Phản hồi sinh học cho chứng động kinh

Phản hồi sinh học nghe giống như khoa học viễn tưởng nhưng lại thực sự là một liệu pháp y khoa giúp ích cho nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó có chứng động kinh. Vậy tác động của phương pháp phản hồi sinh học ảnh hưởng thế nào đối với việc điều trị chứng động kinh?

1. Phản hồi sinh học là gì?

Phản hồi sinh học được phát triển vào những năm 1940, là một kỹ thuật tự rèn luyện trí óc qua rèn luyện cơ thể. Ví dụ, một bệnh nhân bị đau nửa đầu có thể rèn luyện cơ thể để không bị đau nửa đầu hoặc giảm bớt mức độ đau của cơn đau đầu. Phản hồi sinh học là cách khai thác sức mạnh của tâm trí và nhận thức về những gì đang diễn ra bên trong cơ thể từ đó có thể kiểm soát một số yếu tố liên quan đến sức khỏe.

Mục đích của liệu pháp phản hồi sinh học là giúp người bệnh kiểm soát một cách có ý thức một số chức năng không chủ ý của cơ thể như nhiệt độ da, nhịp tim hoặc huyết áp. Vì vậy, liệu pháp phản hồi sinh học được sử dụng để giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các tình trạng sức khỏe bao gồm đau nửa đầu, đau mãn tính, tiểu không tự chủ và huyết áp cao, động kinh, rối loạn tăng động giảm chú ý,....

Cụ thể, người bệnh đeo cảm biến để "nghe" hoặc "nhìn" một số chức năng cơ thể nhất định như mạch, tiêu hóa, nhiệt độ cơ thể và căng cơ. Thông qua việc nhìn nhận các phản ánh những gì đang diễn ra bên trong cơ thể, người bệnh học cách kiểm soát những bất ổn trong thông tin theo dõi như nhịp tim, huyết áp,... Nói cách khác, tâm trí thông qua nhận thức sẽ huấn luyện hệ thống sinh học để học các kỹ năng.

2. Liệu pháp phản hồi sinh học hoạt động như thế nào?

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn chính xác cách thức hoặc lý do tại sao phản hồi sinh học hoạt động nhưng họ nhận thấy phản hồi sinh học thúc đẩy sự thư giãn, có thể giúp giảm bớt một số tình trạng liên quan đến căng thẳng hoặc hồi phục thần kinh.

Trong một thí nghiệm về phản hồi sinh học, các điện cực được gắn vào da của người thử nghiệm, sử dụng các cảm biến ngón tay. Các điện cực hay cảm biến này gửi tín hiệu đến màn hình, hiển thị âm thanh, ánh sáng nhấp nháy hoặc mô tả cho nhịp tim và nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ da, tình trạng đổ mồ hôi hoặc hoạt động của cơ. Khi người thử nghiệm bị căng thẳng, các chức năng này sẽ thay đổi: Nhịp tim tăng nhanh, cơ bắp co lại, tăng huyết áp, đổ mồ hôi và hơi thở gấp gáp. Người thử nghiệm có thể thấy những phản ứng căng thẳng này khi trên màn hình. Sau đó, xuất hiện những phản hồi ngay lập tức khi tâm trí cố gắng ngăn chặn chúng.


Liệu pháp phản hồi sinh học giúp người bệnh phục hồi thần kinh
Liệu pháp phản hồi sinh học giúp người bệnh phục hồi thần kinh

Một nhà trị liệu phản hồi sinh học sẽ giúp người bệnh thực hành các bài tập thư giãn để kiểm soát các chức năng cơ thể khác nhau thông qua liệu pháp phản hồi sinh học. Mỗi buổi trị liệu phản hồi sinh học kéo dài khoảng 60 phút đến 90 phút. Thông thường, người tập có thể bắt đầu nhận thấy lợi ích của liệu pháp phản hồi sinh học trong vòng 10 buổi luyện tập.

Một số bài tập thư giãn khác nhau được sử dụng trong liệu pháp phản hồi sinh học, bao gồm:

  • Thở sâu

Một trong những cách luyện phản hồi sinh học bằng phương pháp thở sâu là liên tục siết chặt cơ luân phiên và sau đó thư giãn thả lỏng các nhóm cơ khác nhau. Tập trung vào một hình ảnh cụ thể như màu sắc và kết cấu của quả cam để tập trung tâm trí và khiến cơ thể cảm thấy thư giãn hơn cũng là một cách luyện thở sâu trong liệu pháp phản hồi sinh học.

Ngoài ra, thiền chánh niệm tức là tập trung suy nghĩ và loại bỏ cảm xúc tiêu cực là một biện pháp luyện phản hồi sinh học hữu ích. Khi nhịp tim chậm, huyết áp giảm và giảm căng cơ, sẽ có phản hồi ngay lập tức trên màn hình, từ đó người tập học cách tự mình kiểm soát các chức năng này mà không cần đến thiết bị hỗ trợ luyện phản hồi sinh học.

Phương pháp luyện phản hồi sinh học này sẽ đo lường hoạt động và độ căng của cơ, có thể được sử dụng để điều trị chứng đau lưng, đau đầu, rối loạn lo âu, phục hồi cơ bắp sau chấn thương và chứng tiểu tiện không tự chủ.

  • Nhiệt

Bằng cách đo nhiệt độ da, phản hồi sinh học có thể được sử dụng trong điều trị đau đầu và hội chứng Raynaud.

  • Phản hồi thần kinh hoặc điện não đồ (EEG)

Đây là phương pháp này phản hồi thần kinh bằng cách đo sóng não. Phản hồi thần kinh hoặc điện não đồ (EEG) được sử dụng cho điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), chứng động kinh và các rối loạn co giật khác.

  • Hoạt động điện qua da (EDA)

Biện pháp phản hồi sinh học này giúp kiểm soát việc tiết mồ hôi và có thể được sử dụng với mục đích giảm đau và làm bớt lo lắng.

  • Biến thiên nhịp tim (HRA)

Phản hồi sinh học được thực hiện thông qua việc đo nhịp tim. Biện pháp phản hồi sinh học này có thể được sử dụng để điều trị chứng lo âu, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và nhịp tim không đều.


Phản hồi sinh học có thể thực hiện qua việc đo nhịp tim
Phản hồi sinh học có thể thực hiện qua việc đo nhịp tim

3. Phản hồi sinh học đóng vai trò như thế nào trong điều trị chứng động kinh?

Phản hồi sinh học được sử dụng trong quá trình điều chứng động kinh với tác dụng làm giảm tần suất các cơn co giật của người bệnh. Cụ thể, để điều trị chứng động kinh bằng cách luyện phản hồi sinh học, các chuyên gia sẽ hướng dẫn sử dụng các cảm biến điện để làm thay đổi sóng não.

Siegfried Othmer, tiến sĩ tại Encino, Calif, giải thích trong một cuộc phỏng vấn như sau: “Ở những người bị động kinh, một phần của não trở nên không ổn định, và đôi khi phần không ổn định này kích hoạt phần còn lại của não tạo nên cơn động kinh. Phản hồi thần kinh có thể giúp ổn định các vùng bất ổn đó và giảm sự xuất hiện của các cơn co giật.”.

Thông qua các nghiên cứu, phản hồi sinh học cho thấy hiệu quả làm giảm đáng kể các cơn co giật ở những người bị chứng động kinh không thể kiểm soát các triệu chứng bằng các loại thuốc thông thường.

Việc tự kiểm soát chứng động kinh bằng phương pháp phản hồi sinh học là không dễ dàng, đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và nhất quán để luyện tập thành công. Nếu người bệnh quyết tâm lựa chọn theo đuổi liệu pháp này, hãy kiên nhẫn, không giảm hoặc bỏ cuộc giữa chừng và tuyệt đối tuân thủ kế hoạch điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe