U nang, hạt xơ hay polyp là những loại u dây thanh lành tính thường gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là những người cần sử dụng giọng nói nhiều trong cuộc sống như giáo viên, ca sĩ, hướng dẫn viên... Hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt u nhỏ lành tính dây thanh là phương pháp có tính hiệu quả nhất để điều trị các khối u này.
1. Tổng quan về các loại u dây thanh lành tính
1.1 U nang dây thanh
U nang dây thanh là khối u chứa đầy dịch nhầy bên trong và vỏ bọc bên ngoài, phát triển trên các nếp gấp của dây thanh quản. Thông thường, u nang dây thanh chỉ xuất hiện trên một nếp gấp nhất định.
Nguyên nhân gây ra u nang dây thanh tương đối đa dạng và phong phú, trong đó phổ biến là:
- Lớp biểu mô bị mắc kẹt trong các nếp gấp dây thanh.
- Bệnh nhân lạm dụng giọng nói quá nhiều.
- Do vi khuẩn Streptococcus pseudopneumoniae.
Khi bị u nang dây thanh, một trong những biểu hiện rõ ràng nhất ở bệnh nhân là tình trạng khàn giọng kéo dài và có thể kèm thêm một số triệu chứng khác như:
- Khó phát âm, cần dùng lực khi nói.
- Mệt mỏi và đau cổ khi nói.
- Ca sĩ sẽ có hiện tượng mất giọng đột ngột, khó lên một quãng cao nhất định...
1.2 Hạt xơ dây thanh
Hạt xơ dây thanh là một dạng u dây thanh lành tính với kích thước nhỏ hình thành trên dây thanh, thường là hậu quả từ sự cọ sát của 2 dây thanh vào nhau trong lúc phát âm.
Hạt xơ dây thanh xuất hiện nhiều ở bệnh nhân nữ, trẻ tuổi hoặc ở nam trong độ tuổi vị thành niên. Ngoài ra, những nghề nghiệp khác cần sử dụng giọng nói như ca sĩ, giáo viên... cũng có nguy cơ cao hình thành hạt xơ dây thanh.
Về triệu chứng, hạt xơ dây thanh thường gây ra khàn tiếng. Mức độ khàn tiếng sẽ tùy thuộc theo kích thước và mức độ chèn ép của hạt xơ.
1.3 Polyp dây thanh
Polyp dây thanh là u lành tính và có rất ít khả năng chuyển thành u ác tính. Ở giai đoạn đầu, polyp dây thanh có thể được điều trị bằng một số loại thuốc để hạn chế triệu chứng nhưng không thể điều trị triệt để.
Polyp dây thanh khi phát triển to hơn sẽ gây nhiều triệu chứng rõ ràng:
- Giọng khản đặc, âm thanh đục.
- Họng khô ngứa, khó chịu và thường có cảm giác vật lạ trong cổ họng.
Lúc này, cách triệt để nhất để loại bỏ những u dây thanh này là phẫu thuật.
2. Tìm hiểu về phẫu thuật nội soi cắt u nhỏ lành tính dây thanh
Phẫu thuật cắt u nhỏ lành tính dây thanh được tiến hành với phương thức phẫu thuật nội soi với mục đích cắt bỏ khối u lành tính trên dây thanh (dạng u nang, hạt xơ hay polyp), từ đó hồi phục chức năng phát âm bình thường của bệnh nhân.
3. Cắt u nhỏ lành tính dây thanh được chỉ định trong trường hợp nào?
Phẫu thuật thường được đề nghị khi bệnh nhân có u dây thanh lành tính như:
- U nang dây thanh.
- Polyp dây thanh.
- Hạt xơ dây thanh.
Bên cạnh đó, phẫu thuật cũng có chống chỉ định đối với nhóm đối tượng bệnh nhân không thể gây mê/gây tê vì nguyên nhân sức khỏe hoặc không có đủ điều kiện để phẫu thuật.
4. Quy trình phẫu thuật nội soi cắt u nhỏ lành tính dây thanh
Người thực hiện chính phẫu thuật cắt u dây thanh là một bác sĩ chuyên khoa I Tai – Mũi – Họng trở lên, đã được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật thanh quản. Ngoài ra, ê kíp thực hiện phẫu thuật nội soi dây thanh sẽ bao gồm thêm:
- Một bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khác với vai trò trợ giúp.
- Bác sĩ và kỹ thuật viên Gây mê hồi sức.
- Điều dưỡng thuộc khoa Tai Mũi Họng.
Kiểm tra hồ sơ và tình trạng bệnh nhân:
Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra qua các bước thăm khám và đánh giá các kết quả xét nghiệm cơ bản cũng như kết quả nội soi thanh quản trước đó để:
- Đánh giá tình trạng sức khỏe và tình trạng hô hấp tại chỗ của bệnh nhân để quyết định phương pháp gây mê/gây tê thích hợp.
- Xác định vị trí u dây thanh của bệnh nhân.
Các kỹ thuật được tiến hành trong phẫu thuật:
- Bước 1 – Vô cảm
- Thông thường, bệnh nhân sẽ được gây mê đặt nội khí quản. Trong trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện gây mê, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ.
- Bước 2 – Phẫu thuật nội soi cắt u nhỏ lành tính dây thanh
- Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi thanh quản có giá treo Karl – Storz để bộc lộ thanh quản và đánh giá khối u về vị trí, kích thước.
- Sử dụng kẹp phẫu tích và kéo vi phẫu để cắt bỏ u dây thanh bên dưới niêm mạc dây thanh, sau đó cắt phẳng bờ tự do.
- Cầm máu bằng kỹ thuật đông điện.
5. Theo dõi các tai biến sau phẫu thuật và cách xử trí
Phẫu thuật cắt u nhỏ lành tính dây thanh nội soi không có các tai biến đặc biệt, tuy nhiên vẫn có một số rủi ro chung về phẫu thuật ngoại khoa như:
- Chảy máu: soi treo để cầm máu.
- Phẫu thuật gây tổn thương đến lớp cơ dây thanh.