Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Rò niệu đạo âm đạo là sự hiện diện của một khe hở không bình thường kết nối âm đạo với bàng quang. Đây là bệnh lý gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng sống của bệnh nhân nên cần được điều trị sớm. Phẫu thuật rò niệu đạo âm đạo là phương pháp điều trị lý tưởng cho bệnh nhân.
1. Tổng quan về rò niệu đạo - âm đạo
Rò âm đạo là tình trạng xuất hiện một khe hở không bình thường kết nối âm đạo với một cơ quan khác như bàng quang, trực tràng hoặc ruột kết. Lỗ rò âm đạo có thể do bẩm sinh hoặc xuất hiện sau một chấn thương, phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc bức xạ trị liệu. Biểu hiện của bệnh là người bệnh tiểu ra tia nước yếu, nước tiểu rò một phần vào âm đạo. Và dù xuất hiện do bất kỳ nguyên nhân gì, nguyên tắc chung của điều trị là đóng lại lỗ rò, tránh nhiễm trùng ngược dòng hệ tiết niệu, trả lại chất lượng cuộc sống.
Trong trường hợp lỗ rò niệu đạo âm đạo nhỏ, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp đốt điện đường rò, tiêm, bôi keo sinh học, kết hợp đặt dẫn lưu bàng quang để giúp đường rò hóa sẹo. Các trường hợp khác sẽ phải thực hiện phẫu thuật.
Trước khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra các mô xung quanh có khỏe mạnh không, nếu không cần chữa lành trước. Với người bệnh bị viêm ruột, bác sĩ sẽ không thực hiện mổ rò niệu đạo âm đạo khi các triệu chứng bùng phát.
Lời khuyên cho bệnh nhân là nên thực hiện phẫu thuật sớm khi các mô xung quanh vị trí bị rò còn mềm mại, chưa bị xơ cứng do viêm kéo dài. Từ lỗ rò, các bác sĩ sẽ bóc tách các tổ chức một diện tích đủ rộng để khâu đóng kín lỗ rò.
2. Phương pháp phẫu thuật rò niệu đạo - âm đạo
2.1 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- Rò niệu đạo âm đạo bẩm sinh;
- Rò niệu đạo âm đạo do các nguyên nhân mắc phải.
Chống chỉ định
- Khi đang nhiễm khuẩn đường niệu dục.
2.2 Chuẩn bị phẫu thuật
- Bệnh nhân và gia đình cần được giải thích trước mổ về tình trạng bệnh, tình trạng chung, những tai biến có thể xảy ra do phẫu thuật, gây mê, do cơ địa,...;
- Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn cơ thể do các bệnh mãn tính hoặc cơ địa;
- Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, tiểu đường,... trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu);
- Truyền máu nếu người bệnh bị thiếu máu nhiều;
- Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh toàn thân, đặc biệt là vùng phẫu thuật;
- Sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ;
- Phương tiện: Bộ phẫu thuật đại phẫu.
2.3 Tiến hành phẫu thuật
- Đặt người bệnh ở tư thế sản khoa;
- Sát trùng vùng bụng dưới rốn, âm đạo và tầng sinh môn;
- Bộc lộ âm đạo và lỗ rò niệu đạo âm đạo;
- Khâu vén mép môi bé ra da, đặt ống thông niệu đạo, đặt valve thành sau âm đạo;
- Phẫu tích đường rò;
- Tiêm dung dịch lidocain + huyết thanh mặn 0,9% + adrenaline 1:200.000 vào lớp dưới niêm mạc thành âm đạo;
- Rạch vòng quanh chu vi lỗ rò ở thành âm đạo, tách rời thành âm đạo khỏi lỗ rò và thành niệu đạo;
- Cắt đường rò đóng kín lỗ rò ở thành niệu đạo bằng chỉ tiêu chậm;
- Đóng lại thành âm đạo;
- Đặt mèche tẩm bétadine âm đạo.
2.4 Theo dõi và xử trí tai biến
Theo dõi
- Nhiễm trùng vết mổ: Vết mổ tấy đỏ, mưng mủ, tụ máu tầng sinh môn;
- Tiểu khó: Sau rút sonde tiểu, người bệnh tiểu khó hoặc không tiểu được.
Xử trí tai biến
- Nhiễm trùng: Cần thay băng, đặt gạc tẩm bétadine âm đạo;
- Tiểu khó, bí tiểu: Đặt lại ống thông niệu đạo, lưu ống thông 3 ngày.
Sau khi phẫu thuật rò niệu đạo - âm đạo, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc, vệ sinh và dinh dưỡng. Nếu có những dấu hiệu bất thường như sốt, đau, sưng hoặc đỏ ở vị trí phẫu thuật, bệnh nhân cần đi khám ngay lập tức.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.