Hiện nay, phẫu thuật nội soi phá nang màng nhện dịch não tủy là phương pháp điều trị quan trọng nhất. Phương pháp phẫu thuật này ít xâm lấn và hiệu quả bởi người ta sử dụng nội soi để mở thành nang thông với khoang dưới nhện, hoặc thông với não thất.
1 Nang màng nhện não là gì ?
Nang màng nhện não thực chất là 1 nang nước có trong tủy sống hoặc não có chứa dịch não tủy, có hoặc có ít sự thông thương với khoang dưới nhện. Theo thống kê, có khoảng hơn 50% nang màng nhện khu trú ở hố sọ giữa. Ngoài ra, nang có thể gặp ở góc cầu - tiểu não khoảng 11%, vùng trên yên khoảng 9%, hố sau và ngay cả ống sống.
Nguyên nhân gây ra nang này là do bẩm sinh, xuất phát từ quá trình phân tách màng nhện khi còn là bào thai, thường là dạng tổn thương lành tính. Nang được giới hạn bởi 2 lớp màng trong và ngoài, màng này được tạo thành từ các lá của tế bào màng nhện, một số nhỏ khác từ lớp tế bào màng ống nội tủy, tế bào thần kinh đệm khác...
Triệu chứng của bệnh nang màng nhện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thường có các biểu hiện như sau :
- Động kinh
- Nang sẽ làm tăng kích thước gây ra những triệu chứng chèn ép dây thần kinh sọ, não, hoặc tủy sống.
- Tiến triển lâm sàng trên người bệnh đột ngột xấu đi
- Tăng áp lực nội sọ gồm các triệu chứng như: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, ...
2. Phẫu thuật nội soi phá nang màng nhện dịch não tủy
2.1 Chỉ định phẫu thuật nội soi
Chúng ta có thể thực hiện phẫu thuật nội soi đối với các loại nang màng nhện sau:
- Nang dịch màng nhện vùng hố yên
- Nang dịch màng nhện vùng góc cầu tiểu não
- Nang dịch màng nhện vùng lỗ chẩm (vùng bể lớn)
- Nang dịch màng nhện cạnh não thất
- Nang dịch màng nhện vùng thái dương
2.2 Chống chỉ định phẫu thuật nội soi
Không có chống chỉ định đối với phương pháp nội soi trong điều trị nang dịch mạng nhện. Phương pháp nội soi này sẽ thành công khoảng 50% đối với những nang màng nhện vùng thái dương và thành công 95% đối với những nang dịch màng nhện vùng hố yên.
2.3. Các bước tiến hành phẫu thuật
- Bước 1: Chuẩn bị hệ thống định vị neuronavigation cần thiết phải chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ in đĩa CD; dụng cụ nội soi, nguồn sáng, sắp đặt vị trí hệ thống nội soi, cáp quang, màn hình.
- Bước 2: Chuẩn bị mổ theo quy trình mổ (vệ sinh, kháng sinh dự phòng); khám gây mê hồi sức.
- Bước 3 : Mở nắp sọ: Rạch da, bộc lộ xương sọ, khoan và mở nắp sọ; Vị trí rạch da, mở nắp sọ tùy thuộc vị trí, kích thước nang dịch và đường mổ.
- Bước 4: Mở xương: Đường ngắn nhất từ nơi rạch da tới nang, không qua vùng chức năng, không qua vùng nhiễm trùng. Mở màng cứng và tiếp cận nang dịch màng nhện. Bộc lộ phần thành trước nang sao cho đủ rộng để ống nội soi và các dụng cụ khác có thể đưa vào trong lòng nang dịch qua phần thành nang sẽ được mở.
- Bước 5: Cắt nang hoặc mở thông nang. Mở thành trước nang rồi sau đó hút nước não tủy. Tiếp đó, đưa ống nội soi vào trong nang và đánh giá mặt trong nang dịch, cấu trúc thành nang, dây thần kinh, bể nước não tủy, mạch máu và não thất ngay sát nang dịch dưới nhện.
- Bước 6: Xác định vị trí thành nang sẽ mở thông hoặc phần thành nang sẽ cắt bỏ; Trong trường hợp khó xác định vị trí thành nang sẽ mở thông và cần sự trợ giúp của hệ thống neuronavigation. Trường hợp thành nang rộng, cắt bỏ một phần thành nang; Kiểm tra kỹ trong nang trước khi đóng màng cứng.
- Bước 7: Đóng vết mổ: bao gồm đóng màng cứng, cố định nắp sọ và đóng da.
3. Theo dõi sau phẫu thuật
- Ngay sau mổ chúng ta cần theo dõi hô hấp, tuần hoàn, tri giác, liệt, đồng tử, liệt các dây thần kinh sọ, rối loạn cảm giác.
- Trường hợp chảy máu vết mổ: Thay băng, băng ép, khâu vết thương thường xuyên.
- Trường hợp chảy máu trong sọ: Tri giác xấu dần, liệt tăng dần, giãn đồng tử.
- Nhiễm trùng: Bị sốt, bạch cầu tăng cao, máu lắng cao, xét nghiệm dịch não tủy, sử dụng kháng sinh cho người bệnh.
- Trường hợp chảy máu trong sọ, tăng áp lực trong sọ cần thiết phải đưa đi chụp cắt lớp vi tính. Mổ cấp cứu lấy máu tụ ở trong, cầm máu nếu khối máu tụ chèn ép.