Rò âm đạo là khi có một lỗ mở bất thường kết nối âm đạo của người phụ nữ với một cơ quan khác, chẳng hạn như niệu đạo, bàng quang, đại tràng hoặc trực tràng. Người bệnh có thể đi khám khi thấy tình trạng són phân hoặc nước tiểu đi qua âm đạo kéo dài, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Rò âm đạo có thể hình thành do chấn thương, phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc xạ trị hay là dị tật bẩm sinh. Dù nguyên nhân của lỗ rò là gì, việc phẫu thuật đóng lỗ rò âm đạo để khôi phục chức năng bình thường của hệ niệu là luôn cần có chỉ định.
1. Lỗ rò âm đạo là gì?
Lỗ rò âm đạo xảy ra khi có một lỗ mở bất thường giữa đường âm đạo với các cơ quan khác trong vùng chậu, niệu đạo, bàng quang, đại tràng hoặc trực tràng. Kết quả có thể là phân và nước tiểu rò rỉ vào âm đạo do kết nối bất thường này. Trong đó, do đặc điểm giải phẫu vùng niệu dục ở giới nữ, lỗ rò giữa âm đạo và niệu đạo là thường gặp nhất.
Nguyên nhân của những lỗ rò có ảnh hưởng trên đường tiết niệu thường là do các tổn thương mô của đường tiết niệu, vùng chậu hoặc âm đạo và có thể tạo điều kiện hình thành lỗ rò. Rò rỉ nước tiểu vào âm đạo có thể phát triển từ một chấn thương hoặc tai nạn, phẫu thuật, điều trị xạ trị hoặc do nhiễm trùng dù nguyên nhân này ít gặp. Tiến triển của lỗ rò có thể mở ra sau khi mô bị vỡ theo thời gian, từ vài ngày đến nhiều năm.
Trong thực tế, lỗ rò âm đạo xảy ra là biến chứng của các tình huống sau:
- Cắt trọn tử cung
- Sinh mổ bắt con
- Phẫu thuật khác trên thành sau của âm đạo, đáy chậu, hậu môn hoặc trực tràng
- Các khối u ác tính ở vùng xương chậu, chẳng hạn như ung thư ruột già hoặc ung thư cổ tử cung
- Điều trị xạ trị cho ung thư vùng chậu, có thể làm cho mô trở nên mỏng manh và dễ vỡ
- Bệnh lý viêm ruột mạn tính hoặc viêm túi thừa
- Nhiễm trùng vết mổ tầng sinh môn sau chuyển dạ sinh con.
2. Triệu chứng lỗ rò âm đạo như thế nào?
Sự hiện diện của lỗ rò thường không đau, ngoại trừ khi có dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm nhiễm. Hầu hết mọi phụ nữ đều có thể tự nhận thức được rằng bản thân đang có một lỗ rò bất thường. Lúc này, điều khiến họ đi khám bệnh vì các triệu chứng bao gồm:
- Chất lỏng rò rỉ từ âm đạo liên tục có bản chất là nước tiểu
- Khí hư chảy ra từ âm đạo lượng nhiều
- Phân rò rỉ vào âm đạo nếu có kèm rò đại tràng, trực tràng
- Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên
- Có khí thoát ra từ niệu đạo trong khi đi tiểu
- Tăng nhạy cảm, kích thích ở vùng âm hộ
- Đau bụng âm ỉ thường xuyên.
3. Cách chẩn đoán lỗ rò âm đạo như thế nào?
Những triệu chứng của người bệnh cùng với tiền căn từng có những can thiệp vào vùng niệu dục sẽ giúp định hướng dễ dàng đến chẩn đoán lỗ rò âm đạo.
Tuy nhiên, để xác chẩn cũng như khảo sát các đặc điểm của đường rò, cấu trúc giải phẫu của các bộ phận liên quan nhằm hỗ trợ cho quá trình can thiệp, bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm:
- Một mẫu nước tiểu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, nhằm kiểm tra nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác trong đường tiết niệu.
- Công thức máu toàn bộ để tìm kiếm các chỉ số của nhiễm trùng
- Chụp hệ niệu dưới bằng cách sử dụng thuốc nhuộm tương phản được tiêm vào đường tiết niệu và chụp X-quang để kiểm tra bàng quang, niệu đạo và phát hiện lỗ rò âm đạo hay cơ quan khác
- Nội soi bàng quang để khảo sát niệu đạo và bàng quang, tìm kiếm lỗ rò hoặc tổn thương khác
- Nội soi tử cung để khảo sát âm đạo, tìm kiếm lỗ rò hoặc tổn thương khác
- Nội soi đại tràng để khảo sát hậu môn và trực tràng, kiểm tra lỗ rò hoặc tổn thương khác
- Chụp cắt lớp vùng chậu hay chụp cộng hưởng từ nhằm dựng lại hình ảnh chi tiết của các cơ quan nội tạng và mô trong vùng sàn chậu, giúp bác sĩ xác định vị trí lỗ rò, xác định kích thước và định hướng can thiệp.
4. Làm cách nào để điều trị lỗ rò âm đạo?
Dù lỗ rò âm đạo hình thành do nguyên nhân nào, một khi đã biểu hiện triệu chứng thì trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật để đóng lỗ rò âm đạo là luôn có chỉ định.
Trước khi tiến hành can thiệp, bác sĩ phẫu thuật cần xác định rõ ràng loại và vị trí của lỗ rò. Trong thực thế, một số phẫu thuật có thể được thực hiện qua âm đạo trong khi đó lại có một số được thực hiện qua ngã bụng. Mặt khác, một số trường hợp lại có thể được sửa chữa bằng phẫu thuật nội soi, mọi thao tác chỉ thực hiện thông qua các vết mổ rất nhỏ hoặc phẫu thuật bằng robot liên quan đến các vi cử động rất chính xác.
Mục tiêu của phẫu thuật là sửa chữa lỗ rò để mô khỏe mạnh có thể phát triển và đóng lỗ rò, khôi phục chức năng bình thường của các cơ quan bị ảnh hưởng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ làm việc để loại bỏ các mô bị hỏng và cũng như bất kỳ mô bất thường nào khác như khối u có thể ảnh hưởng đến lỗ rò.
Theo đó, trước khi phẫu thuật, người bệnh và gia đình luôn được giải thích rất rõ về quy trình sẽ tiến hành, về mục tiêu điều trị cũng như nguy cơ có thể xảy ra quanh phẫu thuật và sau phẫu thuật. Đối với nhóm bệnh nhân có các bệnh lý nội khoa đi kèm, những đối tượng này cần phải được ổn định và đảm bảo tình trạng chung trước, từ đó hạn chế khả năng xảy ra những tai biến có liên quan do cơ địa, bệnh tật. Trước ngày phẫu thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn nhịn ăn, thụt tháo nhằm làm trống toàn bộ khung đại tràng, vệ sinh vùng phẫu thuật và tắm rửa toàn thân bằng dung dịch sát khuẩn, thay trang phục theo quy định.
Ngay khi chuyển vào phòng mổ, vì đây là phẫu thuật nhiễm nên mọi bệnh nhân đều cần được dùng kháng sinh dự phòng trước mổ. Phẫu thuật viên sẽ bắt đầu bằng việc sát trùng toàn bộ phẫu trường, bao gồm vùng bụng dưới rốn, âm đạo và tầng sinh môn. Một ống thông niệu đạo sẽ được đặt vào niệu đạo để dẫn nước tiểu từ bàng quang trực tiếp ra ngoài, lưu trữ trong túi treo bên bàn mổ. Sau đó, đường ống âm đạo và lỗ rò niệu đạo âm đạo sẽ được bộc lộ bằng dụng cụ phụ khoa chuyên biệt gọi là mỏ vịt. Nhờ vậy, bác sĩ có thể gây tê tại chỗ và phẫu tích đường rò, lọc bỏ mô đã tổn thương vòng quanh chu vi lỗ rò ở thành âm đạo. Kế tiếp, thành âm đạo tại lỗ rò sẽ được tách rời khỏi thành niệu đạo, đường rò sẽ bị cắt bỏ và miệng ngoài lỗ rò được đóng kín ở phía bên thành niệu đạo bằng chỉ tiêu chậm. Tương tự như vậy, miệng ngoài lỗ rò bên phía thành âm đạo cũng được khâu kín. Cuối cùng, toàn bộ vùng này sẽ được kiểm tra, đảm bảo không còn đường rò tồn dư và sẽ sát trùng kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật chấm dứt.
Sau phẫu thuật đóng các lỗ rò âm đạo, các bệnh nhân sẽ cần phải lưu ống thông trong bàng quang trong vài tuần. Ống thông chỉ có thể được rút bỏ khi khu vực lỗ rò đã lành hẳn. Ngược lại, việc rút ống quá sớm sẽ khiến các mô non mới mọc để đóng lỗ rò bị tổn thương, dẫn đến khả năng hình thành đường rò tái phát. Đồng thời, người bệnh cũng cần được dặn dò kiêng các hoạt động tình dục xâm nhập trong giai đoạn này cũng như những can thiệp vào âm đạo như vệ sinh thụt rửa...
Đóng các lỗ rò âm đạo bằng can thiệp phẫu thuật là luôn có chỉ định. Vậy nên, người phụ nữ cần biết các thông tin đầy đủ về bệnh lý này, đi thăm khám sớm nhằm được tiến hành điều trị thích hợp. Từ đó, bệnh nhân mới có thể lấy lại được sự tự tin trong cuộc sống cũng như niềm hạnh phúc lứa đôi.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, denverurology.com