Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khiếm thính là một trong những khiếm khuyết giác quan gây ảnh hưởng nặng nề cho bệnh nhân. Trẻ bị điếc bẩm sinh thường thiếu tự tin, mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng. Với sự phát triển của khoa học y học thì việc hồi phục tổn thương nghe này bằng phương pháp cấy điện cực ốc tai là một bước tiến rất quan trọng.
1. Tổng quan
Trẻ bị điếc bẩm sinh thường được áp dụng nhiều biện pháp chữa trị như tập luyện, đeo máy trợ thính....Tuy nhiên với những trẻ khiếm thính nặng thì những cách trên sẽ không hiệu quả. Cấy điện cực ốc tai sẽ là biện pháp cuối cùng giúp trẻ nghe được âm thanh và cải thiện khả năng giao tiếp.
1.1 Cấy điện cực ốc tai là gì?
Đây là phương pháp dùng 1 thiết bị điện tử là điện cực cấy ghép vào trong tai để thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị hỏng và tạo ra các xung động thần kinh truyền lên não, giúp cho bệnh nhân điếc sâu có thể nghe được..
1.2 Cơ chế hoạt động của cấy ốc tai điện tử
Sóng âm thanh truyền vào tai qua ống tai vào màng nhĩ, tiếp tục vào tai giữa dưới tác động cơ học và khuếch đại âm thanh.
Ốc tai nằm ở vị trí giữa, có 3 kênh. Kênh giữa nghe hữu cơ, có tế bào lông để cảm thụ. Tế bào được kích hoạt sóng điện từ và theo dây thần kinh thính giác truyền về não bộ.
Khi cấy điện cực ốc tai, âm thanh truyền vào trung tâm xử lý âm thanh và được số hóa, lan truyền tiếp đến bộ phận đã được cấy bên trong qua một ăng ten. Bộ phận đã được cấy đó chuyển âm thanh số thành sóng tín hiệu tác động lên điện cực ốc tai. Điện cực kích thích dây thần kinh thính giác và tín hiệu âm thanh đã được giải mã đi về não bộ.
Sau khi cấy xong, theo sự phát triển tuổi nghe của người bệnh, các bộ phận sẽ được điều chỉnh qua phần mềm đo thính lực để giúp người bệnh nghe được rõ và nét hơn.
2. Chỉ định và chống chỉ định
Trường hợp chỉ định
- Người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên.
- Người bị điếc nặng và sâu hai bên (>80dB), việc dùng máy trợ thính không hiệu quả.
- Người chỉ tổn thương ốc tai, các chức năng thần kinh thính giác còn bình thường.
- Người không bị viêm nhiễm ở tai và xương chũm.
- Hiện trạng sức khỏe tâm sinh lý bình thường, sẵn sàng hợp tác để tập luyện và phục hồi khả năng giao tiếp trong thời gian dài.
- Ảnh chụp CT Scan và MRI ốc tai không có cốt hóa mê nhĩ.
Trường hợp chống chỉ định
- Người bị viêm tai giữa đang tiến triển.
- Hình ảnh chụp giải phẫu tai có bất thường sẽ cản trở phẫu thuật cấy điện cực ốc tai.
- Người chậm phát triển tâm thần (tùy theo mức độ nặng nhẹ để cân nhắc phẫu thuật).
- Người có bệnh nội khoa nặng đi kèm (tim bẩm sinh, thiếu máu, các bệnh di truyền, viêm phổi,...).
3. Chuẩn bị cấy điện cực ốc tai
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng được đào tạo về phẫu thuật cấy điện cực ốc tai.
Phương tiện
- Dụng cụ vi phẫu tai, khoan điện nhiều tốc độ, kích cỡ.
- Dụng cụ nội soi tai.
- Màn hình vô tuyến.
- Máy cảnh giới thần kinh VII.
- Kính hiển vi phẫu thuật có độ phóng đại cao, điều chỉnh được theo nhiều góc độ.
- Camera gắn vào kính hiển vi.
Bệnh nhân chuẩn bị
Người bệnh chuẩn bị cấy điện cực ốc tai cần có nguyện vọng được thực hiện phẫu thuật. Đối với trẻ em trên 1 tuổi thì bố mẹ cần có nguyện vọng cấy điện cực ốc tai cho con.
- Để chuẩn bị cho phẫu thuật người bệnh được kiểm tra thính giác, chụp CT, cộng hưởng từ để phát hiện các tổn thương ở não và bất thường của ốc tai. Từ đó đưa ra kết luận về tình trạng điếc ốc tai.
- Bản thân người bệnh hoặc gia đình cũng được giải thích rõ về những biến chứng có thể xảy ra trong phẫu thuật và sau phẫu thuật.
- Trước phẫu thuật người bệnh sẽ được cắt tóc cao và rộng về phía sau, trên vành tai để tiện cho việc tác động vào khu vực này.
