Phẫu thuật điều trị u máu nhỏ

U máu nhỏ là những u máu có kích thước rất nhỏ, có thể xảy ra ở bất kỳ mạch máu nào trong cơ thể, gặp phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh. Phẫu thuật điều trị u máu nhỏ là biện pháp tối ưu nhất trong tất cả các phương pháp điều trị u máu nhỏ, khiến cho sức khỏe bệnh nhân có thể hồi phục sớm nhất.

1. U máu nhỏ là gì?

U máu nhỏ là khối u có đặc điểm lành tính, xuất hiện nhiều ở trẻ em, đôi khi cũng bắt gặp u máu dạng lồi ở người lớn. U máu nhỏ được định nghĩa là sự tăng lên không kiểm soát của những tế bào máu có thể là động mạch, tĩnh mạch hoặc mao mạch trong cơ thể người, với đường kính bé hơn 10cm và có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào như u máu nhỏ ở da, xương, cơ và những cơ quan bên trong. U máu nhỏ hay xuất hiện trên bề mặt da, nếu khối u xảy ra tại đầu, mặt, cổ thì sẽ có nhiều hình dạng và kích thước hay màu sắc khác nhau.

Cách nhận biết u máu ở trẻ sơ sinh đó là khối u không gây cảm giác đau, có màu sắc đa dạng, có thể là đỏ hoặc xanh, thường xuất hiện ở da, môi, niêm mạc miệng, khi sờ vào thì thấy mềm. Một số trường hợp u máu nhỏ có thể gây nên chảy máu hoặc hình thành ổ loét khi bị thương hoặc bị va đập vào vị trí có khối u. Nếu khối u nằm sâu trong cơ của người bệnh thì sẽ gây sưng và đau. Nguyên nhân của u máu nhỏ thường do sự bất thường về những tế bào máu trong quá trình phát triển của bào thai từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, hoặc do chấn thương và di truyền.


U máu nhỏ thường xuất hiện ở trên da của trẻ em
U máu nhỏ thường xuất hiện ở trên da của trẻ em

Theo một số nghiên cứu thì u máu nhỏ rất khó có khả năng để phát triển thành những tế bào ung thư, tuy nhiên nó có thể để lại một số biến chứng nguy hiểm, một trong số đó là gây ra những biến dạng không mong muốn trên cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ u máu nhỏ thì cần đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện và tiến hành phẫu thuật điều trị u máu nhỏ ngay khi có thể.

2. Phẫu thuật điều trị u máu nhỏ

Phẫu thuật điều trị u máu nhỏ được xem là kỹ thuật phù hợp nhất để chữa khỏi u máu nhỏ chưa xâm nhập vào những tổ chức lân cận. Khi một bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định mắc phải u máu nhỏ dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng, đặc biệt kết quả chụp cắt lớp vi tính cũng như chụp cộng hưởng từ cho thấy khối u có đường kính nhỏ hơn 10 cm và chưa có những tổn thương cho các cơ quan khác thì sẽ được chỉ định phẫu thuật điều trị u máu nhỏ.

Trên lâm sàng, các trường hợp thường được phẫu thuật đó là u máu nhỏ ở ở cơ, xương và những u máu nhỏ xuất hiện trên bề mặt da gây ảnh hưởng đến thị lực, khả năng ăn uống và chức năng hô hấp. Nếu bệnh nhân u máu nhỏ bị những bệnh mãn tính nặng, bệnh lý huyết học, tuổi cao, cơ thể bị suy kiệt thì sẽ không được tiến hành phẫu thuật mà phải lựa chọn một biện pháp điều trị u máu nhỏ khác an toàn hơn, có thể là tiêm xơ hoặc chiếu tia laser.

Các bước phẫu thuật điều trị u máu nhỏ bao gồm:

  • Đặt bệnh nhân ở tư thế phù hợp với vị trí của khối u máu nhỏ trên người bệnh nhân.
  • Tiến hành gây mê nội khí quản, gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê đám rối, tùy theo vị trí khối u.
  • Đo điện tim và SpO2 trong suốt quá trình phẫu thuật.
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch trung ương và đường truyền tĩnh mạch ngoại vi.
  • Hỗ trợ máy thở oxy cho bệnh nhân.

Sử dụng máy thở oxy hỗ trợ và kiểm soát hô hấp của bệnh nhân
Sử dụng máy thở oxy hỗ trợ và kiểm soát hô hấp của bệnh nhân

  • Tiến hành rạch da theo đường ngang qua khối u hoặc rạch da theo hình thoi xung quanh khối u máu nhỏ.
  • Sử dụng dao điện chuyên dụng để tiến hành phẫu tích khối u, đồng thời đốt và gỡ dính những chỗ bị chảy máu trong lúc thực hiện phẫu tích để bộc lộ được mạch máu nuôi khối u một cách rõ ràng.
  • Khâu cầm những mạch máu lớn bằng chỉ Prolene trong trường hợp chảy máu xảy ra.
  • Lưu ý hết sức cẩn thận với những khối u máu nhỏ có vị trí gần với những bó mạch hay dây thần kinh nhạy cảm.
  • Cầm máu cho bệnh nhân
  • Khâu rò bạch huyết
  • Lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đến khoa giải phẫu bệnh làm xét nghiệm kiểm tra.
  • Cầm máu quanh khu vực lấy khối u
  • Kiểm tra thật kỹ vấn đề rò bạch huyết trước khi đóng vết mổ
  • Đặt dẫn lưu cho bệnh nhân
  • Đóng vết mổ theo trình tự những lớp giải phẫu

Sau phẫu thuật điều trị u máu nhỏ thì cần theo dõi một số biến chứng như sau:

  • Cần làm xét nghiệm máu, đặc biệt là các chỉ số hồng cầu, Hematocrit sau khi phẫu thuật.
  • Theo dõi chi thể, dẫn lưu của bệnh nhân.
  • Điều trị kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn tĩnh mạch.
  • Cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau trong trường hợp cần thiết
  • Truyền máu và những dung dịch thay thế máu cho bệnh nhân nếu có chỉ định của bác sĩ.

Theo dõi hồng cầu và truyền máu cho bệnh nhân nếu cần thiết
Theo dõi hồng cầu và truyền máu cho bệnh nhân nếu cần thiết

  • Hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ
  • Nếu có trường hợp chảy máu xảy ra thì cần băng ép, nếu cần thiết có thể chỉ định phẫu thuật lại để kiểm tra vấn đề gỡ dính hoặc những tổn thương quanh diện bóc u
  • Bệnh nhân khi có những dấu hiệu về tổn thương dây thần kinh cảm giác thì cần báo ngay với bác sĩ điều trị.
  • Nếu bệnh nhân bị tổn thương các mạch máu nuôi chi thể thì có thể mổ lại để xử lý tình trạng này.

Phẫu thuật điều trị u máu nhỏ là phương pháp hiệu quả để loại bỏ khối u và những cấu trúc bị tổn thương trong bệnh lý u máu nhỏ. Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của u máu nhỏ thì bệnh nhân cần đến những cơ sở y tế uy tín để khám và phát hiện kịp thời, từ đó sẽ được tiến hành điều trị u máu nhỏ bằng những biện pháp phù hợp.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe