Phẫu thuật sửa tĩnh mạch phổi đổ lệch chỗ bán phần

Tĩnh mạch phổi đổ lạc chỗ là một dị tật tim bẩm sinh, xảy ra khi tĩnh mạch phổi không đổ vào tâm nhĩ trái mà đổ vào một vị trí khác, có thể là tâm nhĩ phải hoặc một tĩnh mạch phụ. Tình trạng này gây ra tăng áp lực lên tim phải và giảm thiểu máu giàu oxy đến tim trái để nuôi dưỡng cơ thể. Để điều trị bệnh thì phương pháp cơ bản là sửa những bất thường giải phẫu, đưa tĩnh mạch phổi đổ vào nhĩ trái.

1.Tĩnh mạch phổi đổ lệch

Hệ tuần hoàn có chức năng vận chuyển các chất dinh dưỡng, oxy đi nuôi các cơ quan trong cơ thể và thải các chất bài tiết ra ngoài cơ thể. Hệ tuần hoàn còn có chức năng vận chuyển hormon, có vai trò trong hệ miễn dịch chống nhiễm khuẩn.

  • Với hệ tuần hoàn phổi: Máu sau khi được trao đổi chất, khử oxy được đưa về tĩnh mạch chủ và đổ vào tâm nhĩ phải rồi xuống tâm thất phải, máu từ tâm thất phải được tống vào động mạch phổi để bơm lên phổi. Ở phổi tiến hành quá trình trao đổi giải phóng CO2 và hấp thụ oxy rồi quay lại tim qua tĩnh mạch phổi.

Hình ảnh mô tả hệ tuần hoàn phổi
Hình ảnh mô tả hệ tuần hoàn phổi

  • Vòng tuần hoàn lớn: Tĩnh mạch phổi đổ máu giàu oxy vào tâm nhĩ trái, rồi qua van 2 lá xuống tâm thất trái. Tâm thất trái bơm máu vào động mạch chủ rồi đi nuôi các tế bào trong cơ thể. Sau khi trao đổi chất với tế bào trong cơ thể máu theo đường tĩnh mạch trở về tâm nhĩ phải. Kết thúc vòng tuần hoàn lớn.

Tĩnh mạch phổi đổ lạc chỗ là bệnh bẩm sinh của tim trong đó các tĩnh mạch phổi không đổ vào nhĩ trái mà đổ vào nhĩ phải hoặc đổ vào một tĩnh mạch phụ. Tĩnh mạch phổi đổ lạc chỗ có thể đổ lạc chỗ bán phần là một phần máu vẫn đổ về tâm nhĩ trái, một phần không đổ đúng chỗ tình trạng này dẫn tới tăng áp lực lên tim phải và động mạch phổi, cơ thể bị thiếu nguồn cung cấp oxy và dưỡng chất. Trường hợp tĩnh mạch phổi lạc chỗ hoàn toàn thì toàn bộ máu ở tĩnh mạch phổi đổ vào tâm nhĩ phải làm giãn buồng tim phải, giãn động mạch phổi, còn tim trái bị nhỏ lại.

Bệnh được chẩn đoán bằng siêu âm tim.

Với bệnh lý này mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào mức độ các luồng thông giữa tim trái và phải, mức độ tăng áp lực động mạch phổi và mức độ suy tim của người bệnh. Để điều trị bệnh tĩnh mạch phổi đổ lạc chỗ thì phẫu thuật chỉnh lại vị trí đổ của tĩnh mạch phổi là phương pháp điều trị cơ bản.

2.Phẫu thuật điều trị tĩnh mạch phổi đổ lệch bán phần


Bệnh nhân có triệu chứng khó thở sẽ được chỉ định phẫu thuật
Bệnh nhân có triệu chứng khó thở sẽ được chỉ định phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh đã được chẩn đoán xác định là tĩnh mạch phổi đổ lạc chỗ bán phần.
  • Bệnh nhân có kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng lâm sàng như: Khó thở, tím tái, nhiễm trùng tái phát nhiều lần, trẻ chậm phát triển.
  • Bệnh nhân có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi, kháng lực mạch máu phổi < 8 đơn vị Wood.

Phương pháp phẫu thuật này không có chống chỉ định tuyệt đối, chỉ có một vài chống chỉ định tương đối. Bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Tăng áp lực phổi cố định
  • Bệnh nhân có suy tim, suy gan thận nặng.
  • Bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp.
  • Đang trong tình trạng nhiễm khuẩn tiến triển. Cần điều trị hết nhiễm khuẩn.
  • Tăng áp phổi cố định trong hội chứng Eisenmenger (là hội chứng liên quan tới những khuyết tật của tim làm ảnh hưởng tới lưu lượng máu đến tim).

Bệnh nhân bị tim bẩm sinh cần cân nhắc điều trị theo phương pháp phẫu thuật điều trị tĩnh mạch phổi đổ lệch bán phần
Bệnh nhân bị tim bẩm sinh cần cân nhắc điều trị theo phương pháp phẫu thuật điều trị tĩnh mạch phổi đổ lệch bán phần

Các bước tiến hành phẫu thuật.

Chuẩn bị:

  • Người thực hiện:
  • Bác sĩ ngoại khoa phẫu thuật chính
  • Bác sĩ gây mê và điều dưỡng phụ gây mê
  • Kíp phục vụ dụng cụ cần 2 điều dưỡng.
  • Kíp vận hành máy tim phổi nhân tạo cần 2 bác sĩ hoặc kỹ thuật viên.
  • Người bệnh
  • Giải thích với gia đình và người bệnh về những vấn đề có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật.
  • Ngày trước khi phẫu thuật bệnh nhân được tắm rửa 2 lần nước có pha betadine và thay toàn bộ quần áo sạch.
  • Ngực được làm sạch bằng dung dịch betadine trước khi bôi dung dịch sát khuẩn lên vùng phẫu thuật.
  • Phương tiện phẫu thuật
  • Máy thở, monitor theo dõi huyết áp động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương, điện tim, bão hoà oxy trong máu SpO2...
  • Bộ tim phổi máy và ống ca-nuyn.
  • Đồ phẫu thuật tim, lồng ngực
  • Chỉ đóng vết mổ, monofil và chỉ thép đóng xương ức

Các bước tiến hành phẫu thuật:

Bệnh nhân:

  • Bệnh nhân nằm ngửa có gối độn dưới vai.
  • Gây mê nội khí quản
  • Các đường theo dõi xâm lấn theo dõi huyết áp động mạch...
  • Dùng kháng đông Heparin.

Kỹ thuật:

  • Mở đường giữa xương ức.
  • Lắp đặt hệ thống ống động mạch, tĩnh mạch, kết nối tim với hệ thống tim phổi nhân tạo. Bơm dung dịch liệt tim để ngừng tim.
  • Mở các buồng tim trái và phải đánh giá chính xác các thương tổn.
  • Xử lý các thương tổn giải phẫu
  • Thắt đường tĩnh mạch phổi đổ về lạc chỗ về tim phải.
  • Thực hiện các miệng nối hoặc tạo các đường dẫn để nhằm mục đích đưa máu từ hệ tĩnh mạch phổi đổ về tim trái.
  • Vá các luồng thông giữa các buồng tim, luồng thông hay gặp nhất là thông liên nhĩ.
  • Sau khi xử lý đóng kín các buồng tim.
  • Cầm máu, đặt hệ thống dẫn lưu, điện cực.
  • Đóng màng tim, đóng xương ức và thành ngực lại.

3. Theo dõi và xử lý những tai biến sau phẫu thuật


Sau phẫu thuật cần chụp X quang theo dõi
Sau phẫu thuật cần chụp X quang theo dõi

3.1. Theo dõi

  • Sau phẫu thuật cần theo dõi chặt chẽ người bệnh, cần theo dõi: Mạch, nhiệt độ điện tim, huyết áp động mạch (tối đa, tối thiểu và huyết áp động mạch trung bình), huyết áp tĩnh mạch trung tâm, độ bão hòa oxy, số lượng nước tiểu, các thông số máy thở, tình trạng tinh thần của bệnh nhân mỗi giờ 1 lần trong 24 giờ sau phẫu thuật.
  • Theo dõi các ống dẫn lưu: Tính chất dịch mỗi giờ 1 lần để phát hiện sớm bất thường. Nếu có dấu hiệu chảy máu, tiến hành phẫu thuật lại sớm để cầm máu.
  • Sử dụng thuốc hạ áp phổi nếu có triệu chứng tăng áp trước phẫu thuật
  • Chụp X quang theo dõi tại giường.
  • Xét nghiệm vào thời gian quy định: Khí máu, điện giải đồ, công thức máu.
  • Khám định kỳ sau khi ra viện khoảng 6 tháng 1 lần.
  • Theo dõi qua 3 năm nếu không có gì bất thường coi như khỏi bệnh.

3.2. Những tai biến có thể gặp sau phẫu thuật

Cần theo dõi kỹ sau phẫu thuật để phát hiện sớm những bất thường như:

  • Chảy máu sau phẫu thuật phát hiện bằng cách theo dõi dịch dẫn lưu.
  • Tràn khí hay tràn máu màng phổi
  • Loạn nhịp tim

Tĩnh mạch phổi đổ lệch chỗ nếu không sớm điều trị sẽ dẫn tới hệ quả là suy tim, trẻ thường xuyên bị nhiễm khuẩn, chậm phát triển thể chất và trí tuệ do thiếu oxy nuôi dưỡng. Phẫu thuật sớm khi đủ điều kiện tiến hành phẫu thuật thì tiên lượng tốt và giảm thiểu nguy cơ do bệnh gây ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe