Chẩn đoán và điều trị kịp thời thuyên tắc mạch phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Thuyên tắc phổi là tình trạng một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi, ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó, gây trở ngại cho việc trao đổi không khí và có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

1. Thuyên tắc mạch phổi là gì?

Thông thường, máu lưu thông qua phổi từ tim phải để lấy oxy và loại bỏ khí carbon dioxide (cơ chế trao đổi khí). Sau đó, máu lưu thông từ phổi trở về tim trái để bơm ra phần còn lại của cơ thể. Thuyên tắc mạch phổi (thuyên tắc phổi - pulmonary embolism - PE) là tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi, ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó, gây trở ngại cho việc trao đổi khí. Tắc mạch phổi cấp tính xảy ra khi các cục máu đông di chuyển từ các bộ phận khác (đặc biệt là chân) đến phổi bị tắc nghẽn. Tùy thuộc vào kích thước cục máu đông và số lượng các mạch máu có liên quan, thuyên tắc phổi có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân và cần điều trị ngay lập tức.


Thuyên tắc mạch phổi (thuyên tắc phổi - pulmonary embolism - PE) là tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi, ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó
Thuyên tắc mạch phổi (thuyên tắc phổi - pulmonary embolism - PE) là tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi, ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng đó

2. Chẩn đoán thuyên tắc mạch phổi

2.1 Chẩn đoán lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tìm hiểu triệu chứng bệnh nhân đang gặp phải, tiền sử bệnh lý và khám lâm sàng để xác định người bệnh có mắc thuyên tắc mạch phổi hay không. Các triệu chứng cảnh báo thuyên tắc phổi gồm:

  • Khó thở, thở khò khè, thường khởi phát đột ngột, khó thở cả khi gắng sức và khi nghỉ ngơi;
  • Choáng váng, đau ngực, đau nhói khi hít vào, tim đập nhanh;
  • Sốt nhẹ, mất ý thức, ho ra máu.

Khám lâm sàng thấy bệnh nhân thở nhanh, nhịp tim nhanh, ran phổi, rung thanh giảm, tĩnh mạch cổ nổi, sưng, nóng đỏ, đau chi dưới nếu có kèm theo huyết khối tĩnh mạch sâu.

2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

Những phương pháp xét nghiệm có thể được sử dụng để xác định chẩn đoán thuyên tắc mạch phổi gồm:

  • Siêu âm mạch máu chi dưới: Siêu âm Doppler tĩnh mạch chi dưới được sử dụng để giúp bác sĩ có thể quan sát dòng chảy của máu trong tĩnh mạch chân và vị trí bị tắc nghẽn. Đây là kỹ thuật đơn giản, không xâm lấn, có thể quan sát được huyết khối tĩnh mạch sâu. Nếu phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ có thể nghi ngờ thuyên tắc mạch phổi là nguyên nhân gây ra các triệu chứng như khó thở hoặc đau ngực. Tuy nhiên, nếu siêu âm cho kết quả âm tính (không nhìn thấy cục máu đông) thì cũng không loại trừ được huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi vì có thể không nhìn thấy được cục máu đông trên màn hình siêu âm. Trong trường hợp này, bác sĩ cần phải thực hiện các xét nghiệm khác;
  • Xét nghiệm D-dimer trong máu: Giúp phát hiện sản phẩm phân hủy của một cục máu đông. Nếu nồng độ D-dimer trong máu cao, nhiều khả năng đã có một cục máu đông trong tĩnh mạch của bệnh nhân và đó là dấu hiệu cảnh báo thuyên tắc mạch phổi. Tuy nhiên, xét nghiệm này vẫn có thể dương tính trong một số tình huống như ở bệnh nhân mới phẫu thuật hoặc đang mang thai. Khi kết quả xét nghiệm D-dimer âm tính thì khả năng cao bệnh nhân không bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, nếu người bệnh có nguy cơ cao thuyên tắc mạch phổi, bác sĩ nghi ngờ có cục máu đông thì dù kết quả xét nghiệm D-dimer âm tính, bệnh nhân vẫn cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác;
  • Siêu âm tim thuyên tắc phổi: Là phương pháp chẩn đoán hữu ích đối với những trường hợp bị thuyên tắc lớn vì siêu âm có thể giúp bác sĩ nhìn thấy cục máu đông lớn trong phổi hoặc gián tiếp thấy được ảnh hưởng của nó lên tim. Tuy nhiên, siêu âm tim thường khó phát hiện được thuyên tắc phổi nhỏ;
  • Xạ hình phổi: Còn được gọi là V/Q scan hay xạ hình thông khí/tưới máu phổi là phương pháp quét chuyên biệt giúp bác sĩ quan sát được tuần hoàn phổi. Phương pháp này hữu ích vì có thể cho kết quả khá chính xác là có thuyên tắc phổi hay không. Xạ hình phổi được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt như dị ứng với thuốc cản quang sử dụng trong CTPA, bệnh thận mãn tính. Tuy nhiên, phương pháp này hiện ít được áp dụng, thường được thay thế bằng MRI;
  • Chụp CT scanner đa đầu dò có cảnh quang (CTPA): Là phương pháp chụp được mạch máu phổi nhờ thuốc cản quang, giúp bác sĩ có thể nhìn thấy các động mạch phổi rõ hơn. CTPA hiện được xem là tiêu chuẩn vàng không xâm lấn để chẩn đoán thuyên tắc mạch phổi;
  • Các xét nghiệm thường quy khác: Các xét nghiệm khác về tim, phổi và máu thường được chỉ định để giúp chẩn đoán bệnh hoặc phát hiện ra các bệnh lý khác. Điện tim (điện tâm đồ hoặc ECG thuyên tắc phổi), xét nghiệm máu, xét nghiệm khí máu động mạch, chụp X-quang ngực,... là các phương pháp thường được sử dụng.

Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp được sử dụng để chẩn đoán thuyên tắc phổi
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp được sử dụng để chẩn đoán thuyên tắc phổi

2.3 Chẩn đoán phân biệt

Khi chẩn đoán thuyên tắc mạch phổi, cần chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác gây những triệu chứng tương tự như sốc, đau ngực, khó thở, tụt huyết áp,... Các bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt với thuyên tắc phổi là:

3. Điều trị thuyên tắc mạch phổi

Điều trị thuyên tắc mạch phổi do cục máu đông chủ yếu là điều trị chống đông máu và thở oxy trong giai đoạn đầu để cải thiện tình trạng khó thở và giảm oxy máu. Phương pháp trị bệnh cụ thể là:

3.1 Sử dụng thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông còn gọi là thuốc làm loãng máu. Loại thuốc này làm thay đổi một số chất trong máu để ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông. Tuy nhiên, nó không hòa tan được các cục máu đông đã hình thành. Thuốc chống đông có công dụng ngăn chặn cục máu đông ở phổi trở nên lớn hơn và ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông mới. Sau đó, cơ chế tự sửa chữa của cơ thể sẽ làm việc để tự phá vỡ các cục máu đông.

Điều trị bằng thuốc chống đông thường bắt đầu ngay lập tức sau khi nghi ngờ thuyên tắc mạch phổi để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm. Thuốc chống đông có 2 dạng là dạng tiêm và viên uống (hoặc dạng siro cho người không thể nuốt được thuốc viên).

  • Dạng tiêm là heparin chuẩn (heparin không phân đoạn) hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp. Heparin chuẩn được tiêm tĩnh mạch (thường ở cánh tay), sử dụng cho thuyên tắc phổi có nguy cơ cao và người có bệnh lý đi kèm như bệnh thận mãn tính. Heparin trọng lượng phân tử thấp được tiêm dưới da vùng bụng. Heparin trọng lượng phân tử thấp cũng được sử dụng với liều lượng thấp hơn để ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (thuyên tắc mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu) ở một số bệnh nhân nằm viện, đặc biệt là những người đã hoặc đang trải qua phẫu thuật lớn). Một loại thuốc là natri fondaparinux cũng có thể được dùng bằng đường tiêm trong một số trường hợp để ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hoặc điều trị thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Thuốc viên hoặc siro được sử dụng để dự phòng thuyên tắc phổi là warfarin, sintrom (acenocoumarol). Ngoài ra, một số loại thuốc có tác dụng tương tự warfarin như rivaroxaban, apixaban cũng có thể được sử dụng để thay thế warfarin.

Thông thường, thuốc tiêm được sử dụng khi bắt đầu điều trị vì chúng có hiệu quả ngay lập tức. Sau khi tiêm thuốc và chẩn đoán xác định thuyên tắc phổi, bệnh nhân có thể được chỉ định uống warfarin. Warfarin thường mất vài ngày để có thể phát huy đầy đủ tác dụng.

Việc điều trị thuyên tắc mạch phổi bằng thuốc chống đông máu được tiếp tục cho tới 3 tháng sau trong hầu hết các trường hợp. Nếu bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc trở lại thì có thể kéo dài thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Với bệnh nhân thuyên tắc phổi khi đang mang thai, tiêm heparin sẽ được ưu tiên hơn warfarin vì warfarin có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.


Việc điều trị thuyên tắc mạch phổi bằng thuốc chống đông máu được tiếp tục cho tới 3 tháng sau trong hầu hết các trường hợp
Việc điều trị thuyên tắc mạch phổi bằng thuốc chống đông máu được tiếp tục cho tới 3 tháng sau trong hầu hết các trường hợp

3.2 Điều trị hỗ trợ

Các biện pháp điều trị giúp cơ thể đối phó với ảnh hưởng của thuyên tắc phổi gồm:

  • Thở oxy để giảm khó thở;
  • Truyền dịch tĩnh mạch để hỗ trợ tuần hoàn;
  • Theo dõi sát và chăm sóc tích cực nếu bệnh nhân không khỏe hoặc thuyên tắc phổi lớn.

3.3 Các phương pháp điều trị bổ sung

Các biện pháp dưới đây được sử dụng để điều trị thuyên tắc phổi lớn, bệnh nhân rất yếu hoặc không thể điều trị kháng đông:

  • Dùng thuốc tiêu huyết khối (thrombolysis): Là loại thuốc giúp hòa tan cục máu đông đã hình thành. Thuốc thường được sử dụng là Alteplase, có thể thay thế bằng streptokinase hoặc urokinase. Loại thuốc này mạnh hơn thuốc điều trị kháng đông là heparin và warfarin nhưng có nguy cơ cao gây ra tác dụng phụ như chảy máu não;
  • Sử dụng màng lọc tĩnh mạch chủ dưới: Một màng lọc được đặt trong tĩnh mạch chủ dưới (tĩnh mạch lớn dẫn máu về tim) để ngăn chặn cục máu đông trôi về phổi. Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp chỉ sử dụng thuốc chống đông không điều trị hiệu quả thuyên tắc mạch phổi hoặc bệnh nhân không thể dùng thuốc chống đông do một vấn đề về sức khỏe nào khác;
  • Phẫu thuật loại bỏ huyết khối (embolectomy): Là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân thuyên tắc mạch phổi rất nặng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật. Bên cạnh đó, bệnh nhân không thể sử dụng thuốc chống đông hoặc thuốc làm tan huyết khối do có nguy cơ chảy máu cao cũng có thể được đề nghị phẫu thuật loại bỏ huyết khối. Đây là phẫu thuật lớn, tiến hành bên trong lồng ngực, gần với tim và có xác suất nguy hiểm khá cao nên đòi hỏi cần phải thực hiện bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm tại bệnh viện lớn;
  • Loại bỏ cục máu đông qua ống thông (catheter embolectomy): Tiến hành bằng cách luồn một ống thông nhỏ vào mạch máu bệnh nhân cho tới khi nó tiếp cận cục máu đông thì bác sĩ có thể lấy cục máu đông ra ngoài hoặc phá vỡ cục máu đông bằng các dụng cụ đưa qua ống thông. Đây là phương pháp điều trị chuyên sâu, chỉ có sẵn ở một số bệnh viện lớn.

Tiên lượng thuyên tắc mạch phổi phụ thuộc chủ yếu vào loại thuyên tắc phổi và sự hiện diện của các bệnh lý khác kèm theo. Nếu được điều trị kịp thời, tiên lượng bệnh khá tốt và bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Sau điều trị thuyên tắc phổi, bệnh nhân nên tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh, dùng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh nằm quá lâu hoặc lười vận động, không hút thuốc lá, không mặc đồ bó sát,... để trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ bệnh tăng nặng hoặc tái phát.


Sau khi điều trị thuyên tắc phổi bệnh nhân không nên hút thuốc lá
Sau khi điều trị thuyên tắc phổi bệnh nhân không nên hút thuốc lá

Hiện nay, tại Bệnh Viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec đang áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị cấp cứu bệnh nhân bị tắc mạch phổi. Với trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho kết quả CT perfusion trong vòng 7 phút và thực hiện thường quy. Kỹ thuật được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, nhằm đạt kết quả tối ưu nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe