Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ quá nhiều chất lỏng trong buồng phổi hoặc giữa phổi và lồng ngực, gây áp lực lên phổi khiến bệnh nhân hít thở khó khăn. Một trong những giải pháp điều trị tràn dịch màng phổi hiệu quả là phẫu thuật mở ngực gây dính màng phổi.
1. Làm dính màng phổi là gì?
Làm dính màng phổi là phương pháp gây dính lá thành với lá tạng khoang màng phổi với mục đích tránh sự tích tụ dịch hoặc khí trong khoang màng phổi, ngăn ngừa nguy cơ tràn dịch màng phổi..
Các phương pháp gây dính màng phổi phổ biến:
- Qua dẫn lưu màng phổi
- Nội soi lồng ngực (gây tê và gây mê tại chỗ)
- Phẫu thuật mở ngực làm dính màng phổi
2. Phẫu thuật mở ngực tạo dính màng phổi
Phẫu thuật mở ngực làm dính màng phổi là phẫu thuật xâm nhập tối thiểu với đường rạch nhỏ (dưới 8cm)
2.1 Các trường hợp chỉ định
- Tràn dịch màng phổi do nguyên nhân ác tính, khiến lượng dịch tái phát nhanh (>500ml/ 24giờ).
- Tràn dịch màng phổi dịch thấm tái phát nhanh và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
- Tràn khí màng phổi tái phát nhiều lần, ở bệnh nhân xơ phổi, nhiều kén khí rải rác khắp phổi mà ngoại khoa không điều trị triệt để được.
2.2 Các trường hợp chống chỉ định
Một số trường hợp cần thận trọng chỉ định phẫu thuật mở ngực tạo dính màng phổi là:
- Người bệnh có phổi bên đối diện bị thương tổn, không thể tiến hành thông khí một phổi hoặc khoang màng phổi dính khiến phẫu thuật mở ngực khó khăn.
- Người có các bệnh toàn thân nặng như: Tình trạng huyết động sau chấn thương không ổn định, bệnh về máu, bệnh mãn tính nặng, chấn thương ngực trước đó...
- Bệnh nhân cường giáp trạng có chống chỉ định với Povidine iodine.
- Những bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng không đặt được dẫn lưu màng phổi.
- Khoang màng phổi bị vách hóa nhiều.
2.3 Chuẩn bị trước phẫu thuật mở ngực tạo dính màng phổi
Thành phần kíp mổ tổng cộng 7-8 người bao gồm:
- Kíp phẫu thuật: 1 bác sĩ phẫu thuật, 2 phụ mổ, 1 điều dưỡng phục vụ dụng cụ phẫu thuật, 1 chạy ngoài chuyên khoa.
- Kíp gây mê chuyên khoa: Bác sĩ gây mê và 2 phụ tá
2.4 Công tác chuẩn bị trước mổ cho bệnh nhân
Trước khi tiến hành phẫu thuật mở ngực làm dính màng phổi, bệnh nhân được khám lâm sàng cẩn thận, vệ sinh, kháng sinh dự phòng, khám gây mê hồi sức. Bệnh nhân và gia đình được giải thích và hướng dẫn về quy trình mổ theo quy định, hoàn thiện các biên bản pháp lý.
- Dụng cụ phẫu thuật: Bộ dụng cụ đại phẫu cho phẫu thuật mở lồng ngực thông thường (chuẩn bị).. Bộ dụng cụ hỗ trợ mở và đóng lồng ngực (banh sườn, chỉ xiết sườn...) hoặc đóng và mở xương ức.
- Phương tiện gây mê: Bộ dụng cụ giúp gây mê mổ ngực, thuốc gây mê và hồi sức tim mạch, ống nội khí quản hai nòng (Carlens)...
3. Quy trình phẫu thuật điều trị nhiễm trùng vết mổ ở ngực
3.1 Tư thế người bệnh
Khi bắt đầu phẫu thuật, người bệnh được đặt nằm nghiêng 90 độ sang bên đối diện tùy thuộc vào vị trí nhiễm khuẩn vết mổ trên thành ngực.
3.2 Gây mê nội khí quản
Bác sĩ gây mê tiến hành gây mê nội khí quản 2 nòng.
