sáu tháng sau khi phẫu thuật.

Bác sĩ Tong nói: “Ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình hồi phục của bạn, nguyên tắc chung luôn là giữ cho bản thân không được làm việc quá sức”.

Hãy ngừng các hoạt động gây áp lực và làm đau vết thương. Trong trường hợp, xương ức khó lành sau khi phẫu thuật có thể khiến bệnh nhân đau đớn rất nhiều và quá trình làm lành vết thương sẽ trở nên phức tạp.

Nếu không chắc chắn rằng việc thực hiện một hoạt động nào đó có an toàn hay không, trước tiên, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ phẫu thuật.

Bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ ngay khi xuất hiện các tình trạng sau:

● Vết đỏ trên ngực lớn hơn 1/4 so với bình thường hoặc vết thương chảy dịch giống như mủ. Điều này có thể báo hiệu sự nhiễm trùng.

● Có tiếng trong lồng ngực khi bạn ho hoặc thở sâu. Điều này có thể có nghĩa là dây giữ xương ức của bạn đã bị đứt.

● Xuất hiện các cơn đau bất thường.


Liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi phẫu thuật tim
Liên hệ với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi phẫu thuật tim

Nhìn chung, bệnh nhân hãy cho bản thân thời gian để hồi phục, mỗi tuần sẽ thực hiện hoạt động nhiều hơn một chút. Tiếp tục trao đổi với bác sĩ cho đến khi bản thân bắt kịp các hoạt động bình thường của mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe