Nhiễm khuẩn vết mổ ở ngực là một trong những biến chứng thường gặp nhất trong ngoại khoa. Tình trạng này tuy phổ biến nhưng nếu các cơ sở khám chữa bệnh cùng với bệnh nhân và người nhà tuân thủ đúng các biện pháp phòng tránh thì tỉ lệ nhiễm khuẩn vết mổ có thể giảm thiểu đáng kể.
1. Nhiễm trùng vết mổ ở ngực là gì?
Nhiễm khuẩn vết mổ là tình trạng nhiễm khuẩn tại vị trí vết mổ trong thời gian từ khi phẫu thuật cho đến 30 ngày hậu phẫu đối với phẫu thuật không cấy ghép và cho tới 1 năm sau mổ với phẫu thuật có cấy ghép bộ phận.
Nhiễm trùng vết mổ ở ngực bao gồm vết mổ ở trên thành ngực và cả nhiễm khuẩn vết mổ xương ức. Có thể phân chia ra 3 loại nhiễm khuẩn vết mổ gồm:
- Nhiễm khuẩn vết mổ nông: Tình trạng nhiễm khuẩn ở lớp da hoặc dưới da tại vị trí rạch vết mổ.
- Nhiễm khuẩn vết mổ sâu: Bắt nguồn từ nhiễm khuẩn vết mổ nông và tiến triển sâu vào lớp gân cơ bên trong.
- Nhiễm khuẩn lan vào các cơ quan hoặc khoang cơ thể.
2. Điều trị nhiễm trùng vết mổ ở ngực
Để điều trị nhiễm trùng vết mổ ở ngực có thể phân chia làm hai cấp bậc:
- Phối hợp nội khoa, sử dụng kháng sinh toàn thân, chống phù nề, nâng cao sức đề kháng, thay băng vệ sinh vết mổ hàng ngày.
- Mổ ngực, phẫu thuật cắt lọc, làm sạch vết mổ (áp dụng khi các biện pháp ở trên thất bại).
Nhiễm trùng vết mổ ở ngực nói riêng và các loại nhiễm trùng vết mổ nói chung đều ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe và khả năng tài chính của người bệnh. Nó vừa kéo dài thời gian nằm bệnh vừa gia tăng chi phí điều trị. Ngoài ra, nhiễm khuẩn vết mổ còn làm tăng nguy cơ lạm dụng kháng sinh, thậm chí có thể dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn.
Điều trị nhiễm trùng vết mổ ở ngực không có trường hợp chống chỉ định nhưng điều trị nhiễm trùng vết mổ ở ngực cần chú ý đối với những trường hợp toàn thân nặng, suy kiệt, bị suy tim nặng...
3. Chuẩn bị trước phẫu thuật
Thành phần kíp mổ bao gồm từ 7-8 người bao gồm:
- Kíp phẫu thuật: 1 bác sĩ phẫu thuật, 2 phụ mổ, 1 điều dưỡng phục vụ dụng cụ phẫu thuật, 1 chạy ngoài chuyên khoa
- Kíp gây mê chuyên khoa: Bác sĩ gây mê và 2 phụ tá
- Kíp vận hành kỹ thuật (phòng trường hợp có trục trặc với máy nội soi)
Dụng cụ phẫu thuật bao gồm:
- Bộ dụng cụ đại phẫu cho phẫu thuật mở lồng ngực thông thường (chuẩn bị).
- Bộ dụng cụ giúp mở và đóng ngực (banh sườn, chỉ xiết sườn...) hoặc đóng và mở xương ức.
- Phương tiện gây mê: Bộ dụng cụ giúp gây mê mổ ngực, thuốc gây mê và hồi sức tim mạch, ống nội khí quản hai nòng (Carlens)...
Trước khi tiến hành phẫu thuật mổ ngực, bệnh nhân được khám lâm sàng cẩn thận, vệ sinh, kháng sinh dự phòng, khám gây mê hồi sức. Bệnh nhân và gia đình được giải thích và hướng dẫn về quy trình mổ theo quy định, hoàn thiện các biên bản pháp lý.
4. Quy trình phẫu thuật điều trị nhiễm trùng vết mổ ở ngực
4.1 Tư thế người bệnh
Khi bắt đầu phẫu thuật, người bệnh được đặt nằm tư thế ngửa, nghiêng 90 độ hoặc 45 độ sang bên đối diện tùy thuộc vào vị trí nhiễm khuẩn vết mổ trên thành ngực.
4.2 Gây mê nội khí quản
Bác sĩ gây mê tiến hành gây mê nội khí quản 2 nòng.
4.3 Các bước tiến hành
Bước 1: Theo dõi chỉ số điện tim và bão hoà oxy mao mạch (SpO2) liên tục. Đặt hai đường truyền tĩnh mạch trung ương và ngoại vi, cho bệnh nhân thở máy có oxy hỗ trợ 100% và đặt thông tiểu.
Bước 2: Sát khuẩn và xác định vùng mổ như trong phẫu thuật ban đầu. Lấy dịch và những tổ chức hoại tử trong vết mổ tại các vị trí khác nhau, nuôi cấy vi trùng và làm kháng sinh đồ.
Bước 3: Xác định vị trí thương tổn và đánh giá toàn bộ vùng thương tổn và những chỗ liên quan (lỗ rò với vùng khác, phạm vi hoại tử lan rộng...).
Bước 4: Thực hiện cắt lọc loại bỏ tổ chức hoại tử, làm sạch tận đáy vết mổ. (Đối với nhiễm trùng xương ức thì dùng kìm gặm xương lấy tối đa tổ chức xương chết do viêm kết hợp kiểm soát và làm sạch khoang màng tim)
Bước 5: Đặt hệ thống dẫn vết mổ (giúp dẫn lưu dịch vết mổ ra ngoài). Đối với nhiễm trùng xương ức thì cần làm sạch và dẫn lưu màng tim và sau xương ức.
Bước 6: Sát trùng cẩn thận lại vết mổ và dùng chỉ đơn sợi đóng vết mổ một lớp.
5. Theo dõi và điều trị sau phẫu thuật
5.1 Theo dõi hậu phẫu
- Theo dõi và đánh giá toàn trạng: Mạch, huyết áp, nhiệt độ, hệ thống dẫn lưu...
- Xét nghiệm công thức máu, chỉ số Hematocrit ngay sau khi bệnh nhân về phòng.
- Cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đường tĩnh mạch, giảm đau, cho truyền máu và các dung dịch thay thế máu... tùy theo tình trạng huyết động và kết quả xét nghiệm.
- Thực hiện liệu pháp hô hấp ngay từ ngày đầu sau mổ.
- Hướng dẫn bệnh nhân và gia đình cách chăm sóc vị trí vết mổ ngực đúng, nhận biết những dấu hiệu nhiễm khuẩn vết mổ và cần báo cáo sớm nếu nhận diện những triệu chứng này.
5.2 Xử trí tai biến
- Xẹp phổi sau mổ: Biến chứng này có thể xảy ra khi bệnh nhân không thở tốt và bị bít tắc đờm rãi sau phẫu thuật. Dấu hiệu nhận biết là người bệnh thấy khó thở, sốt, phế nang nghe rì rào, ảnh chụp X-quang có hình ảnh xẹp phổi. Để xử lý cần giúp bệnh nhân giảm đau, dùng kháng sinh toàn thân, đỡ bệnh nhân ngồi dậy và vỗ rung, ho khạc đờm dãi, soi hút phế quản (nếu cần).
- Viêm rò mạn tính: Xử lý bằng cách điều trị triệt để các bệnh toàn thân (nếu có), nâng cao sức khỏe thể trạng người bệnh, kích thích miễn dịch, thay băng kháng khuẩn...
6. Phòng tránh nhiễm trùng vết mổ
Để phòng tránh nhiễm khuẩn vết mổ, gia đình và bệnh nhân cần chú ý:
- Thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng, điều trị thuốc, tiểu đường...vì có thể ảnh hưởng đến khả năng nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật.
- Không sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu bia, chất có cồn...) để tránh làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
- Không cạo râu, lông khu vực gần vết mổ vì dao cạo có thể làm kích ứng da, trầy xước và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế trước khi mổ ngực như: tắm gội, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, tháo bỏ đồ trang sức...
- Sau phẫu thuật không tự ý tháo băng, chạm vào vết mổ hoặc tùy ý băng vết mổ.
- Vết mổ cần được đóng bằng băng vô trùng từ 24-48 giờ sau phẫu thuật. Không được lấy ra để tắm hay làm ướt băng.
- Khi thay băng vết thương phải sử dụng kỹ thuật vô khuẩn và băng vô trùng. Rửa tay trước và sau khi thay băng hoặc khi có bất kỳ tiếp xúc nào với vị trí phẫu thuật.
- Báo ngay cho y tá khi bệnh nhân có các dấu hiệu bất thường như: Sốt, cơn đau tại vết mổ gia tăng, vết mổ sưng tấy, đỏ hoặc có mủ, dịch chảy ra, bung chỉ vết mổ, vùng da xung quanh vết mổ phù nề, sưng đau...
Phẫu thuật điều trị nhiễm trùng vết mổ ở ngực là phương pháp được chỉ định rộng rãi cho các bệnh nhân không may bị nhiễm khuẩn hậu phẫu. Bệnh nhân cũng nên tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị để nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh và giảm nguy cơ tai biến.