4. Quy trình cấy điện cực ốc tai
Bước 1: Vô cảm
- Thực hiện gây mê toàn thân cho người bệnh.
- Tiêm Lidocain nồng độ 2% (có thể pha adrenalin 0,1%) hoặc Epinephrin vào đường sẽ rạch sau tai hoặc ống tai.
Bước 2: Thực hiện kỹ thuật mở ốc tai
- Rạch da sau tai theo hình chữ C ngược, U hay chữ S.
- Để hiển lộ cơ thái dương, bóc tách chân cơ thái dương để tạo vạt che phủ thiết bị trong của ốc tai điện cực.
- Để hiển lộ mặt ngoài xương chũm, đường gờ thái dương, gai Henle, mỏm chũm, vùng sàng Chipault.
- Mở thành sau ống tai ngoài, bóc tách da ống tai đến ngang rãnh nhĩ.
- Dùng khoan mở vào sào bào ở vùng sàng Chipault, khoan hết các nhóm tế bào xương chũm cho đến khi thấy rõ khớp búa đe, thành trước thượng nhĩ, phía dưới thấy gờ xương của ống Fallop.
- Mở hòm nhĩ phía sau: mài mỏng tường dây thần kinh VII từ trên xuống dưới, giúp mở 1 cửa sổ thông từ hố chũm phía sau đến hòm nhĩ mà không cần bóc tách màng nhĩ.
- Dùng khoan nhỏ khoan phía trên của gờ xương ống Fallop, hướng mũi khoan về phía hòm nhĩ cho đến khi thấy rõ cửa sổ tròn.
- Mở ốc tai bằng cách dùng khoan kim cương mở 1 lỗ nhỏ 0,6-1mm ở phía trước cách cửa sổ tròn khoảng 1mm.
Bước 3: Thực hiện kỹ thuật cấy điện cực ốc tai
- Dùng xanh methylen để vẽ trước khuôn điện cực. Ở mặt ngoài xương chũm mở khuyết xương để chuẩn bị đặt thân điện cực. Khi khuyết xương vừa vặn với thân điện cực thì khoan các lỗ xương nhỏ ở các góc khuyết xương, dùng chỉ phẫu thuật để cố định điện cực.
- Điện cực đặt vào xương chũm thường bao gồm 1 thân điện cực, 2 dây điện cực là dây đất và dây hoạt động. Thông qua 1 dụng cụ đặc biệt, dây hoạt động sẽ được đưa vào trong ốc tai qua cửa sổ tròn giúp đặt điện cực sâu vào trong ốc tai. Cố định điện cực bằng keo sinh học hoặc mô cơ nhét vào lỗ mở ốc tai. Dây đất thì được cố định vào phía dưới cơ thái dương.
Bước 4: Kết thúc phẫu thuật
- Dùng vạt cơ thái dương phủ lên thân điện cực, hút và rửa sạch hố xương chũm. Khâu lại vết mổ bằng khâu da 2 lớp, lấy băng ép lại.
- Tiếp tục theo dõi bằng chụp CT (xác định vị trí điện cực ống tai đã đúng vị trí hay chưa). Hướng dẫn bệnh nhân dùng kháng sinh Cephalosporin trong 7 ngày kết hợp các thuốc giảm đau, chống phù nề.
- Yêu cầu tái khám thường xuyên để kiểm tra kết quả phẫu thuật.
- Sau 4 - 6 tuần khi vết khâu da đầu phục hồi gần như bình thường, tiến hành đặt thiết bị ngoài.
5. Tai biến và xử trí
Sau phẫu thuật cấy điện cực ốc tai bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nhẹ như ù tai chóng mặt, nhiễm trùng vết mổ... hoặc năng hơn như liệt mặt ngoại biên, viêm màng não, tụt điện cực ra ngoài ốc tai...
Ngoài ra còn một số biến chứng phổ biến khác như:
- Tụ máu dưới da: do cầm máu không kỹ hoặc chảy máu thứ phát. Nếu tụ máu ít thì xử lý băng ép, nếu tụ máu nhiều thì cần phẫu thuật lại vết mổ để cầm máu.
- Liệt dây thần kinh VII: do phù nề. Sau khi xử lý chống phù nề thì tiên lượng hồi phục sau 3-6 tháng.
- Tiền đình: do khoan vào vịnh tiền đình của ốc tai. Xử lý theo hướng chỉ định thuốc tăng cường tuần hoàn tai trong.
- Nhiễm trùng vết mổ: do tác nhân bên ngoài ảnh hưởng hoặc từ bệnh hố mổ chũm. Cần chỉ định kháng sinh liều cao, phòng ngừa nguy cơ viêm màng não.
- Rò dịch não tủy: do bất thường của giải phẫu ốc tai. Xử lý theo hướng dùng keo sinh học hoặc mô cơ để bít đường rò.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.