Áp xe dưới màng tủy là bệnh do khối mủ nằm ở giữa khoang dưới màng tủy và ống sống. Nguyên nhân gây ra bệnh là do các bệnh nhiễm trùng như lao cột sống, nhiễm trùng sau phẫu thuật cột sống, nhiễm khuẩn huyết, châm cứu cột sống, do chọc dò nước não tủy để chẩn đoán và điều trị dẫn tới áp xe tủy não.
1. Áp xe dưới màng tủy là gì ?
Áp xe dưới màng tủy là bệnh do khối mủ nằm ở giữa khoang dưới màng tủy và ống sống. Nguyên nhân gây ra bệnh là do các bệnh nhiễm trùng như lao cột sống, nhiễm trùng sau phẫu thuật cột sống, nhiễm khuẩn huyết, châm cứu cột sống, do chọc dò nước não tủy để chẩn đoán và điều trị dẫn tới áp xe tủy não,...Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, người bệnh sẽ có nguy cơ liệt và tàn phế.
Trường hợp người bệnh chưa bị liệt hoặc mới giảm cảm giác, vận động, có thể điều trị bằng nội khoa và theo dõi. Nếu tổn thương lan rộng, bị liệt hoặc giảm cảm giác thì cần phẫu thuật sớm, kết hợp điều trị kháng sinh.
2. Phẫu thuật áp xe dưới màng tủy
2.1. Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật áp xe dưới màng tủy khi:
- Phẫu thuật khi điều trị nội khoa thất bại.
- Tổn thương chèn ép trên 4 đốt sống
- Người bệnh có tổn thương lan rộng ra có các triệu chứng liệt và giảm cảm giác
Chống chỉ định phẫu thuật áp xe dưới màng tủy khi:
- Người bệnh có triệu chứng rối loạn đông máu nặng
- Người bệnh không đảm bảo gây mê
2.2. Các bước tiến hành phẫu thuật
- Bước 1: Chuẩn bị các dụng cụ y tế chuyên dụng trong phẫu thuật áp xe dưới màng tủy gồm: thìa nạo viêm (curette), oxy già, dẫn lưu kín, C-arm nếu cần tùy trường hợp gấp, kính vi phẫu nếu cần thiết sử dụng đến .
- Bước 2: Hướng dẫn người bệnh nằm tư thế thuận lợi cho các bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên. Sau đó gây mê nội khí quản
- Bước 3: Dựa trên tổn thương hình ảnh chụp phim Xquang, phim cộng hưởng từ để rạch da, bóc tách cân cơ bộc lộ vùng cung sau cột sống.
- Bước 4: Mở xương, sau đó dùng dụng cụ gặm bỏ gai sau đốt sống và dùng goose và kerrison gặm bỏ cung sau cột sống theo tổn thương.
- Bước 5: Mở màng cứng (lưu ý: cần cầm máu kỹ trước cho bệnh nhân), bơm rửa sạch ổ mổ. Mở màng cứng tủy bằng cách kéo vi phẫu.
- Bước 6: Đánh giá và xử lý thương tổn áp xe dưới màng tủy. Người làm phẫu thuật phá bỏ các đường rò, ngóc ngách rồi lấy bỏ hoàn toàn mủ ở vết mổ, tổ chức hoại tử để làm xét nghiệm vi sinh. Sau đó bơm rửa nhiều nước, kháng sinh.
- Bước 7: Tạo hình màng cứng.
3. Theo dõi sau phẫu thuật áp xe dưới màng tủy
Theo dõi: Mạch, huyết áp có ổn định không; vết mổ có chảy máu, mủ, dịch không và chăm sóc thay băng hàng ngày cho người bệnh.
Xử trí tai biến: Nếu chảy máu thì băng ép cho người bệnh hoặc có thể phẫu thuật áp xe dưới màng tủy lại. Trường hợp nhiễm khuẩn thì sát khuẩn và dùng kháng sinh đồ cho người bệnh.
Cũng như áp xe ngoài màng tủy, áp xe dưới màng tủy là căn bệnh nguy hiểm nếu không được thăm khám và điều trị sớm sẽ dẫn đến nguy cơ bị liệt hoặc tàn phế. Đặc biệt phẫu thuật áp xe dưới màng tủy là một trong những phẫu thuật phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao nên bệnh nhân cần lựa chọn thăm khám và điều trị tại các cơ sở uy tín đảm bảo chất lượng.