Đi tiểu ra máu hay còn gọi là đái máu là tình trạng trong nước tiểu có lẫn hồng cầu, có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc không phát hiện bằng mắt thường. Đái máu là một triệu chứng có thể là biểu hiện sinh lý hay bệnh lý của nhiều bệnh khác nhau.
1. Các hình thái đái máu
Đái máu là tình trạng trong nước tiểu có xuất hiện hồng cầu, đái máu có thể là đái máu đại thể hay vi thể.
- Đái máu đại thể: Khi nước tiểu có màu đỏ sẫm, có thể nhìn được bằng mắt thường.
- Đái máu vi thể: Mắt thường không phát hiện nước tiểu có bất thường, chỉ phát hiện được khi làm xét nghiệm nước tiểu thấy số lượng hồng cầu > 10000 hồng cầu/ml
Khi xuất hiện tiểu máu, cần chú ý tiểu máu xuất hiện thời điểm nào khi đi tiểu, nước tiểu đầu dòng thường là nguyên nhân tại niệu đạo, giữa dòng nguyên nhân gặp ở bàng quang, nếu nước tiểu toàn bộ quá trình đi tiểu cần tìm nguyên nhân và xác định vị trí chảy máu.
2. Các nguyên nhân gây ra đái máu
2.1 Nguyên nhân tiểu máu từ thận
- Sỏi thận là nguyên nhân hay gặp nhất, gặp ở hầu hết bệnh nhân. Nếu do sỏi kèm theo các dấu hiệu khác như: Có tiền sử sỏi thận, đau vùng thắt lưng, thường xuất hiện đái máu sau một lao động nặng, gắng sức.
- Lao thận: Hay gặp là đái máu vi thể, có thể có tổn thương bàng quang gây tiểu máu kèm theo, xuất hiện các triệu chứng kèm theo như tiểu rắt, tiểu nhiều về đêm, khi đi tiểu thấy đau, tiểu ra nước tiểu đục có mủ. Trường hợp này để phát hiện cần tìm trực khuẩn Lao trong nước tiểu.
- Viêm cầu thận cấp: Thường gặp đái máu vi thể, trước khi xuất hiện tình trạng viêm cầu thận thì trước đó có dấu hiệu nhiễm khuẩn trên da hay viêm họng cấp. Ngoài tiểu máu bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng sốt, đau vùng thắt lưng, phù trắng mềm ấn lõm, thiểu niệu hoặc vô niệu, huyết áp tăng.
- Viêm cầu thận mạn: Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng phù, huyết áp tăng, tiểu máu vi thể, tiểu ra protein, xét nghiệm thấy chức năng thận giảm.
- Viêm thận-bể thận cấp: Thường do nhiễm khuẩn ngược dòng hay có tình trạng ứ đọng nước tiểu, bệnh nhân xuất hiện sốt cao rét run, đau vùng thắt lưng, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra nước tiểu đục.
- Bệnh thận đa nang: Có thể một số trường hợp đái máu, đau thắt lưng, xét nghiệm thấy ure huyết tăng.
- Tắc mạch thận: Là nguyên nhân hiếm gặp, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đột ngột đau thắt lưng một bên, tiểu ít, tiểu máu.
- Ung thư thận: Bệnh nhân bị ung thư thận thường tiểu ra máu với lượng lớn, tiểu máu cách hồi, không đau hay không có dấu hiệu rối loạn tiểu tiện. Có thể tiểu máu bất kỳ khi nào không liên quan tới vận động hay không.
- Chấn thương vùng thắt lưng hay vùng thận: Gây tổn thương thận, có thể vỡ thận.
- Bệnh sán máng ở bể thận: Do ký sinh trùng gây ra, gây ra đái máu, tiểu khó, tiểu rắt. Sau đó có thể dẫn tới viêm thận bể thận.
- Bệnh thận IgA: Thường thấy ở người trẻ tuổi, xuất hiện tiểu máu cả hai bên niệu quản.
2.2 Nguyên nhân do niệu quản
- Sỏi niệu quản: Xuất hiện triệu chứng rầm rộ với biểu hiện cơn đau quặn thận, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau vùng thắt lưng một bên, đau lan xuống cơ quan sinh dục không có tư thế chống đau, kèm tiểu ít, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, đôi khi tiểu ra sỏi.
- Chấn thương dập niệu quản
2.3 Nguyên nhân do bàng quang
- Viêm bàng quang: Thường gặp hơn ở nữ giới, do niệu đạo ngắn hơn, tiếp xúc với nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Biểu hiện tiểu khó, tiểu rắt, tiểu máu, có thể khỏi sau vài ngày nhưng cũng có thể gây viêm ngược dòng.
- U nhú: U nhú ở bàng quang hay gặp ở nam giới.
- Sỏi bàng quang: Thường do sỏi từ trên thận rơi xuống, tiểu máu kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt và tiểu ra sỏi.
- Túi thừa bàng quang: Túi thừa tạo điều kiện cho nước tiểu bị ứ đọng lại dễ hình thành sỏi, viêm nhiễm bàng quang tái diễn.
2.4 Nguyên nhân từ niệu đạo, tuyến tiền liệt
- Phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới cao tuổi: Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như đi tiểu khó, tiểu phải rặn, tiểu không hết bãi, tiểu đêm nhiều lần, có thể bí tiểu.
- Polyp niệu đạo: Thường thấy ở nữ giới, xuất hiện tiểu máu ở đầu bãi, muốn chẩn đoán cần phải tiến hành soi niệu đạo.
2.5 Các nguyên nhân ngoài đường tiết niệu
Các nguyên nhân bệnh lý toàn thân khác cũng gây ra tình trạng tiểu máu bao gồm: Xuất huyết nội tạng, viêm nội tâm mạc bán cấp, bệnh bạch cầu, rối loạn yếu tố đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu...
Ngoài ra có một số trường hợp đái máu không do nguyên nhân bệnh lý: Sau một vận động mạnh như bơi lội, đá bóng, chạy về đích trong các cuộc thi marathon...Nếu xuất hiện ngắn, tự hết không cần điều trị và không kèm các dấu hiệu khác thì không phải yếu tố nguy cơ của bệnh lý thận.
3. Một số trường hợp có thể nhầm lẫn với tiểu máu
Một số trường hợp khi đi tiểu cũng xuất hiện màu đỏ nhưng không phải tiểu máu, nên chú ý để phân biệt với tình trạng tiểu máu thực sự bao gồm:
- Do ăn các loại thức ăn như củ cải đỏ, kẹo...
- Sử dụng một số loại thuốc: Kháng sinh rifampicin và metronidazole, nitrofurantoin, phenothiazin, phenolphthalein, desferrioxamine...
- Có hiện tượng tan máu trong lòng mạch: Xuất hiện hemoglobin niệu ví dụ như tai biến truyền máu.
- Những trường hợp chấn thương phần lớn cơ vân, tiêu cơ vân xuất hiện myoglobin niệu.
- Có urat trong nước tiểu nước tiểu màu cam đậm
- Trường hợp tăng bilirubin máu: Nước tiểu sậm màu.
- Nước tiểu lẫn máu: Gặp ở phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
Đái máu không phải là một bệnh mà nó là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý liên quan tới hệ tiết niệu hay ngoài hệ tiết niệu. Vì vậy khi có tiểu máu cần tới cơ sở y tế để khám và tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Khám sàng Lọc bệnh lý tiết niệu với nhiều tiện ích, bao gồm: Phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến). Các bệnh lý sỏi tiết niệu.... từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.
Khi đăng ký Gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa ngoại tiết niệu, siêu âm, cấy nước tiểu...để phát hiện bệnh chính xác và kịp thời.
Để tìm hiểu thêm về các Gói dịch vụ của Vinmec và đăng ký đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ TẠI ĐÂY.
XEM THÊM