Nội soi lồng ngực có ưu điểm hơn hẳn phương pháp mổ mở thông thường, ít gây đau đớn cho bệnh nhân, vết mổ nhỏ có tính thẩm mỹ hơn, nhanh lành và phục hồi nhanh hơn so với các phương pháp mổ khác.
1. Phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt, khâu kén khí phổi là gì?
Kén khí phổi xuất hiện trong phổi và có thể gây ra sự chèn ép làm xẹp phổi dẫn đến tình trạng tắc đường dẫn khí và ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của người bệnh.
Kén khí có thể phát triển lớn dần theo thời gian, nếu không được kịp thời chữa trị bệnh nhân sẽ bị khó thở, việc vỡ kén khí có thể làm tràn khí màng phổi và dẫn đến tử vong.
Kỹ thuật nội soi lồng ngực là phương pháp phẫu thuật xâm nhập tối thiểu vào phổi với sự hỗ trợ từ thiết bị nội soi, màn hình video và dụng cụ nội soi chuyên dụng.
Kỹ thuật này được sử dụng để xử trí kén khi nhu mô phổi, có thể đã vỡ hoặc chưa vỡ. Phương pháp này có những ưu điểm như: Đường rạch nhỏ, không banh xương sườn, có tính thẩm mỹ hơn, người bệnh ít đau đớn và thời gian hồi phục nhanh chóng.
1.1 Chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt, khâu kén khí lồng ngực
Phẫu thuật này được chỉ định cho những trường hợp:
- Bị tràn khí màng phổi do vỡ kén khí và điều trị bảo tồn không cho kết quả khả quan, tức là khí vẫn tiếp tục tràn ra dẫn lưu sau 48h.
- Bị tràn khí màng phổi tự phát vì vỡ kén khí với trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao như phi công, thợ lặn.
- Tràn khí màng phổi do vỡ kén khí tái phát.
- Bác sĩ phát hiện bóng khí trên phim cắt lớp của bệnh nhân, có thể kén khí chưa vỡ.
1.2 Trường hợp chống chỉ định
Tùy theo điều kiện của từng cơ sở phẫu thuật, bác sĩ cần thận trọng chỉ định mổ khi bệnh nhân có những thông số sau:
- Bệnh nhân có phổi đối diện bị tổn thương và không thể tiến hành thông khí một phổi.
- Có bệnh toàn thân nặng như: nhiễm trùng ở cơ quan khác, bệnh máu, bệnh mãn tính nặng, phổi bị dính nhiều, không tạo được không gian cho nội soi.
2. Chuẩn bị phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt, khâu kén khí như thế nào?
2.1 Chuẩn bị
- Kíp phẫu thuật: Gồm có phẫu thuật viên là bác sĩ chuyên khoa, 2 trợ thủ cùng 1 dụng cụ viên và 1 chạy ngoài chuyên khoa.
- Kíp gây mê: Gồm có bác sĩ gây mê cùng 12 trợ thủ.
- Kíp vận hành kỹ thuật: Đảm bảo khắc phục nhanh chóng nếu có trục trặc xảy ra với hệ thống máy móc phục vụ ca phẫu thuật.
2.2 Phương tiện
- Dụng cụ phẫu thuật: Bộ dụng cụ mở, đóng ngực, bộ dụng cụ đại phẫu cho các phẫu thuật lồng ngực, dụng cụ chuyên dụng cho nội soi lồng ngực.
- Phương tiện nội soi: Hệ thống máy nội soi, dụng cụ cắt tự động.
- Phương tiện gây mê: Bộ dụng cụ gây mê mổ ngực, thuốc gây mê và thuốc hồi sức tim mạch, ống khí quản 2 nòng.
2.3 Bệnh nhân
Về phía bệnh nhân, bác sĩ sẽ giải thích kỹ càng về phẫu thuật cũng như dặn dò bệnh nhân về những điều cần làm trước khi phẫu thuật như vệ sinh, dùng kháng sinh dự phòng, khám gây mê hồi sức... Bên cạnh đó cũng cần hoàn thành hồ sơ pháp lý, hồ sơ bệnh án theo quy định.
2.4 Kỹ thuật nội soi lồng ngực cắt, khâu kén khí phổi
Đầu tiên, người bệnh cần được gây mê bằng nội khí quản 2 nòng. Trong khí đó, liên tục theo dõi điện tim và độ bão hòa oxy trong mao mạch. Đặt 2 đường truyền tĩnh mạch ngoại vi và trung ương. Cho người bệnh thở bằng máy oxy 100%. Đặt thông tiểu cho bệnh nhân. Đặt tư thế bệnh nhân, đánh ngực, sát trùng và trải toan.
2.4.1 Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện kỹ thuật mổ
- Cặp, cắt rồi khâu phần nhu mô phổi kèm các tổn thương, điều trị bằng việc cắt bỏ nhờ dụng cụ stapler phổi, cột – khâu phổi.
- Làm phồng phổi để kiểm tra độ toàn vẹn của những phàn phổi không phẫu thuật.
- Đổ huyết thanh vô khuẩn vào trong khoang màng phổi rồi phồng phổi để kiểm tra. Nếu như con có khí xì ra thì phải khâu lại ngay lập tức.
- Cầm máu và bơm rửa ngực cho bệnh nhân. Đặt 2 dẫn lưu silicon vào trong khoang màng phổi và đồng hút liên tục dẫn lưu ngay sau khi đặt nhằm tránh các cục máu đông.
- Sau khi phổi đã nở tốt, đóng các lỗ trocar và đường mổ.
2.4.2 Theo dõi sau phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm khí máu, công thức máu, chức năng gan thận, hematocrit và chụp X – quang tại giường sau khoảng 15 – 30 phút từ khi về phòng hồi sức. Theo dõi huyết động liên tục bằng monitoring, theo dõi dẫn lưu, hô hấp và nước tiểu với tần suất 30 phút – 1 giờ/1 lần trong vòng 24 giờ đầu sau phẫu thuật hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh nhân.
Bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn, cùng với đó là thuốc trợ tim, giảm đau và lợi tiểu kết hợp với truyền máu và các dung dịch thay thế máu. Bác sĩ sẽ có phương pháp hợp lý tùy theo tình trạng huyết động và thông số xét nghiệm.
3. Những tai biến có thể gặp phải và cách xử trí
3.1 Chảy máu sau mổ
Cần điều chỉnh đông máu, nếu cần có thể chỉ định mổ lại để cầm máu cấp cứu nếu máu chảy hơn 100 ml/giờ và rối loạn huyết động hoặc máu chảy lớn hơn 200ml/giờ trong vòng 3 giờ liên tục.
3.2 Xẹp phổi sau khi mổ
Nếu như người bệnh không thở tốt hay bị bít tắc đờm rãi sau mổ thì hiện tượng xẹp phổi có thể diễn ra. Các triệu chứng lâm sàng gồm có: Khó thở, nghe rì rào phế nang giảm, sốt. Khi chụp X – quang thấy hình ảnh xẹp phổi.
Đầu tiên cần giảm đau cho bệnh nhân, sử dụng kháng sinh toàn thân, người bệnh cần phải ngồi dậy và vỗ rung, ho khạc đờm rãi. Nếu cần thiết có thể phải soi hút khí quản.
3.3 Rò khí tái phát
Tai biến này xảy ra là do xử trí sót các tổn thương kết hợp với trường hợp xơ phổi.
Phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt, khâu kén khí phổi cần thực hiện ở cơ sở y tế uy tín, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ tay nghề có chuyên môn để đảm bảo an toàn cũng như có những biện pháp xử lý kịp thời khi có trường hợp xấu nhất xảy ra.