3.3 Các bước tiến hành
- Rạch một vết dưới 8cm ở ngực nhỏ đường trước, bên hoặc bên qua khoang gian sườn V giữa đường nách trước và giữa vào khoang màng phổi (đường rạch này thường không cắt cơ, dùng banh sườn vừa đủ).
- Vào khoang màng phổi, cặp ống nội khí quản ở một bên, để gây xẹp phổi bên tổn thương.
- Xác định thương tổn và đánh giá toàn bộ thương tổn của vùng liên quan với các thành phần khác trong lồng ngực.
- Chuẩn bị người bệnh: 2 nòng; theo dõi điện tim và chỉ số bão hoà oxy mao mạch (SpO2) liên tục. Đặt hai đường truyền tĩnh mạch trung ương và ngoại vi. Cho bệnh nhân thở máy có oxy hỗ trợ 100% và đặt thông tiểu.
- Đốt hoặc khâu các kén khí (nếu có) ở trong nhu mô phổi.
- Phun hỗn hợp dịch bột talc hoặc Betadine lên bề mặt nhu mô phổi và mặt trong thành ngực. Trong một số trường hợp có thể dùng gạc nhỏ chà xát nhẹ bề mặt của thành ngực (lá thành khoang màng phổi) để gây dính màng phổi.
- Kiểm tra tình trạng chảy máu và đặt dẫn lưu khoang màng phổi.
- Nở phổi. Đóng đường mở nhỏ và kết thúc cuộc phẫu thuật.
4. Theo dõi và nhận diện tai biến sau phẫu thuật
4.1 Theo dõi hậu phẫu
- Theo dõi và đánh giá toàn trạng: Mạch, huyết áp, nhiệt độ, hệ thống dẫn lưu...
- Cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường tĩnh mạch, giảm đau, cho truyền máu và các dung dịch thay thế máu... tùy theo tình trạng huyết động và kết quả xét nghiệm.
- Thực hiện liệu pháp hô hấp ngay từ ngày đầu sau mổ.
Chỉ định rút dẫn lưu khi:
- Lâm sàng: Dẫn lưu không ra khí và chỉ số dịch <100ml/ 24giờ
- Hình ảnh X-quang thấy phổi nở tốt.
Đôi khi có thể gây dính bổ trợ qua dẫn lưu nếu kết quả phẫu thuật mở ngực tạo dính màng phổi thất bại.
4.2 Các tai biến thường gặp
Các tai biến thường gặp liên quan đến tác nhân gây dính:
- Đau ngực
- Sốt
- Nhiễm trùng khoang màng phổi
- Nhịp tim nhanh
- Tràn dịch màng phổi
- Suy hô hấp
Các tai biến thường gặp liên quan đến phương pháp mổ:
- Chảy máu màng phổi: do máu từ các mạch máu thành ngực, trung thất hoặc nhu mô phổi bị tổn thương chảy tràn vào khoang màng phổi.
- Tràn khí dưới da: trong quá trình phẫu thuật xương sườn gãy chọc gây rách lá lách thành màng phổi và nhu mô phổi. Khó từ phổi sẽ thoát qua khoang màng phổi rồi qua vết rách lá thành để tràn vào tổ chức thành ngực dưới da gây biến dạng và phồng to.
- Xẹp phổi: Biến chứng này có thể xảy ra khi bệnh nhân không thở tốt và bị bít tắc đờm dãi sau phẫu thuật. Dấu hiệu nhận biết là người bệnh thấy khó thở, sốt, phế nang nghe rì rào, ảnh chụp X-quang có hình ảnh xẹp phổi. Để xử lý cần giúp bệnh nhân giảm đau, dùng kháng sinh toàn thân, đỡ bệnh nhân ngồi dậy và vỗ rung, ho khạc đờm dãi, soi hút phế quản (nếu cần).
Phẫu thuật mở ngực tạo dính màng phổi là phương pháp được chỉ định rộng rãi cho các bệnh nhân không may bị tràn dịch màng phổi nhiều lần. Bệnh nhân cũng nên tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình phẫu thuật và điều trị để nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh và giảm nguy cơ tai biến.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.