Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi được thực hiện đầu tiên bởi Kurt Semm vào năm 1983. Với những ưu điểm của phẫu thuật thâm nhập tối thiểu, phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi và trở nên phổ biến. Từ đó, được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị viêm ruột thừa cấp và các bệnh lý khác như u nhầy ruột thừa, ung thư ruột thừa.
1. Chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa
- Viêm ruột thừa cấp tính
- Viêm ruột thừa mạn tính
- Ung thư ruột thừa
- U nhầy ruột thừa
- Các trường hợp viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ
2. Chuẩn bị người bệnh
- Vệ sinh vùng phẫu thuật
- Xét nghiệm cơ bản, chụp X quang phổi
- Điện tâm đồ đối với người bệnh từ 40 tuổi trở lên
- Giải thích với người bệnh và gia đình về: tình trạng bệnh, tình trạng toàn thân, phương pháp phẫu thuật, các tai biến, biến chứng có thể gặp do bệnh lý, phẫu thuật, gây mê và cơ địa người bệnh. Giải đáp những thắc mắc của người bệnh và gia đình về bệnh lý, phẫu thuật trong phạm vi cho phép
- Nhịn ăn uống trước phẫu thuật (lý tưởng là > 6 giờ)
- Cho người bệnh đi tiểu trước phẫu thuật
3. Thực hiện phẫu thuật
- Người bệnh được gây mê toàn thân
- Phẫu thuật viên sẽ mở các lỗ nhỏ ở bụng, thông thường là 03 lỗ, vị trí các lỗ còn tùy phẫu thuật viên. Từ các lỗ nhỏ đó, phẫu thuật viên sẽ bơm hơi CO2 cho ổ bụng căng phồng lên rồi đưa dụng cụ vào tiến hành kiểm tra đánh giá tình trạng ổ phúc mạc, các tạng bộc lộ và đánh giá tình trạng của ruột thừa; cắt ruột thừa và lấy nó ra ngoài thành bụng; sau đó các lỗ mở đó sẽ được đóng lại
4. Tai biến và biến chứng
- Chảy máu ổ phúc mạc: có thể xuất phát từ động mạch mạc treo ruột thừa, thương tổn mạch máu mạc treo hồi manh tràng, bó mạch chậu ngoài bên phải; hoặc chảy máu từ thành bụng ở vị trí đặt trocar. Trường hợp này nếu điều trị nội khoa thất bại, cần chỉ định phẫu thuật để cầm máu.
- Viêm phúc mạc toàn thể: do bục gốc ruột thừa, thương tổn manh tràng, ruột non. Cần phẫu thuật lại để xử trí thương tổn.
- Thương tổn niệu quản phải: Niệu quản bị rách, thì khâu vết rách và kèm dẫn lưu vị trí mổ. Nếu niệu quản đứt hẳn thì có thể nối ngay kiểu tận tận kèm dẫn lưu. Không có điều kiện nối ngay, thì phải đưa đầu trên của niệu quản ra ngoài thành bụng. Sau một thời gian sẽ tiến hành nối lại niệu quản.
- Áp xe tồn lưu: được điều trị như các khối áp xe trong ổ phúc mạc.
5. Chăm sóc sau phẫu thuật
- Sau khi tỉnh hẳn, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách ăn uống trở lại, cách vận động tại giường và dần hoạt động trở lại. Do tác động xâm lấn vào ổ bụng là tối thiểu, người bệnh sau mổ sẽ đau rất ít, có thể ăn uống và hoạt động trở lại rất sớm.
- Cho ăn sau 6-8h.
- Ngồi dậy, đi lại sau 6-8h.
- Ra viện sau 24-48h.
Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng đã và đang triển khai phương pháp Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa với thế mạnh là:
- Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, thành thạo từng bước phẫu thuật
- Trình độ gây mê, gây tê và giảm đau sau mổ rất tốt, đi đầu trong việc ứng dụng các phương pháp gây mê - gây tê tiên tiến.
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy nội soi hiện đại.
- Cùng với sự tận tâm của các nhân viên bệnh viện chắc chắn sẽ đem lại sự hài lòng cho người bệnh.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Vinmec Hải Phòng để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0225 7309 888 để được hỗ trợ.