Hầu hết bệnh nhân dùng thuốc với hy vọng thuốc sẽ làm giảm triệu chứng bệnh được tốt hơn. Tuy nhiên lại có lúc thuốc khiến người bệnh cảm thấy tồi tệ và buồn nôn khi uống thuốc là một trong những tác dụng phụ thường xuyên được được đề cập trên thực tế lâm sàng.
1. Triệu chứng nôn ọe khi uống thuốc
Dù không đau đớn nhưng cảm giác buồn nôn, nôn ói gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, cảm giác khó chịu này tập trung ở phía sau cổ họng, ngực hoặc bụng trên. Buồn nôn, nôn ói còn khiến người bệnh chán ăn, đó là do cơ thể trải qua một trình tự như sau:
- Cơ vòng thực quản (vòng cơ nối giữa thực quản và dạ dày) giãn ra
- Cơ bụng và cơ hoành co lại
- Nắp thanh môn đóng lại
- Phần dưới của dạ dày tăng co bóp
- Khi nôn ói, các chất trong dạ dày được tống ra ngoài qua ống thực quản và miệng.
2. Các sản phẩm có thể gây buồn nôn khi uống thuốc
Tác dụng phụ buồn nôn, nôn ọe khi uống thuốc có thể gặp khi bệnh nhân sử dụng các nhóm thuốc như:
- Các thuốc kháng sinh như erythromycin (Erythrocin)
- Aspirin
- Thuốc kháng viêm không có cấu trúc steroid (NSAID) như thuốc ibuprofen và naproxen
- Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp như chẹn kênh canxi nifedipine
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc hóa trị ung thư
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson.
3. Nguyên nhân dẫn đến buồn nôn khi uống thuốc
Cơ chế gây ra tác dụng phụ uống thuốc buồn nôn là gì? Những nguyên nhân dẫn đến cảm giác buồn nôn khi uống thuốc hay gặp:
- Nguyên nhân đầu tiên làm uống thuốc buồn nôn là do cách thuốc hoạt động, các thuốc giảm đau có khả năng tác động đến trung tâm kiểm soát buồn nôn, nôn ói của não bộ
- Một số thuốc nhóm NSAID gây kích ứng niêm mạc dạ dày và có thể dẫn đến buồn nôn, nôn ọe khi uống thuốc
- Một số loại thuốc khác gây buồn nôn có liên quan đến khả năng hấp thu thuốc của dạ dày. Khi cơ thể già đi thì khả năng hấp thu thuốc sẽ giảm hoặc một số loại thuốc lưu lại trong ống tiêu hóa lâu và gây kích ứng
- Một yếu tố khác có thể là do tương tác thuốc, đặc biệt nguy cơ nôn ọe khi uống thuốc tăng lên nếu dùng nhiều sản phẩm cùng một lúc
- Các thành phần không có tác dụng dược lý hoặc tá dược kèm theo đôi khi mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng uống thuốc buồn nôn.
4. Làm gì khi uống thuốc buồn nôn nhiều?
Thông báo cảm giác buồn nôn, nôn ọe khi uống thuốc cho bác sĩ điều trị, đặc biệt khi tình trạng uống thuốc buồn nôn ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động hàng ngày, khiến bệnh nhân ăn uống khó khăn, gây sụt cân hoặc mất nước.
Buồn nôn khi uống thuốc không phải lúc nào cũng cần điều trị, nhưng đôi khi bệnh nhân cần nhận được những sự trợ giúp y tế hữu ích. Một số biện pháp giúp giảm tác dụng không mong muốn này bao gồm:
- Trong nhiều trường hợp, cảm giác buồn nôn, nôn ọe khi uống thuốc sẽ được kiểm soát nếu bệnh nhân dùng thuốc kèm những món ăn nhẹ (như bánh quy giòn, bánh mì nướng hoặc sữa chua). Sử dụng thuốc vào bữa ăn nhẹ hoặc trước khi đi ngủ có thể giúp giảm cảm giác uống thuốc buồn nôn
- Sử dụng các thức uống có tác dụng làm êm dịu dạ dày như rượu gừng hoặc trà hoa cúc
- Hạn chế sử dụng nước ngọt có gas, cà phê, trà và thức uống có chứa caffeine
- Bổ sung đủ lượng nước theo nhu cầu cơ thể để hạn chế tình trạng mất nước, đặc biệt khi bệnh nhân nôn ọe khi uống thuốc quá nhiều
- Chia các bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ để dạ dày giảm áp lực tiêu hóa một lượng lớn thức ăn
- Sử dụng các món ăn dễ tiêu hóa, thực phẩm ít muối và dầu mỡ như bánh quy hoặc bánh mì, cơm, súp gà và chuối
- Tránh nằm ngay sau khi uống thuốc và sử dụng thuốc vào ban đêm, trước khi đi ngủ để ngăn chặn những cơn buồn nôn tiềm ẩn.
- Hạn chế những thực phẩm cay nóng và những món chiên rán, vì chúng mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và có thể làm tăng nguy cơ buồn nôn.
Ngoài ra, khi bệnh nhân buồn nôn, nôn ọe khi uống thuốc nhiều có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm cảm giác khó chịu này, bao gồm:
- Thuốc kháng axit dạ dày dạng lỏng hoặc dạng nhai, bismuth, dung dịch glucose, fructose và axit photphoric (Emetrol). Các loại thuốc này giúp tráng niêm mạc và trung hòa axit dạ dày
- Dimenhydrinate hoặc meclizine hydrochloride có tác dụng điều trị hoặc phòng ngừa chứng say tàu xe và giúp ức chế các thụ thể trên não bộ gây buồn nôn, nôn ọe
Nếu tình trạng buồn nôn khi uống thuốc vẫn tiếp tục xảy ra, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kê đơn giúp giảm nôn ói. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chống buồn nôn đều có tác dụng phụ gây buồn ngủ.
Riêng ở đối tượng phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ rằng đang mang thai nên được bác sĩ đánh giá tình trạng trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn.
Nếu thực hiện các biện pháp trên nhưng cảm giác buồn nôn khi uống thuốc vẫn diễn ra, bác sĩ có thể kê thêm một loại thuốc để giảm cường độ hoặc tần suất của cơn buồn nôn hoặc chuyển bệnh nhân sang một loại thuốc khác.
Thực tế có rất nhiều yếu tố gây nên tình trạng uống thuốc buồn nôn, tuy nhiên để xác định được nguyên nhân cụ thể cũng như có hướng điều chỉnh, bác sĩ cần xác định được tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như loại thuốc bạn đang dùng.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám và điều trị các bệnh lý cho nhiều đối tượng khác nhau. Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, trình độ tốt được đào tạo bài bản tại môi trường trong và ngoài nước sẽ trực tiếp thăm khám và điều trị. Đi cùng với chất lượng thăm khám tốt là điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, môi trường khám bệnh lịch sự, văn minh, sạch sẽ mang đến cảm giác thoải mái cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: health.harvard.edu - drugs.com