Phẫu thuật khâu vỡ cơ hoành

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Vỡ cơ hoành là chấn thương ít gặp trong chấn thương bụng kín. Khi đã có chẩn đoán vỡ cơ hoành, cần thực hiện phẫu thuật để khâu lại chỗ vỡ.

1. Chấn thương vỡ cơ hoành

Cơ hoành có vai trò rất quan trọng trong hoạt động hô hấp của cơ thể, nếu xảy ra chấn thương sẽ làm suy yếu hoạt động của hệ hô hấp.

Vỡ cơ hoành có thể gặp trong chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông, vết thương thấu bụng do dao đâm, đạn bắn. Vỡ cơ hoành là tổn thương mất toàn vẹn của cơ hoành, thường là một chấn thương mạnh làm áp lực ổ bụng tăng cao đột ngột, vòm hoành bị căng lên và vỡ. Thường gặp vỡ cơ hoành bên trái, cơ hoành bên phải ít bị vỡ hơn do có gan che chở.

  • Qua chỗ rách cơ hoành, các tạng trong ổ bụng có thể chui lên lồng ngực ngay sau chấn thương hoặc sau chấn thương một thời gian, gây ra thoát vị cơ hoành.
  • Vỡ cơ hoành thường xảy ra do một chấn thương nên cũng thường kèm theo nhiều tổn thương khác ở ổ bụng và lồng ngực, khiến cho việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn.

2. Chỉ định phẫu thuật khâu vỡ cơ hoành

Phẫu thuật khâu vỡ cơ hoành được chỉ định với trường hợp cơ hoành bị thủng, rách, vỡ do chấn thương, vết thương thấu bụng, sau tai biến của phẫu thuật khác.

3. Thực hiện phẫu thuật khâu vỡ cơ hoành

Trước phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được thực hiện các xét nghiệm cơ bản như: Công thức máu, sinh hóa, chụp phổi. Sau đó được đặt đường truyền tĩnh mạch, đặt sonde dạ dày, sonde bàng quang.


Tiến hành đặt nội khí quản trước phẫu thuật khâu vỡ cơ hoành
Tiến hành đặt nội khí quản trước phẫu thuật khâu vỡ cơ hoành
  • Phẫu thuật viên mở bụng đường trắng trên rốn, khi cần thiết có thể kéo dài xuống dưới rốn hoặc mở thêm đường ngang sang bên phải nếu cần xử lý chấn thương gan phải kèm theo. Có thể áp dụng phẫu thuật nội soi tuỳ theo đánh giá của phẫu thuật viên về chấn thương.
  • Kiểm tra ổ bụng:
    • Dịch ổ bụng: Quan sát đánh giá màu sắc, tính chất của dịch ổ bụng, xác định dịch máu, dịch tiêu hóa hay dịch mật, mủ, nước tiểu... số lượng dịch, khi dịch máu nhiều có nghĩa là thương tổn lớn, cần nhanh chóng xác định mức độ thương tổn tương xứng
    • Tầng trên mạc treo đại tràng ngang: Phẫu thuật viên đánh giá gan, lách, hậu cung mạc nối, thân, đuôi tụy
    • Tầng dưới mạc treo đại tràng ngang: Đánh giá đại tràng ngang, đoạn đầu của ruột non, quan sát dọc hai rãnh đại tràng, hút dịch đánh giá được đại tràng lên và đại tràng xuống, xích ma. Đồng thời kiểm tra phần ruột non và mạc treo từ góc hồi manh tràng trở lên. Đánh giá bàng quang, máu tụ sau phúc mạc, tử cung, phần phụ (ở bệnh nhân nữ)
  • Xử trí tổn thương cơ hoành:
    • Với tạng thoát vị: Cần đưa tạng trở lại ổ bụng, xử trí tùy thuộc sức sống của mô tạng thoát vị.
    • Phẫu thuật viên kiểm tra khoang màng phổi, phổi cùng bên qua chỗ vỡ cơ hoành, xử lý tổn thương nhu mô phổi, rửa màng phổi nếu có dịch mủ, dịch tiêu hóa, giả mạc, máu cục.
    • Tiến hành đặt dẫn lưu màng phổi cùng bên tổn thương vị trí khoang liên sườn V, đường nách giữa.
    • Bộc lộ mép vết thương của cơ hoành, cắt lọc.
    • Khâu cơ hoành bằng 1 lớp khâu vắt hoặc mũi rời chỉ không tiêu.
    • Tiến hành đặt dẫn lưu tùy vị trí cơ hoành và các tạng tổn thương.

4. Xử lý tai biến sau phẫu thuật khâu vỡ cơ hoành

  • Theo dõi sau phẫu thuật:
    • Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị kháng sinh 5 - 7 ngày
    • Tiếp tục theo dõi dịch, khí qua dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu ổ bụng
  • Tai biến và xử trí:

Trước và trong phẫu thuật có thể gặp tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, chèn ép tim do chẩn đoán muộn. Xử trí bằng cách hạn chế thay đổi tư thế người bệnh, nhanh chóng giải phóng khoang màng phổi, nếu cần phải đặt dẫn lưu màng phổi trước, phối hợp với bác sĩ gây mê vừa mổ vừa hồi sức.

Sau phẫu thuật, có thể gặp một số tai biến như:

  • Rò khí, chảy máu màng phổi: Xử trí tùy thuộc số lượng máu, khí ra dẫn lưu
  • Rò tiêu hóa: Khi rò ít thì tiến hành theo dõi điều trị nội
  • Rò số lượng nhiều, áp xe trong ổ bụng, viêm phúc mạc: Cần tiến hành mổ đánh giá lại tổn thương tạng, xử trí phụ thuộc tính chất và mức độ tổn thương

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe