Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Một trong những biến chứng rất hay gặp ở bệnh nhân sau phẫu thuật đó là nhiễm khuẩn vết mổ. Biến chứng này kéo dài thời gian nằm viện cũng như khả năng hồi phục bệnh, đặc biệt sẽ nguy hiểm nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vết mổ sâu. Việc nhận biết các mức độ của nhiễm khuẩn vết mổ là căn cứ giúp bệnh nhân biết cách chăm sóc và chủ động bảo vệ bản thân.
1. Nhiễm khuẩn vết mổ sâu và dấu hiệu nhận biết
Nhiễm khuẩn vết mổ sâu là một trong 3 mức độ nhiễm khuẩn vết mổ thường xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật thông thường. Với phẫu thuật có đặt dụng cụ cấy ghép thì nhiễm khuẩn vết mổ có thể xảy ra trong vòng 1 năm.
Dấu hiệu cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vết mổ sâu là vết mổ bị sưng đỏ hay tụ dịch, thậm chí có mủ chảy từ vết mổ sâu. Bệnh nhân có thể sốt hay đau nhiều tại vị trí vết mổ.
2. Nhiễm khuẩn vết mổ nông và dấu hiệu nhận biết
Khác với nhiễm khuẩn vết mổ sâu, nhiễm khuẩn vết mổ nông chỉ liên quan tới da và các tổ chức dưới da. Đây cũng là dạng nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật.
Dấu hiệu cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn vết mổ nông đó chính là vết mổ bị sưng đỏ, đau hay tụ dịch. Trường hợp nặng hơn thì vết mổ chảy mủ dịch ra ngoài.
3. Nhiễm khuẩn vết mổ tại các cơ quan và dấu hiệu nhận biết
Ngoại trừ đường rạch da, gân, cơ thì nhiễm khuẩn vết mổ tại các cơ quan có thể xảy ra với bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Nhiễm khuẩn này có thể xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật hoặc trong vòng 1 năm đối với những phẫu thuật có đặt dụng cụ cấy ghép.
Khi bị nhiễm khuẩn vết mổ tại các cơ quan, bệnh nhân có thể gặp một trong số những dấu hiệu sau đây: mủ chảy từ dẫn lưu được đặt trong các cơ quan. Xuất hiện áp xe hoặc các bằng chứng nhiễm khuẩn khác có liên quan đến các cơ quan thông qua thăm khám trực tiếp hoặc qua các xét nghiệm, chụp X – Quang.
4. Hậu quả của nhiễm khuẩn vết mổ
Nhiễm khuẩn vết mổ có liên quan đến nguy cơ tử vong cao ở bệnh nhân phẫu thuật trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhiễm khuẩn vết mổ còn để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho bệnh nhân như thời gian nằm viện lâu, tăng chi phí điều trị và áp lực cho tâm lý bệnh nhân.
Các nhiễm khuẩn vết mổ được cho là có thể điều trị bằng kháng sinh. Các kháng sinh được sử dụng tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn cũng như tác nhân gây bệnh. Một số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn phải phẫu thuật lại để điều trị nhiễm khuẩn hay dẫn lưu dịch mủ bên trong khoang cơ thể ra ngoài. Trường hợp này hay xảy ra với nhiễm khuẩn vết mổ sâu hoặc nhiễm khuẩn vết mổ tại các cơ quan.
Để ngăn ngừa được biến chứng này, các bác sĩ, nhân viên y tế cần phải tuân thủ tuyệt đối những hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn phẫu thuật: vô trùng tay và cánh tay bằng các chất khử trùng trước khi phẫu thuật, chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật. Mang khẩu trang, áo choàng hay khăn tay theo đúng quy định phẫu thuật.
Bệnh nhân trước khi phẫu thuật cũng cần cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của bạn như bạn có đang mắc phải các bệnh liên quan đến tiểu đường hay không? Vì tiểu đường cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn trong phẫu thuật đặc biệt là tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ sâu.
Nhiễm khuẩn vết mổ là tình trạng nguy hiểm, do đó khi nhận thấy vết mổ có những dấu hiệu bất thường người bệnh cần tới các cơ sở Y tế gần nhất để được kiểm tra. Ngoài ra để hạn chế tình trạng nhiễm trùng, người bệnh nên chú trọng vào vấn đề dinh dưỡng, bổ sung những thực phẩm giúp tăng cường đề kháng hồi phục sức khỏe.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện có điều kiện cơ sở vật chất cùng chất lượng thăm khám tốt với đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Mọi quy trình thăm khám và điều trị luôn đạt tiêu chuẩn cao giúp mang lại cảm giác yên tâm và hài lòng cho khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.