Bệnh Crohn là một bệnh lý viêm ruột mạn tính với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy nặng, mệt mỏi, giảm cân và suy dinh dưỡng. Dựa vào sự ảnh hưởng đến các vùng khác nhau của đường tiêu hóa, các bệnh Crohn có thể phân loại thành 5 kiểu.
1. Bệnh Crohn là bệnh gì?
Bệnh Crohn gây nên bởi tình trạng viêm mãn tính và xói mòn ruột. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của ruột bao gồm cả dạ dày.
Nguyên nhân gây ra bệnh Crohn hiện vẫn chưa được tìm ra một cách chính xác. Các chuyên gia cho rằng có thể do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với thức ăn hoặc vi khuẩn trong đường ruột hoặc niêm mạc ruột. Đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm không kiểm soát được ở người mắc bệnh Crohn.
Điều trị tùy thuộc vào kiểu bệnh (vị trí ảnh hưởng của bệnh) và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mỗi kiểu bệnh Crohn có liên quan đến các triệu chứng riêng và các vị trí cụ thể của đường tiêu hóa:
2. Phân loại bệnh Crohn như thế nào?
Có năm kiểu bệnh Crohn khác nhau, mỗi kiểu bệnh ảnh hưởng đến các bộ vị trí nhau của đường tiêu hóa.
- Viêm hồi đại tràng (Ileocolitis)
- Viêm hồi tràng (Ileitis)
- Bệnh Crohn tại dạ dày tá tràng (gastroduodenal Crohn’s disease)
- Viêm hỗng tràng (Jejunoileitis)
- Viêm đại tràng Crohn (Crohn’s colitis)
Có những trường hợp người bệnh mắc phải nhiều kiểu bệnh Crohn cùng một lúc.
Sau đây là năm kiểu bệnh Crohn:
2.1. Viêm hồi đại tràng (Ileocolitis)
Hầu hết những người mắc bệnh Crohn là ở kiểu viêm hồi đại tràng.
Dạng bệnh Crohn này gây viêm và kích ứng tại hồi tràng (phần dưới của ruột non) và ruột kết.
Những người bị viêm hồi đại tràng có thể gặp những triệu chứng như:
- Bị tiêu chảy
- Có hiện tượng giảm cân thấy rõ
- Đau hoặc bị chuột rút ở vùng giữa hoặc dưới bên phải của bụng.
Đây là kiểu bệnh phổ biến nhất của bệnh Crohn. Khoảng 50% những người bị bệnh Crohn ở dạng này.
2.2. Viêm hồi tràng (Ileitis)
- Tương tự như viêm hồi đại tràng, viêm hồi tràng gây viêm và kích ứng tại hồi tràng hoặc phần cuối cùng của ruột non.
- Bệnh viêm hồi tràng cũng có những triệu chứng tương tự như các triệu chứng của bệnh viêm hồi tràng (như tiêu chảy, giảm cân, đau hoặc bị chuột rút ở vùng giữa và bên phải bụng dưới).
- Những người bị viêm hồi tràng cũng có thể phát triển lỗ rò (áp xe viêm) ở phần dưới bên phải của bụng.
- Kiểu bệnh Crohn này chiếm khoảng 30% những trường hợp bị bệnh Crohn.
2.3. Bệnh Crohn tại dạ dày tá tràng (Gastroduodenal Crohn’s disease)
Bệnh Crohn tại dạ dày tá tràng ảnh hưởng đến dạ dày và phần đầu tiên của ruột non (tá tràng). Những người mắc kiểu bệnh Crohn này thường có những triệu chứng như:
- Buồn nôn,
- Chán ăn
- Sụt cân.
Khi các phần nhỏ của ruột bị tắc nghẽn có thể dẫn đến hiện tượng nôn mửa ở những người bị bệnh Crohn tại dạ dày tá tràng. Nguyên nhân xảy ra triệu chứng này là do viêm ruột.
Kiểu bệnh Crohn này chiếm khoảng 5% những trường hợp bị bệnh Crohn.
2.4. Viêm hỗng tràng (Jejunoileitis)
Viêm hỗng tràng là tình trạng viêm xảy ra ở hỗng tràng, hoặc phần thứ hai của ruột non. Những người bị viêm hỗng tràng có thể gặp các triệu chứng sau đây:
- Chuột rút sau bữa ăn
- Xuất hiện lỗ rò ở ruột
- Bị tiêu chảy
- Cảm giác khó chịu ở bụng, có thể trầm trọng.
Kiểu bệnh Crohn này ít phổ biến hơn.
2.5. Viêm đại tràng Crohn (u hạt)
Viêm đại tràng Crohn (u hạt) ảnh hưởng đến ruột kết (là phần chính của ruột già).
Kiểu bệnh này có thể gây ra các lỗ rò, vết loét và áp xe hình thành xung quanh hậu môn.
Bệnh này có thể có những triệu chứng bao gồm:
- Tổn thương ở da
- Đau khớp
- Bị tiêu chảy
- Chảy máu trực tràng.
Kiểu bệnh Crohn này cũng khá phổ biến. Khác với viêm loét đại tràng, bệnh viêm đại tràng Crohn có thể ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của niêm mạc ruột.
3. Phương pháp điều trị bệnh Crohn:
Những triệu chứng ở người bị bệnh Crohn thường không xảy ra mọi lúc. Có những khoảng thời gian bệnh sẽ xuất hiện gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó có những khoảng thời gian người bệnh sẽ không có triệu chứng (lui bệnh).
Có một số phác đồ điều trị có thể giúp những người bị bệnh Crohn kiểm soát tình trạng bệnh của mình.
3.1. Sử dụng thuốc
Nếu là khoảng thời gian bệnh xuất hiện gây triệu chứng, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc làm dịu các triệu chứng và chấm dứt tình trạng viêm. Đồng thời sẽ cải thiện tiêu hóa, cải thiện các thiếu hụt về dinh dưỡng.
Các thuốc có thể được bác sĩ kê dùng cho bệnh nhân đó là:
- Thuốc chống viêm
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc corticosteroid
- Thuốc trị tiêu chảy
- Thuốc ức chế miễn dịch
Bác sĩ cũng có thể kê thêm một số thực phẩm bổ sung nếu bạn bị thiếu hụt dinh dưỡng.
3.2. Phẫu thuật
Một số trường hợp người bị bệnh Crohn xảy ra các biến chứng như áp xe, lỗ rò, tắc ruột và xuất huyết. Nếu việc sử dụng thuốc không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ phần ruột bị bệnh. Phẫu thuật không phải là cách chữa khỏi bệnh, nhưng nó có thể giúp cải thiện các triệu chứng.
3.3. Thay đổi lối sống
Người bệnh phải biết cách kiểm soát bệnh kể cả khi đang trong thời kỳ lui bệnh không có triệu chứng, để có thể tránh các đợt bùng phát nghiêm trọng và ngăn ngừa tổn thương lâu dài cho đường tiêu hóa.
Điều quan trọng của những người mắc bệnh Crohn là phải duy trì một lối sống lành mạnh. Một số phương pháp như sau:
- Tập thể dục đều đặn
- Điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng
- Không hút thuốc
Trong thời kỳ bệnh Crohn gây ra triệu chứng, hãy tránh bất kỳ tác nhân gây bùng phát bệnh nào đã biết chẳng hạn như thức ăn cay và nhiều chất xơ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: heathline