Phẫu thuật lồng ngực có nội soi hỗ trợ

Phẫu thuật lồng ngực có nội soi hỗ trợ là phương pháp mà bác sĩ có thể quan sát được bên trong lồng ngực và phổi. Đây là kỹ thuật được áp dụng để thực hiện nhiều phương thức phẫu thuật khác nhau liên quan đến phẫu thuật lồng ngực.

1. Phẫu thuật lồng ngực có nội soi hỗ trợ là gì?

Phương pháp phẫu thuật lồng ngực có nội soi hỗ trợ còn được gọi là Video assisted Thoracic surgery, viết tắt là VATS. Đây là phương pháp phẫu thuật với đường rạch tối thiểu từ 4 đến 6cm và có sự hỗ trợ của màn hình video cùng các dụng cụ nội soi chuyên nghiệp.

Phương pháp phẫu thuật này thường được dùng cho việc điều trị các bệnh lý phổi, trung thất. Nó có ưu điểm hơn hẳn so với các phương pháp phẫu thuật mở. Phương pháp này không hoặc ít làm banh xương sườn, đường rạch trên da nhỏ. Sau khi mổ, người bệnh sẽ ít đau đớn hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn và tính thẩm mỹ cao hơn.

2. Phẫu thuật lồng ngực có nội soi hỗ trợ được sử dụng khi nào?

VATS thường được chỉ định cho các bệnh lý về phổi. Phương pháp này được sử dụng để lấy mẫu sinh thiết từ phổi hay màng phổi, lấy bỏ hạch bạch huyết, lấy bỏ khối u phổi hay điều trị các bệnh lý phổi khác như tràn dịch màng phổi.

Đối với bệnh phổi lành tính, VATS được dùng cho các bệnh như bệnh giãn phế quản, kén khí phổi lớn và phải cắt thùy phổi, cắt u phổi lành tính.

VATS cũng được chỉ định cho các khối ung thư phổi nguyên phát ở giai đoạn sớm, kích thước dưới 6cm. Với ung thư phổi thứ phát, người bệnh được chỉ định cắt khối u, nhưng nếu khối u ở sâu, khó cắt, đòi hỏi bác sĩ phải cắt thùy phổi.

Với các bệnh lý trung thất, các khối u, nang trung thất hay các khối hạch có trong trung thất được chỉ định cắt cũng có thể sử dụng phương pháp này.


VATS được chỉ định để điều trị các bệnh về phổi và trung thất
VATS được chỉ định để điều trị các bệnh về phổi và trung thất

3. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì cho phẫu thuật VATS?

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn những điều cần làm. Bệnh nhân cần ngừng hút thuốc (nếu có) để làm giảm nguy cơ gặp phải những vấn đề về hô hấp trong và sau quá trình mổ. Nếu có dùng thuốc kháng đông, bệnh nhân cần phải ngừng thuốc trước khi phẫu thuật vài ngày.

Bệnh nhân cũng cần làm một số xét nghiệm cần thiết để đánh giá chức năng hô hấp trước khi mổ. Nếu như bệnh nhân được gây mê toàn thân thì sẽ được yêu cầu nhịn ăn, uống trước khi phẫu thuật, mốc thời gian sẽ được bác sĩ nêu rõ.

4. Tiến hành phẫu thuật VATS như thế nào?

Có 2 kỹ thuật phẫu thuật chính đó là phẫu thuật cắt thùy phổi và phẫu thuật lấy u trung thất nội soi. Sau khi chuẩn bị xong các bước gây mê, đặt trocar và rạch đường mổ... các bác sĩ sẽ tiến hành mổ theo kỹ thuật tùy vào tình trạng bệnh nhân.

4.1 Phẫu thuật cắt thùy phổi

  • Phân tích riêng các thành phần: tĩnh mạch và động mạch chi phối thùy phổi cần cắt;
  • Cắt và khâu động mạch, tĩnh mạch bằng hệ thống khâu cắt tự động;
  • Phẫu tích phế quản của thùy phổi cần cắt, kẹp tạm thời, phồng phổi để kiểm tra sự nguyên vẹn của các phần phổi còn lại;
  • Cắt phế quản;
  • Lấy bệnh phẩm và gửi đi giải phẫu bệnh;
  • Kiểm tra độ kín của mỏm cắt phế quản bằng cách đổ huyết thanh vô khuẩn vào trong khoang màng phổi rồi phòng phổi để kiểm tra. Nếu như có hiện tượng xì khí qua mỏm cắt thì cần khâu tăng cường;
  • Chú ý kiểm tra sự chảy máu động mạch phế quản;
  • Nạo vét hạch;
  • Cầm máu, và bơm rửa ngực;
  • Đặt dẫn lưu silicon vào khoang màng phổi, hút liên tục dẫn lưu sau khi đặt;
  • Đóng ngực và các lỗ trocar.

4.2 Phẫu thuật lấy u trung thất

  • Phẫu tích để tách rời khối u khỏi phổi và tổ chức trung thất nhờ dụng cụ nội soi như, dao siêu ấm, dao điện;
  • Cầm máu cuống mạch;
  • Nếu u nang quá to thì có thể chọc hút dịch bên trong nang;
  • Cần chú ý xử trí các biến chứng nhẹ như rách phổi, rách mạch máu nhỏ hay vỡ khối u;
  • Cần sẵn sàng tiến hành mổ mở qua xương ức hoặc mổ mở lồng ngực kinh điển để có thể kiểm soát các biến chứng như chảy máu nhiều;
  • Các thì mổ khác cũng tương tự như mổ cắt thùy phổi.

Tiến hành mổ mở lồng ngực đề kiểm soát biến chứng xảy ra
Tiến hành mổ mở lồng ngực đề kiểm soát biến chứng xảy ra

5. Theo dõi và xử trí tai biến sau phẫu thuật

Người bệnh sẽ được xét nghiệm khí máu, công thức máu, chức năng gan thận, điện giải, hematocrit sau 15 – 30 phút sau khi về phòng hồi sức. Bệnh nhân sẽ được chụp X – quang tại giường.

Bác sĩ kiểm tra huyết động liên tục, hỗ hấp, nước tiểu, dẫn lưu 30 phút/1 lần hoặc 1 giờ/1 lần tùy vào tình trạng huyết động.

Người bệnh được sử dụng kháng sinh điều trị đề phòng nhiễm khuẩn cùng với thuốc trợ tim, lợi tiểu và được truyền máu cùng các dung dịch thay thế máu tùy theo tình trạng bệnh nhân.

Người bệnh sau khi phẫu thuật với phương pháp VATS sẽ hồi phục nhanh hơn, ít đau đớn hơn so với phương pháp mổ mở. Các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu, xẹp phổi hay suy hô hấp sẽ được bác sĩ theo dõi thường xuyên và kịp thời xử lý.

6. Bệnh nhân có thể mong đợi điều gì sau phẫu thuật VATS?

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được xuất viện chỉ sau 3 - 5 ngày tùy thuộc vào mức độ hồi phục. Phương pháp này cũng giúp bệnh nhân ít đau đớn và hồi phục nhanh chóng.

Các bác sĩ có thể sẽ thảo luận với bệnh nhân về diễn tiến sức khỏe và tư vấn việc nghỉ ngơi tại nhà trong bao lâu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ được cung cấp thông tin về những bài tập thở giúp ngăn ngừa sự nhiễm trùng sau mổ. Và quan trọng là bệnh nhân cần kiên trì nghỉ ngơi, luyện tập tránh vận động mạnh.

VATS là một phẫu thuật với sự xâm lấn là tối thiểu nhưng khi các dụng cụ được đưa vào qua giữa các xương sườn cũng có thể đè lên dây thần kinh và gây ra tê, đau khu vực này. Nếu như tình trạng này kéo dài dù đã sử dụng thuốc giảm đau sau mổ thì bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

Nếu như bệnh nhân muốn sử dụng thêm thuốc giảm đau dù đã được kê trước đó thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Phẫu thuật lồng ngực có nội soi hỗ trợ đang là phương pháp tối ưu được nhiều bệnh nhân lựa chọn bởi nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, để thực hiện mổ bằng phương pháp này an toàn, hiệu quả đòi hỏi bác sĩ cần có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe